Không còn gói gọn trong không gian lễ hội hay các dịp đặc biệt, Việt phục đang dần bước vào đời sống thị giác đại chúng. Những tà áo dài thướt tha đến những chiếc áo nhật bình màu sắc xuất hiện rực rỡ trên mạng xã hội, được các bạn trẻ diện trong các dịp lễ hội như Festival Huế, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, hay thậm chí len lỏi vào các bộ ảnh cưới, MV ca nhạc, sự kiện thời trang…Sự trở lại này không chỉ mang tính hoài cổ mà còn là một cách “remix” di sản bằng ngôn ngữ thẩm mỹ của thế hệ mới.
Nhưng giữa sự nở rộ ấy, một câu hỏi bắt đầu được đặt ra: Liệu đây là một sự phục hưng văn hóa mang tính chân thành, hay chỉ là một “cuộc chơi” thời trang nơi Việt phục bị biến thành đạo cụ để chiều lòng gu thẩm mỹ đương đại?
Không thể phủ nhận rằng, từng có một thời kỳ, gu thẩm mỹ của giới trẻ Việt gần như bị chi phối hoàn toàn bởi làn sóng văn hóa ngoại lai. Những ảnh hưởng mạnh mẽ từ dòng phim cổ trang Trung Quốc hay sự bùng nổ của làn sóng Hallyu khiến các xu hướng thời trang trở nên dễ dàng hòa nhập và phổ biến. Trong dòng chảy ấy, trang phục truyền thống Việt Nam dường như “lép vế”, bị gắn mác là nghiêm trang, cũ kỹ và khó ứng dụng.
Trong thập niên 2000, phim cổ trang Trung Quốc như Hoàn Châu Cách Cách, Tây Du Ký, Thần Điêu Đại Hiệp gây sốt tại Việt Nam, mê hoặc khán giả bởi cốt truyện và trang phục lộng lẫy: áo dài thêu hoa, khăn lụa, tóc cài trâm cầu kỳ.
Từ cuối thập niên, làn sóng Hallyu Hàn Quốc bùng nổ với các nhóm nhạc Super Junior, SNSD, Big Bang và phim như Boys Over Flowers, Full House, định hình thẩm mỹ giới trẻ. Phong cách “ulzzang” – jeans cạp cao, áo phông oversized, sneaker – cùng hoodie in hình idol, vòng tay fandom, balo dây rút trở thành biểu tượng thời trang của fan K-pop.
Tuy nhiên, khi tưởng chừng như Việt phục đã bị lãng quên, nó lại trở lại mạnh mẽ, âm thầm nhưng đầy ấn tượng. Giới trẻ, sau một thời gian bị cuốn theo các trào lưu quá phổ biến và đồng nhất, dần nhận ra nhu cầu khẳng định bản sắc cá nhân, tìm về cội nguồn văn hóa. Và Việt phục, với những đặc trưng thẩm mỹ riêng biệt, chứa đựng chiều sâu lịch sử và văn hóa phong phú lại trở thành điểm nhấn đương đại đầy hấp dẫn. Không còn là thứ trang phục bị “đóng khung” trong những ngày lễ Tết, Việt phục được tiếp nhận như một phần không thể thiếu trong đời sống thẩm mỹ hiện đại.
Sự yêu thích của giới trẻ với Việt phục không đơn thuần là một trào lưu hoài cổ. Họ tiếp cận nó một cách nghiêm túc, nghiên cứu kỹ các dáng áo như áo tứ thân, áo ngũ thân, áo nhật bình; tìm hiểu các quy tắc phối màu theo ngũ hành, chọn chất liệu phù hợp theo mùa và ngữ cảnh văn hóa. Nhiều người tham gia các lớp học may truyền thống, học cách thắt khăn vấn, học tên gọi từng món phụ kiện xưa như hài thêu, trâm cài… Đây không phải là sự “mặc lại” truyền thống, mà là hành trình chủ động tìm hiểu như một kiểu “đối thoại với văn hóa” thông qua ngôn ngữ của thời trang.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng xu hướng Việt phục cũng đã và đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, khi các trang phục truyền thống bị mượn hình dáng nhưng lại lệch lạc về tinh thần văn hóa gốc. Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những chiếc áo dài với phần cổ cổ khoét sâu, tà ngắn, chất liệu xuyên thấu. Các bộ trang phục này thường không gắn liền với bất kỳ nghi lễ hay bối cảnh văn hóa nào, mà chỉ đơn thuần là công cụ để "lên hình", thu hút lượt tương tác và làm đẹp cho hình ảnh cá nhân. Chính vì thế, không ít người chỉ trích rằng trang phục văn hóa Việt Nam đang bị "biến tướng", bị gắn mác là trang phục biểu diễn hơn là một phần của đời sống thường nhật. Những bộ trang phục này không còn được xem là một phần của văn hóa truyền thống, mà chỉ đơn giản là phụ kiện thời trang tạm thời, phục vụ cho nhu cầu làm đẹp bề ngoài, không mang lại giá trị văn hóa thực sự.
