Giá là thực phẩm giàu protein, chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Việc sử dụng giá hoặc mầm ngũ cốc còn giúp tăng giá trị dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các loại đậu, ngũ cốc. Tuy nhiên, việc cơ sở sản xuất dùng 6-Benzylaminopurine làm giá đỗ bán ra thị trường là rất nguy hại.
Giá đỗ ngậm chất cấm, nguy hại khôn lường
Ngày 31/12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an TP Quảng Ngãi thông tin, Công an TP Quảng Ngãi vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất giá đỗ ở phường Nghĩa Chánh do bà Đ.T.T. (SN 1978) làm chủ, có sử dụng hoá chất 6 Benzylaminopurine để pha vào nước ngâm giá đỗ.
Loại chất 6-Benzylaminopurine này không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Hiện Công an TP Quảng Ngãi đang hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định.
Giữa tháng 10/2024, Công an TP Quảng Ngãi cũng khởi tố 2 vụ án, 2 bị can sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố có sử dụng hóa chất như trên về hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự.
Cơ sở sản xuất giá đỗ do bà Đ.T.T. (46 tuổi, ngụ phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) làm chủ, có sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để pha vào nước ngâm giá đỗ. Loại chất này không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Chất 6-Benzylaminopurine ảnh hưởng sức khỏe thế nào
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào cho cây. Chất này giúp cây sinh trưởng và phát triển, ra nhánh, đâm chồi, tăng cường ra hoa và trái cây to hơn nhờ kích thích phân chia tế bào.
Còn theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên. Trên cây cỏ, benzylaminopurine có một số tác dụng kích thích tăng trưởng, tăng đề kháng với bệnh cho cây song không phù hợp dùng cho người.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 6-benzylaminopurine vào cơ thể với lượng lớn có thể gây tử vong. Phụ nữ mang thai hít, tiếp xúc qua da lâu dài có thể ảnh hưởng thai nhi như gây nhẹ cân, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US EPA) báo cáo rằng 6-Benzylaminopurine có thể gây kích ứng mắt, niêm mạc thực quản và dạ dày.
"Chất kích thích, trong mọi trường hợp, đều bị cấm sử dụng cho thực phẩm hoặc cho người, kể cả bôi lên da", ông Thịnh nói.
Benzylaminopurine kết thành tinh thể hình kim, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường. Theo ông Thịnh, chất này không gây ngộ độc cấp tính với các biểu hiện lên hệ thần kinh như hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa. Nó tác động lâu dài đến cơ thể, ngấm ngầm đi vào cơ quan sinh sản, tế bào trưởng thành, kích thích sinh trưởng và qua thời gian sức khỏe suy yếu, bệnh tật. Ví dụ, 6-benzylaminopurine nhiễm vào da gây viêm da hoặc nặng thêm bệnh lý da; hít trong thời gian dài có thể tổn thương phổi. Chất này xâm nhập vào gan, thận làm suy giảm chức năng hoặc trầm trọng thêm bệnh lý vốn có.
Hơn thế, sử dụng các hoạt chất kích thích tăng trưởng thực vật tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do lượng tồn dư, là nguyên nhân gián tiếp gây ra loạt mối nguy với sức khỏe người ăn. Bởi vậy, ông Thịnh khuyến cáo sử dụng 6-Benzylaminopurine trong sản xuất thực phẩm là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều nước cấm sử dụng 6-Benzylaminopurine trong sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận chất này vẫn được dùng bất hợp pháp vì giá thành thấp và hiệu quả cao.
Phân biệt giá đỗ sạch, an toàn
Nếu có điều kiện, người tiêu dùng có thể tự làm giá đỗ tại nhà bằng phương pháp truyền thống để kiểm soát chất lượng.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn thận với các loại giá đỗ có hình thức bất thường. Khi chế biến, giá đỗ an toàn thường không tiết ra nước đục, có mùi tự nhiên dễ chịu và không bị dập nát. Đặc biệt, người dân nên mua giá đỗ ở các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị uy tín thay vì các chợ không đảm bảo nguồn gốc.
Cục An toàn Thực phẩm, nhấn mạnh rằng người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi lựa chọn thực phẩm. Ngoài việc bảo vệ sức khỏe cá nhân, việc từ chối mua sản phẩm không an toàn cũng góp phần đẩy lùi các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, người dân có thể chú ý phân biệt giá sạch và giá nhiễm hóa chất bằng mắt thường.
Giá ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt nhưng rất giòn và dễ gãy. Trong khi đó, giá sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng và khó đứt gãy.
Giá sạch được ủ truyền thống từ 3-5 ngày, cọng nhỏ, dài khoảng 3-7cm, có nhiều rễ do hút nước, còn giá ngâm hóa chất được ủ nhanh hơn và ít rễ hơn.
Về màu sắc, giá sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, trong khi giá ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, trông bóng bẩy hơn.
Khi ăn, giá sạch có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước, còn giá ngâm hóa chất thường xốp, khô, ăn không thơm và ít ngọt.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo rằng để tăng cường hiệu quả kiểm soát, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra và xử phạt nghiêm minh các cơ sở sản xuất vi phạm.
Song song với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Việc lựa chọn thực phẩm an toàn không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là hành động thiết thực để góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Rửa giá bằng nước liệu có hết hóa chất 6-Benzylaminopurine (BAP)?
Theo bác sĩ Trần Bá Thoại - Bệnh viện Hoàn Mỹ, khi ngâm trực tiếp với giá, dung dịch chất tăng trưởng BAP sẽ thẩm thấu sâu vào trong thân của cọng giá.
Vì chất 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit, nên giá thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch được, nên dư lượng hóa chất tồn dư rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
1.Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có khung hình phạt như sau:
* Khung 1:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
* Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Làm chết người;
- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
* Khung 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Làm chết 02 người;
- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
* Khung 4:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
* Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Các mức xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Trong đó:
- Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
- Đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 22 và khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP nếu áp dụng mức tiền phạt cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt tối đa được áp dụng bằng 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm.