Giữa mùa dịch mẹ bầu cần bỏ túi ngay lưu ý "vàng" này để tránh nhiễm cúm A

Những ngày qua dịch cúm A đang bùng phát tại một số tỉnh thành, gây tâm lý hoang mang cho rất nhiều người đặc biệt là các bà bầu. Vậy phòng ngừa cúm A như thế nào?

Những biểu hiện cúm A ở bà bầu

Mang bầu là thời kỳ rất quan trọng đối với chị em phụ nữ bởi vì sức khỏe của người mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thai nhi. Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu có nhiều biến đổi, dễ bị mắc bệnh, nhất là các bệnh lý truyền nhiễm. Chính vì vậy, mẹ bầu cần cần thận trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ.

Một số biểu hiện của cúm A mà mẹ bầu nên biết để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác:

- Nhiễm trùng họng gây đau, sưng, ho, sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng.

- Hắt hơi, chảy nước mũi.

- Đau mỏi toàn thân hoặc đau đầu, đau cơ, tê bì chân tay.

- Mệt mỏi dẫn tới tình trạng chán ăn.

- Có thể sốt hoặc ớn lạnh, sốt cao trên 38,5 độ.

- Khó thở.

- Buồn nôn.

Như vậy, biểu hiện cúm A của bà bầu khá giống với dấu hiệu cúm thông thường. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, ngay khi có những triệu chứng trên, đặc biệt là vào thời điểm bùng phát dịch cúm A, mẹ bầu cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bà bầu bị cúm A có nguy hiểm đến con?

Trên thực tế, bất cứ bệnh gì ở người mẹ đều có những tác động nhất định tới thai nhi và sự ảnh hưởng ít hay nhiều phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Khi mẹ bầu mắc cảm cúm, do sức đề kháng kém và không dùng được nhiều loại thuốc nên bệnh có thể kéo dài hơn người bình thường. Nghiêm trọng hơn, điều này sẽ càng nguy hiểm trong trường hợp mẹ bầu mắc cúm A. Cúm A khi biến chứng có thể dẫn tới viêm phổi hoặc viêm phế quản.

Không những vậy, cúm A còn có thể gây hại cho thai nhi. Cụ thể:

- Mẹ bầu bị mắc cúm A ở thể nhẹ, bệnh lý này khiến người mẹ mệt mỏi, chán ăn dẫn tới việc cung cấp dinh dưỡng cho con bị hạn chế.

- Mẹ bầu mắc cúm A bị sốt cao sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi vì virus có thể gây kích thích mạnh tới sự co bóp của tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non, hoặc thai chết lưu.

- Con sinh ra bị nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng bẩm sinh khi mẹ bầu mắc cúm A.

Cần lưu ý, sự nguy hiểm của cúm A tới mẹ bầu càng cao nếu người mẹ mắc bệnh trong những tháng đầu của thai kỳ, có thể dẫn tới một số dị tật bẩm sinh như bệnh tim, hở hàm ếch, dị ứng, hen suyễn.... Bệnh cúm A cũng có thể tác động tới não, gây tổn thương và nguy cơ trẻ bị rối loạn tâm thần.

Sức khỏe - Giữa mùa dịch mẹ bầu cần bỏ túi ngay lưu ý 'vàng' này để tránh nhiễm cúm A

Cúm A cũng là bệnh lý dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Ảnh minh họa.

Những lưu ý cho mẹ bầu giữa mùa dịch

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương, Chuyên khoa Truyền nhiễm, BVĐK Mdelatec cơ sở 3 khuyến cáo, trong giai đoạn hiện nay, trước sự bùng phát và diễn biến khó lường của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng như cúm A/B, sốt xuất huyết, Covid-19 hay bệnh đậu mùa khỉ với những triệu chứng dễ khiến người dân nhầm lẫn và chủ quan.

Do vậy, khi thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường, đặc biệt người sống trong vùng dịch tễ cần đi khám sớm, nhất là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng như người già, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Theo BS. Hương, để hành trình mang thai an toàn, bảo đảm sức khỏe cho mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần lưu ý được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, các mẹ bầu cần mang khẩu trang, vệ sinh bàn tay, tuân thủ các biện pháp phòng dịch và tiêm phòng cúm hàng năm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn thức ăn dễ tiêu và tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

Nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, chảy máu, đau bụng, mệt mỏi... thì cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời; Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng tại nhà nếu không có sự tư vấn của bác sĩ.

Theo dõi liên tục nhiệt độ, vì sốt có thể gây ảnh hưởng khôn lường cho thai. Nếu sốt trên 38 độ C, mẹ bầu cần hạ sốt bằng chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước và tăng cường các loại nước trái cây (nước chanh, cam, bưởi, dưa hấu...), mặc quần áo rộng/ mỏng.

Để tránh bệnh sốt xuất huyết cần mắc màn khi ngủ, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ nhằm không cho muỗi vằn phát triển, tránh đến nơi có người mắc để hạn chế lây nhiễm.

Cách phân biệt bệnh sốt xuất huyết, Covid-19 và cúm A:

TS.BS Nguyễn Kim Thư - trưởng khoa virus ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) - thông tin những bệnh truyền nhiễm như cúm A, sốt xuất huyết và Covid-19 có thể phân biệt qua dịch tễ, đường lây truyền và các triệu chứng.

● Cụ thể, với COVID-19 là virus lây nhiễm qua giọt bắn hô hấp. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, với các triệu chứng phổ biến như ho, sổ mũi, hụt hơi, tức ngực và có thể mất khứu giác, vị giác. Với Covid-19 người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ 36,5 - 37,5 độ C.

● Đối với cúm A là virus cúm A lây nhiễm qua tiếp xúc gần, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày. Cúm A thường có các triệu chứng như ho, sổ mũi, đau đầu, hắt hơi, đau nhức cơ thể. Với cúm A người bệnh thường sốt từ 38 - 38,5 độ C.

● Sốt xuất huyết là do virus Dengue lây nhiễm qua muỗi Aedes Aegypti, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày. Với bệnh nhân sốt xuất huyết thường không có triệu chứng ho, sổ mũi, hụt hơi tức ngực mà có biểu hiện đặc trưng như xuất huyết chấm trên da, bầm chảy máu cam. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao hơn, từ 39 - 40 độ C.

Cách phòng chống cúm A

Người dân mọi độ tuổi, cả nam và nữ đều có thể mắc cúm, đặc biệt trong giai đoạn cúm bùng phát cùng bệnh sốt xuất huyết, Covid-19, vì vậy, để chủ động phòng bệnh trước nguy cơ dịch chồng dịch, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi;

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; Vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối;

- Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng;

- Tất cả mọi người > 6 tháng tuổi nên chủng cúm hằng năm (do các chủng virus cúm có thể thay đổi hằng năm), đặc biệt ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch), phụ nữ mang thai.

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin cúm mùa, trong đó vắc-xin tứ giá GCFLU Quadrivalent có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi giúp phòng 4 chủng cúm mùa mới nhất theo khuyến cáo WHO hằng năm, có thể sử dụng trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ, hiệu quả bảo vệ cao và an toàn cho cả mẹ bầu và em bé.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.