Giáo viên mầm non áp dụng kỹ năng giảng dạy, tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ

Bà Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non chia sẻ: "Chúng tôi tin tưởng rằng trong 5 năm tới, dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa phương có trẻ dân tộc thiểu số, cũng như hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý".

Dự án Giáo viên mầm non áp dụng các kiến thức và kỹ năng giảng dạy tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ (gọi tắt là TALK) hướng đến nâng cao năng lực của cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ tại các trường mầm non trên địa bàn 3 tỉnh có nhiều hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống (Điện Biên, Quảng Trị, Gia Lai). Dự án này do Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) thực hiện.

Sự cần thiết của việc nâng cao năng lực giáo viên đối với khả năng ngôn ngữ của trẻ mầm non

Ở các khu vực miền núi xa xôi, tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của đa số trẻ em, nên các em sẽ gặp nhiều trở ngại khi tiếp thu ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt tại trường. Điều này tạo ra một khoảng cách học tập giữa trẻ em người dân tộc thiểu số và trẻ em người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, hệ thống trường mầm non hiện nay vẫn chưa được trang bị để giúp trẻ người dân tộc thiểu số vượt qua những thách thức này. Tại các tỉnh dự án TALK, hầu hết các giáo viên tại các trường mầm non đều là người dân tộc Kinh, không thông thạo sử dụng các ngôn ngữ địa phương và gặp nhiều hạn chế trong việc nâng cao kỹ năng sư phạm để thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm sang áp dụng phương pháp lấy trẻ làm trung tâm. 

Hình một trẻ mầm non đang tự làm chủ hoạt động trên lớp

Nhận được sự tài trợ của chính phủ Bỉ, VVOB phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, và Gia Lai thực hiện dự án TALK. Dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi thực sự trong lớp học về tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ, đảm bảo trường mầm non chuẩn bị hành trang thật tốt cho trẻ ở các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, để trẻ bước vào cấp tiểu học với những kĩ năng ngôn ngữ cần thiết, từ đó giúp trẻ sẵn sàng học tập. Những thay đổi này sẽ đạt được và bền vững thông qua việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn và thay đổi các thực hành của cán bộ quản lí nhà trường và giáo viên. 

Hướng tới việc xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ em Việt Nam

Với sự hỗ trợ của đối tác chuyên gia từ Bỉ và các chuyên gia ngành giáo dục đến từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam,  dự án TALK sẽ được triển khai với ba hợp phần: hợp phần ngôn ngữ, hợp phần năng lực lãnh đạo trong trường học, và hợp phần nghiên cứu. 

Với hợp phần ngôn ngữ, VVOB cùng với nhóm chuyên gia về ngôn ngữ sẽ thực hiện các hoạt động nâng cao chuyên môn cho Sở và Phòng Giáo dục Đào tạo. Sau khi được nhóm chuyên gia dự án TALK bồi dưỡng chuyên môn, Sở và Phòng Giáo dục Đào tạo sẽ thực hiện lộ trình nâng cao năng lực cho giáo viên về kiến thức phát triển ngôn ngữ, kỹ năng tiền đọc viết và kỹ năng tạo ra môi trường học tập giàu ngôn ngữ với sự chú trọng tới cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ. 

Bên cạnh đó, hợp phần về khả năng lãnh đạo trong trường học cũng sẽ được triển khai một cách tương tự với nhóm chuyên gia về lãnh đạo trường học, với nội dung kiến thức và thực hành tập trung vào các hoạt động phát triển chuyên môn để hỗ trợ cán bộ quản lý tạo môi trường học tập thuận lợi cho việc phát triển chuyên môn cho giáo viên. 

Đối với hợp phần nghiên cứu, dựa trên số liệu thu thập từ những can thiệp của dự án, một nhóm các chuyên gia giáo dục đến từ các viện nghiên cứu và cơ sở đào đào tạo giáo viên mầm non sẽ vận động Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận môi trường học tập giàu ngôn ngữ kết hợp với cảm giác thoải mái và sự tham gia như là một hướng tiếp cận hiệu quả để hỗ trợ trẻ sẵn sàng cho việc học. Hình chuyên gia dự án TALK giới thiệu về một hợp phần trong dự án 

Dự án được kỳ vọng sẽ lan tỏa tới hàng nghìn giáo viên mầm non thuộc 15 huyện miền núi khó khăn tại 3 tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, và Gia Lai, từ đó mang tới môi trường học tập chất lượng hơn cho trẻ em tại địa phương. 

Phát biểu tại buổi khởi động dự án TALK, Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Chúng tôi tin tưởng rằng trong 5 năm sắp tới, dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa phương có trẻ dân tộc thiểu số, khó khăn, đồng thời góp phần triển khai chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và dự án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, cũng như hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, là đội ngũ trực tiếp đưa chương trình tới trẻ, quyết định việc thực hiện chương trình mầm non. Tôi rất phấn khởi được thấy dự án TALK sẽ đi vào triển khai năm nay. Chúng tôi cũng trông chờ những đổi mới, cách tiếp cận mà dự án thí điểm sẽ mang lại hiệu quả tích cực và được chia sẻ, phối hợp cùng Bộ GDDT để nhân rộng nếu thí điểm tốt”

Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ kỳ vọng về việc dự án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non trong việc thực hiện xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số phù hợp với bối cảnh cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS trong tỉnh. Đồng thời hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận những tiến bộ trong khoa học GDMN. 

H.A