Thế nhưng, trong thời đại nơi mà sự giao thoa giữa thẩm mỹ cá nhân và giá trị văn hóa truyền thống không phải lúc nào cũng dễ dàng, việc giới trẻ vừa muốn làm mới bản thân lại vừa mong muốn giữ gìn những giá trị cội nguồn là điều dễ hiểu. Việc Việt phục đôi khi bị "cosplay hóa" có thể chỉ là bước đầu tiên để thế hệ trẻ làm quen với di sản văn hóa, dù chưa hoàn hảo.
Trên thực tế, Việt phục chưa bao giờ thật sự rời xa đời sống thị giác của người Việt. Từ trước cả khi nó trở thành một “hot keyword” trong giới trẻ, trang phục truyền thống đã âm thầm hiện diện trong âm nhạc, điện ảnh và những tác phẩm văn hóa đại chúng.
Phương Mỹ Chi từng khiến khán giả xúc động với hình ảnh áo dài nâu mộc mạc trong các ca khúc dân ca Nam Bộ. Hoàng Thùy Linh thì biến hóa Việt phục trở thành biểu tượng nữ quyền hiện đại trong Để Mị nói cho mà nghe, See tình, hay Gieo quẻ, tạo nên một thế giới âm nhạc vừa rực rỡ vừa thấm đẫm bản sắc.
Trên màn ảnh rộng, Áo lụa Hà Đông, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Mắt Biếc, Em và Trịnh… đều sử dụng trang phục truyền thống không chỉ như một yếu tố tạo hình, mà như một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, khơi gợi ký ức văn hóa một cách mềm mại nhưng sâu sắc.
Mới đây, MV Bắc Bling của Hòa Minzy đã gây sốt khi mang trang phục văn hóa Quan họ Bắc Ninh lên màn ảnh một cách đầy sáng tạo. Không chỉ là những bộ trang phục truyền thống như áo tứ thân, yếm đào hay khăn mỏ quạ, mà chúng được phối hợp một cách tinh tế với nhạc beat hiện đại và màu sắc thị giác bắt mắt, tạo nên sự giao thoa mạnh mẽ giữa quá khứ và xu hướng thẩm mỹ của Gen Z.
Trên các sân khấu hoành tráng như Anh trai vượt ngàn chông gai, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, trang phục lấy cảm hứng từ cổ phục Việt lại tiếp tục khẳng định vị thế của mình. Những bộ trang phục này không chỉ đơn thuần là phục trang biểu diễn mà còn là tuyên ngôn thẩm mỹ đầy tự hào về văn hóa, mang một hơi thở mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn rất đậm đà bản sắc dân tộc.
Nếu bạn dạo bước trên các con phố trong thời gian gần đây, chắc chắn sẽ không khỏi xúc động khi chứng kiến những bộ trang phục truyền thống của Việt Nam, từ tà áo dài thướt tha, áo tứ thân duyên dáng đến các bộ trang phục dân tộc đầy màu sắc được giới trẻ phủ sóng đường phố, từ quán cà phê đến các sự kiện nghệ thuật. Đó không chỉ là cách để tôn vinh văn hóa, mà còn là một tuyên ngôn về bản sắc cá nhân, thể hiện sự kết nối với cội nguồn một cách tinh tế, đầy tự hào nhưng không cần phô trương.
Việt phục ngày nay vừa là biểu tượng của lòng yêu văn hóa, vừa phản ánh xu hướng thời trang đương đại. Thay vì vội phán xét, hãy nhìn nhận đây là một tiến trình chuyển mình. Miễn là giới trẻ vẫn tìm thấy vẻ đẹp trong Việt phục, văn hóa truyền thống sẽ luôn có cơ hội tỏa sáng và được làm mới.