Hội chứng “Sương mù não” kéo dài sau khi mắc COVID-19: Virus SARS-CoV-2 đã làm gì?

Hội chứng "sương mù não" (brain fog) ngày càng trở nên phổ biến, ngay cả ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ đã hồi phục.

Thuật ngữ “sương mù não COVID-19” gần đây đã trở thành một hashtag trên phương tiện truyền thông xã hội. Đa số người mắc phải tình trạng sương mù não có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm…

di chung suong mu nao hau covid 19 tai sao covid 19 gay ra suong mu nao can lam gi de suong mu nao som bien mat dspl

Sương mù não là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh. Ảnh minh hoạ

Nghiên cứu mới nhất từ Đại học California-San Francisco (Mỹ) đã tìm ra một số lý do tại sao nhiều người khó tập trung, không thể suy nghĩ rõ ràng và hoàn thành các công việc hàng ngày sau khi chiến thắng COVID-19, theo kênh FOX5.

Dù đây mới chỉ là bước khởi đầu, các nhà nghiên cứu tin rằng công trình này sẽ là bước đi quan trọng giúp hiểu chính xác những gì SARS-CoV-2 có thể gây ra đối với não người.

Theo nhóm nghiên cứu, chứng sương mù não có thể là kết quả của việc virus làm thay đổi dịch tủy sống ở người, theo cách tương tự như các bệnh tấn công não khác.

Nghiên cứu phát hiện một số bệnh nhân mắc chứng sương mù não sau khi khỏi COVID-19 nhẹ có biểu hiện bất thường trong dịch não tủy, tương tự như các bất thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc Alzheimer.

Các phân tích sâu hơn được thực hiện trên các mẫu dịch não tủy cho thấy mức protein cao hơn bình thường và sự hiện diện của một số kháng thể không mong đợi, vốn thường được tìm thấy trong hệ miễn dịch.

Trong khi đó, Tiến sĩ Sabrina Romanoff, nhà tâm lý học lâm sàng tại New York (Mỹ), nhận định trên trang Verywell Mind: “COVID-19 có thể gây ra chứng viêm não, ảnh hưởng khả năng giao tiếp của các tế bào thần kinh trong não với nhau, dẫn đến tình trạng sương mù não. Tuy nhiên, căng thẳng, lo lắng vì mối đe dọa của đại dịch cũng có thể gián tiếp gây ra sương mù não, vì khiến não của chúng ta mệt mỏi”.

Giới chức y tế hiện không thể dự đoán tình trạng sương mù não sau COVID-19 sẽ tồn tại trong bao lâu, nhưng ông Serena Spudich - Giáo sư thần kinh học tại Trường Y Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, Mỹ cho rằng, trong nhiều trường hợp, sương mù có thể tự phân tán và bệnh nhân sẽ dần tự khỏi.

Trong khi các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu thêm về vấn đề này, những nhà thần kinh học cũng đang tìm kiếm các liệu pháp giúp cải thiện và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của người bệnh.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường khi tập trung hoặc ghi nhớ sau nhiễm COVID-19, bạn nên đến các cơ sở y tế để gặp bác sĩ thần kinh hay chuyên gia tâm lý nhằm kiểm tra mức độ nhận thức của não bộ và được theo dõi thêm.

Thay đổi lối sống tích cực cũng là cách để tăng cường sức khỏe não bộ, cải thiện hội chứng sương mù não. Hội đồng toàn cầu về sức khỏe não bộ khuyến nghị nên tập thể dục thường xuyên, luyện kích thích nhận thức bằng các câu đố, trò chơi, ứng dụng rèn luyện trí não hoặc học một ngôn ngữ mới.

Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo ngủ đủ giấc, nên chọn chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa đơn, protein thực vật, ngũ cốc nguyên hạt và cá. Việc luôn giữ kết nối xã hội và tương tác với cộng đồng cũng góp phần tăng khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ.