Hà Nội: 42 năm bị trao nhầm, người phụ nữ vẫn chơi vơi giữa đời vì không tìm được nguồn cội

Hai bên gia đình mặc dù đã nhận nhau nhưng người con gái 42 năm qua vẫn chưa thể biết chính xác mình là ai...

Hai bên gia đình mặc dù đã nhận nhau nhưng người con gái 42 năm qua vẫn chưa thể biết chính xác mình là ai...

Nửa đời người vẫn chưa biết mình là ai?

Gần thập kỷ qua, người dân Hà Nội vẫn chưa thể quên câu chuyện hy hữu xảy ra ngay Thủ đô “người con bị trao nhầm 42 năm trước” tại nhà hộ sinh Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). Năm 2016, mặc dù 2 gia đình đã gặp và nhận nhau, thế nhưng chuỗi bi kịch cũng bắt đầu từ đó đến nay.

Mới đây, chị Tạ Thị Thu Trang (50 tuổi, quận Ba Đình, người con bị trao nhầm năm 1974) đã làm đơn kiến nghị gửi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, mong được hỗ trợ xét nghiệm ADN để tìm bố mẹ đẻ.  

Mặc dù cách đây gần 1 năm, chị đã viết một lá thư gửi người mẹ được cho là mẹ ruột của mình và quyết định dừng liên lạc vì chị cảm thấy sự xuất hiện của mình khiến đấng sinh thành phiền lòng. 8 năm qua, chị thầy sự xuất hiện của chị cũng chưa thực sự được gia đình chào đón.

Chị Trang tâm sự, sau thời gian suy nghĩ, chị làm đơn kiến nghị lần này không yêu cầu bồi thường hay khiếu nại, chỉ mong được giúp đỡ tìm người thân.

Hiện chị đang làm chủ một quán bún, ngày ngày tất bật chuẩn bị bán bún cho khách. Nhưng trong thâm tâm người phụ nữ này, vẫn chất chứa nhiều nỗi niềm.

Đời sống - Hà Nội: 42 năm bị trao nhầm, người phụ nữ vẫn chơi vơi giữa đời vì không tìm được nguồn cội Người phụ nữ bị trao nhầm 42 năm nay đã là một chủ quán bún

8 năm trước, câu chuyện chị Trang đi tìm bố mẹ ruột gây xôn xao dư luận. Mẹ của chị Trang là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 72 tuổi) sinh con gái tại nhà hộ sinh quận Ba Đình vào ngày 10/10/1974.

Khi nhân viên y tế trao con, bà Hạnh mang số 33 nhưng nhận được đứa trẻ số 32. Lúc này bà Hạnh thắc mắc thì được nữ hộ sinh giải thích trong lúc tắm rửa, số bị mờ. Bà đi tìm những đứa trẻ đánh số gần cạnh thì đều đã được gia đình đưa về. Tay ôm con về nhưng trong lòng bà Hạnh chất chứa bao canh cánh trong lòng. Mặc dù vậy, vợ chồng bà rất yêu thương con. Đứa trẻ đó chính là chị Trang.

Thế nhưng càng lớn chị Trang càng không giống bất cứ ai trong gia đình. Thậm chí, có lúc vợ chồng bà Hạnh còn ngờ vực sự chung thuỷ của nhau. Bỏ qua tất cả sự hoài nghi, thậm chí định kiến của người ngoài cả hai vợ chồng bà Hạnh chăm sóc yêu thương chị Trang vô bờ bến.

Năm 2016, bà Hạnh nghĩ khoa học phát triển, tại sao không thử xét nghiệm ADN để xoá tan những suy nghĩ trong lòng suốt bấy năm qua. Bà lén lấy sợi tóc của con gái mang đi xét nghiệm thì cho kết quả chị Trang không phải con mình. Lấy hết can đảm, một ngày bà Hạnh nói ra sự thật cho con gái biết. Bà mong muốn tìm đứa con bị thất lạc và tìm bố mẹ ruột cho chị Trang.

Đời sống - Hà Nội: 42 năm bị trao nhầm, người phụ nữ vẫn chơi vơi giữa đời vì không tìm được nguồn cội (Hình 2). Ở nửa đời người, chị Trang vẫn đau đáu nhiều nỗi niềm

Sự việc bị trao nhầm con 42 năm trước ở nhà hộ sinh được chia sẻ lên mạng xã hội nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vài tháng sau chị Nguyễn Thị L.A., cũng sinh ngày 10/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, đã đến nhận bà Hạnh là mẹ đẻ. Khuôn mặt người này được nhận xét có nhiều nét giống ông Tạ Văn Thân (đã qua đời, chồng bà Hạnh).

Sau đó, chị L.A đưa chị Trang vào Đà Nẵng nhận bố mẹ đẻ là ông Nguyễn Lê H (sinh năm 1941) và bà Ngô Kim D (sinh năm 1947).

