Tai hoạ chiều cuối năm
Nhớ lại tai họa ập đến gia đình mình vào cuối năm ngoái, chị Phan Bích (43 tuổi, trú tại Trần Hưng Đạo, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) vẫn chưa hết bàng hoàng. Món nợ tín dụng đen của chồng đã khiến gia đình chị năm đó không có Tết.
Kết hôn với nhau gần 20 năm, có với nhau 3 mặt con đủ nếp đủ tẻ, nhưng điều chị Bích không thể ngờ đến là anh Long, chồng chị lại có ngày đem tờ giấy kết hôn của hai vợ chồng đi thế chấp, vay nóng số tiền 120 triệu đồng của nhóm tín dụng đen để chơi chứng khoán với mức lãi suất “cắt cổ” 12%/tháng.
Điều đáng nói, đến tháng 1/2021, sau 7 tháng kể từ ngày anh Long ký vào tờ giấy vay nợ, “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền phải trả đã lên đến 260 triệu đồng.
Không có khả năng trả nợ, anh Long bỏ đi biệt tăm. Với thu nhập ít ỏi từ quán hàng ăn sáng vỉa hè, chị Bích phải trang trải sinh hoạt, chăm lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn học, nên không thể trả nợ được cho chồng.
Những trường hợp đòi nợ bằng chất bẩn của nhóm tín dụng đen làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân
Không tìm được anh Long, các đối tượng đòi nợ đã tìm đến nhà và quán ăn của chị Bích để gây sự. Họ khủng bố chị bằng những cuộc gọi giữa đêm khuya, cùng lời lẽ dọa nạt. Đỉnh điểm là sự việc xảy ra vào chiều 23 tháng Chạp, khi đó chị vừa dọn hàng quán ra thì bị nhóm người lạ phóng xe máy đến ném một bịch mắm tôm pha với dầu luyn vào giữa sạp đồ ăn của chị. Không dừng ở đó, nhóm này còn vào quán, đập bàn ghế doạ nạt nếu không trả nợ sẽ không để yên cho chị bán hàng và sẽ đến trường học của con gái lớn chị bêu riếu. Không còn cách nào khác, chị Bích phải gom góp vay mượn của người thân 80 triệu trả trước cho nhóm đối tượng.
Chiêu thức cho vay nợ bằng những tờ giấy “độc”
Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Hải Phòng “nở rộ” hoạt động của các nhóm tín dụng đen núp bóng các cửa hàng dịch vụ như: Cho thuê xe máy, ô tô; cung cấp dịch vụ hỗ trợ vay vốn ngân hàng, tư vấn nhà đất… Đánh trúng tâm lý khách hàng, nhóm đối tượng này không yêu cầu thế chấp tài sản, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng qua tài khoản ngân hàng.
Điều đáng nói, khách hàng mà nhóm đối tượng này hướng đến là người lao động nghèo, có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh đều có thể trở thành tài sản thế chấp của nhóm tín dụng đen
Khi khách hàng có nhu cầu cho vay, chỉ cần thế chấp CCCD, hộ khẩu photo (không cần công chứng)…, thậm chí chỉ cần giao lại giấy đăng ký kết hôn hay giấy khai sinh của con cái là được. Và quan trọng hơn cả, những đối tượng này sẽ yêu cầu khách hàng ký vào các văn bản cho thuê xe cộ, đồ vật giá trị… sau khi nhận tiền thay vì tờ giấy vay nợ. Với chiêu thức hoạt động tinh vi, để tránh bị phát hiện, các đối tượng này còn thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động.
Cũng chính vì thủ tục đơn giản, nhiều người u mê, photo cả giấy hộ khẩu, CCCD để vay nhiều nhóm tín dụng đen. Như trường hợp chị Minh Phương (36 tuổi, trú tại Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng) từng phải cầm tiền đi trả nợ cho 7 nhóm tín dụng đen mà chồng chị đã vay với lãi suất “cắt cổ” và cay đắng nhận lại tài sản thế chấp là một tập giấy photo gồm cả hộ khẩu gia đình và giấy khai sinh của con trai.
Trên thực tế, hiện nay nhiều ngân hàng và công ty tài chính vẫn luôn tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp được vay tiền với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Tuy nhiên khách hàng vẫn phải có một số giấy tờ có giá trị để bảo đảm cho khoản vay của mình như: Sao kê ngân hàng; cà vẹt xe máy chính chủ; hóa đơn điện chủ hộ; hợp đồng bảo hiểm nhân thọ…
Những loại giấy tờ này giúp chứng minh được uy tín của người vay để ngân hàng và công ty tài chính có thể quyết định hạn mức vay, lãi suất vay, thời hạn vay… Và đương nhiên, những loại giấy tờ này vẫn phải qua xét duyệt theo quy định nội bộ về điều kiện hồ sơ của từng cơ quan, tổ chức do đó cần có thời gian.
Chính vì vậy, bản thân những người có nhu cầu vay tiền phải sáng suốt, đừng nhắm mắt vay bừa, bất chấp hậu quả. Lúc cho vay, các đối tượng tín dụng đen sẽ giăng đủ loại bẫy để khách hàng mê muội chui vào, và khi “con mồi” đã cắn câu thì sẽ phải chấp nhận những khoản lãi suất trên trời. Các đối tượng sẽ có muôn vàn cách thức để đòi nợ mà người vay không thể ngờ đến.
Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: 1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |