Bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng
Trong 3 ngày cuối tuần, cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tục tiếp nhận các ca bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch chuyển về viện. Cụ thể có 21 ca chuyển tuyến từ các tỉnh miền Bắc.
Trước đây, trung bình mỗi ngày khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mỗi ngày chỉ điều trị 4-5 ca bệnh Covid-19 nặng. Hiện nay, với số bệnh nhân chuyển tuyến cao, khoa đang điều trị cho 25 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở oxy mask hoặc HFNC (oxy dòng cao).
Các bệnh nhân hầu hết đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền. Ngoài ra, những ca trung niên có bệnh nền nặng như HIV, ung thư. Tiên lượng của các bệnh nhân này đều xấu, nhiều ca có nguy cơ tử vong do bản thân bệnh nền phức tạp và yếu tố tuổi tác.
Tại Khoa Virus Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương), khoa phải bố trí thêm giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong số các bệnh nhân nhập Khoa điều trị đa phần đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản và mũi 3 (trừ trường hợp trẻ sơ sinh chưa có vắc-xin và người tuổi cao bị hạn chế vận động), chưa có trường hợp nào tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân Covid-19 đến khám gia tăng đáng kể. Có ngày ngày tiếp nhận 20 trường hợp thăm khám.
F0 ở đủ các lứa tuổi từ trẻ em, người lao động, người già. Đa phần các bệnh nhân đều đã tiêm vắc-xin Covid-19 từ 2 mũi trở lên. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là ở không ít trường hợp dù triệu chứng Covid-19 tương đối nhẹ nhưng bệnh nền lại khởi phát nặng đến mức phải nhập viện.
ThS. BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện thời gian gần đây gia tăng do thời gian tiêm vắc-xin Covid-19 đã hơn 6 tháng, miễn dịch do vắc-xin đã giảm do vậy nguy cơ mắc cao hơn.
Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi hình thành các biến thể mới, mỗi biến chủng có khả phòng ngừa với vắc-xin là khác nhau, do vậy khi mắc biến chủng mới, khả năng phòng ngừa của vắc-xin với biến chủng này thấp, khiến người bệnh dễ mắc Covid-19 hơn.
Hiện tại, biến thể phụ của chủng Omcron BA.5 cũng đã xuất hiện tại Hà Nội. Biến thể phụ này được nhận định có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ.
Theo các chuyên gia, những người mắc Covid-19 có thể tái nhiễm, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Người bệnh tái nhiễm vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại.
Trên thực tế, tại Bệnh viện Thanh Nhàn thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm Covid-19 lần 2, thậm chí là lần 3.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia khuyến cáo hiện nay, ngoài việc tiêm vắc-xin không có phương pháp nào phòng ngừa dịch Covid-19. vắc-xin sẽ bảo vệ cho những người thuộc nhóm nguy cơ khiến bệnh không trở nặng. Do vậy tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19 là cần thiết đối với mọi người.
Sốt xuất huyết, cúm A đồng loạt leo thang
Bên cạnh sự gia tăng ca bệnh Covid-19, dịch sốt xuất huyết, cúm A cũng âm thầm leo thang thời gian gần đây. Theo các chuyên gia cần phải có biện pháp ứng phó kịp thời để ngăn chặn dịch, nếu các dịch bệnh này bùng phát đồng loạt sẽ là thách thức lớn cho hệ thống y tế đã quá tải hiện nay.
ThS. BS Nguyễn Thu Hường – Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn dành toàn bộ tầng 9 để điều trị các bệnh truyền nhiễm như: Covid-19, cúm, sốt xuất huyết... Các dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và nếu cùng lúc "bùng nổ" sẽ là thách thức lớn đối với lực lượng điều trị.
Đến nay cả nước ghi nhận hơn 120.000 ca mắc sốt xuất huyết, 40 người tử vong. Số mắc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều tỉnh thành phố trong cả nước, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển.
TS Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh thành phía Bắc ghi nhận gần 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, chỉ chiếm 1% tổng số ca mắc của cả nước (miền Nam chiếm 82%, miền Trung là 14%). Ca bệnh tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa…
Từ tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng với một số ổ dịch quy mô nhỏ, không có ổ dịch lớn. Tháng 7 ghi nhận 500 ca mắc sốt xuất huyết.
Trong khi đó tại các tỉnh phía Nam dịch sốt xuất huyết vẫn đang bùng phát mạnh mẽ tập trung ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, thành phố lớn, khu công nghiệp.
Về cúm A, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội đến nay, thành phố ghi nhận 2.065 trường hợp mắc cúm. Trong 4 tháng đầu năm 2022 ghi nhận gần 400 ca/tháng. Từ tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng lên 556 ca, tháng 6 là gần 900 ca.
Hiện nay, tại một số địa phương như Quảng Ninh đã ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm. Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca chủ yếu là cúm thường, chưa có ca bệnh nặng.
Bảo vệ bản thân trước dịch bệnh
Để bảo vệ bản thân cũng như ngăn nguy cơ "dịch chồng dịch", các chuyên gia khuyến cáo mỗi người dân nên tiếp tục duy trì những giải pháp tối thiểu như V2K (tiêm vắc-xin, khử khuẩn, mang khẩu trang) mà Bộ Y tế vừa công bố thay cho biện pháp 5K như trước đây.
Với Covid-19 cần tiêm mũi bổ sung để bảo vệ bản thân trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Biện pháp phòng bệnh cúm hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Với sốt xuất huyết cần tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế như thường xuyên thau rửa các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng….
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.