Đôi vợ chồng già không hay biết gì, ban đầu vẫn nghĩ là nhầm lẫn, nhưng L.A khẳng định với bà D.: "Mẹ ơi, con không bao giờ đưa một người lạ nào thay thế chỗ của con cả. Trang là con của mẹ và sự việc bị nhầm lẫn vào năm 1974". Tin lời con gái, ông H và bà D nhận chị Trang là con đẻ. 

Nhận được cha mẹ, chị Trang mừng khôn xiết. Bố mẹ cũng hỏi chị về cuộc sống bao năm qua của con gái thế nào. Chị cho biết luôn được gia đình bên này yêu thương, che chở. 

“Ngày đó, mẹ tâm sự sau khi sinh thấy đúng số nên bế về nuôi và không mảy may nghi ngờ gì. Chính vì vậy khi sự việc xảy ra, bố mẹ tôi khó chấp nhận được sự thật có phần ngang trái này", chị Trang chia sẻ.

Thế nhưng, 8 năm qua, chị Trang vẫn đi lại, thăm hỏi bố mẹ, đáp lại tình cảm ấy không như chị mong đợi. 

Nói về người cùng bị trao nhầm với mình, sau khi nhận bà Hạnh là được 2 tháng rồi cắt đứt liên lạc, không qua lại nữa. Thậm chí người đó còn gọi điện đến và nói những lời lẽ khiến chị và bà Hạnh không khỏi tổn thương. Đến nay cũng đã được 8 năm...

Đời sống - Hà Nội: 42 năm bị trao nhầm, người phụ nữ vẫn chơi vơi giữa đời vì không tìm được nguồn cội (Hình 3). Tìm được gia đình ruột nhưng lại chẳng có nổi một niềm vui

Điều ước được xét nghiệm ADN giản đơn

Suốt những năm qua, bà mẹ 4 con nhiều lần đặt vấn đề xét nghiệm ADN để xác minh tính huyết thống, nhưng gia đình ông H không hợp tác.

Chị nghi ngờ "liệu có uẩn khúc nào" khiến những người chị nghĩ là bố mẹ đẻ lại không chịu nhận con. Mặc dù chị liên tục khẩn cầu thử ADN, nhưng chỉ nhận được tin nhắn khước từ của bà D: "Mẹ xin lỗi con".  

Chị Trang xót xa tâm sự: “Nửa đời người đã trôi qua, tôi đau đáu chưa biết mình là ai, chơi vơi giữa cuộc đời. Tôi chỉ mong mỏi biết bố mẹ đẻ là ai, không vì bất kể lý do nào khác”.

Chị chỉ mong được làm xét nghiệm để biết chính xác đó có phải là bố mẹ mình hay không, để con cháu biết tổ tiên thật sự của mình là ai.

Trong thâm tâm, chị Trang bảo, nếu có một điều ước, chị ước bản thân mình đừng biết gì cả, mọi thứ chỉ như một giấc mơ thôi. Còn khi đã biết rồi, chị lại háo hức đi tìm nguồn cội, cuộc sống không thể trở về như trước được. Và nếu được chọn lại, chị sẽ vẫn đi tìm bố mẹ, để biết được người đã sinh ra mình.

“Tôi đã từng ước mọi chuyện chỉ như một giấc mơ. Cuộc sống đã không thể vô tư, hồn nhiên như trước đây”, chị nói.

8 năm qua, hy vọng tìm bố mẹ đẻ cứ chợt lóe lên rồi lại vụt tắt với chị Trang. Làm mẹ của 4 người con, đã lên chức bà nội, chị chưa bao giờ ngừng nuôi hy vọng tìm kiếm cội nguồn cho các con, các cháu.

"Trong trường hợp vợ chồng ông H không phải là bố mẹ đẻ, tôi cũng mong Thanh tra Sở Y tế Hà Nội giúp đỡ thử ADN cùng các phụ huynh của các công dân có trong danh sách trên, cho tôi có thể tìm được bố mẹ của mình”, chị Trang nói.

Đời sống - Hà Nội: 42 năm bị trao nhầm, người phụ nữ vẫn chơi vơi giữa đời vì không tìm được nguồn cội (Hình 4). Đơn kiến nghị chị Trang gửi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ngày 21/2 vừa qua

Xác nhận vụ việc, ông Vũ Phương Đông, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn kiến nghị của chị Tạ Thị Thu Trang.

Ông Đông cho hay, Thanh tra Sở Y tế đã giao các bộ phận chuyên môn kiểm tra thông tin, hồ sơ sự việc vào năm 2016.

"Đây là vấn đề dân sự theo quy định liên quan đến việc xác định cha mẹ, con cái được thực hiện tại cơ quan hộ tịch hoặc tòa án. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế sẽ xác minh thông tin, mời chị Trang lên trao đổi, hướng dẫn cụ thể", ông Đông nói.

Đại diện Thanh tra Sở cho biết thêm, Sở có trách nhiệm đơn vị thường trực trong giải quyết đơn, còn giải quyết do đơn vị chuyên môn của Sở trên tinh thần hỗ trợ công dân hết mức. Trước đó, chúng tôi đã phối hợp nhiều bên hỗ trợ vụ việc này.