Hải trình mang Xuân ra biển

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) vừa hoàn thành hải trình kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra việc phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không báo cáo (IUU) và chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho cán bộ, chiến sĩ tại Phú Quốc, Thổ Châu, vùng biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia - Thái Lan - Côn Đảo - Vũng Tàu…
Hải trình mang Xuân ra biển- Ảnh 1.
Trung tướng Bùi Quốc Oai kiểm tra từng món hàng trước khi chuyển ra tặng cán bộ chiến sĩ đón Xuân - Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Hành trình vượt hàng trăm hải lý với sóng to, gió lớn, có lúc lên tới cấp 7- 8, nhưng với quyết tâm cao nhất, đoàn công tác của cán bộ chiến sĩ CSB trên con tàu 8005 đã hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu đề ra, trong đó đặc biệt nhất là mang Xuân - hơi ấm từ đất liền ra với biển, đảo, đến với người dân các xã đảo và với những người lính đang ngày đêm canh trực, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Xã đảo bừng không khí Xuân vui

Vượt hơn 120 km từ thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đến với xã đảo Thổ Châu - một vị trí tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích khoảng 17,4 km2, đoàn công tác dâng hương tại đền Thổ Châu, ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hơn 500 người dân vô tội bị Pol Pot sát hại vào tháng 5/1975. 

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng, Thổ Châu hiện có trên 500 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu đang sinh sống ở 1 ấp và 8 tổ nhân dân tự quản. Ngư nghiệp là kinh tế mũi nhọn của xã đảo, với 46 hộ nuôi 52 bè cá; 66 tàu công suất từ 8-24CV; sản lượng khai thác, nuôi hải sản các loại đạt bình quân từ 150-180 tấn/năm.

Gia đình ông Huỳnh Bình Khởi (còn gọi là Tư Bình) đặt chân lên quần đảo Thổ Châu vào cuối tháng 4/1992, là 1 trong 7 hộ dân đầu tiên ra lập nghiệp nơi đảo xa. Khi đó, vừa lạ đất, lạ nước, gia đình ông được bố trí ở trong doanh trại của bộ đội để có phương án định cư dài lâu.

"Mới ra ít hôm, đã có một phụ nữ sinh con. Lúc ấy một số chị em giúp lo chuyện sinh nở, còn bộ đội thì cấp thuốc men, bông gòn. Tên bé gái được chúng tôi bàn với nhau đặt tên Ngọc Châu, trùng tên xã Thổ Châu để đánh dấu quá trình định cư ở đây", ông Tư Bình kể.

Được trở về nhà đón Tết Ất Tỵ 2025 cùng đoàn công tác trên chuyến tàu CSB 8005, hai chị em Vũ Hương Giang (lớp 10) và Vũ Hương Thủy (lớp 7) đang học tại các trường ở TPHCM theo diện từ nguồn Quỹ học bổng Vừ A Dính trong chương trình "Ươm mầm tương lai", con ông Vũ Minh Hải, bộ đội đóng tại một đơn vị trên xã đảo Thổ Châu vui mừng khó tả. Cả hai chị em xa gia đình từ năm học lớp 6, mỗi năm chỉ được về nhà dịp hè và Tết cùng gia đình.

"Con vui và xúc động lắm, nhất là khi tàu cập cảng Ngự Bình trên xã đảo Thổ Châu, được ba mẹ ra tận cảng đón. Con chỉ biết nói cảm ơn các cô, chú CSB đã giúp đỡ, và Quỹ học bổng Vừ A Dính tạo điều kiện để chị em con được đi học", Hương Giang bộc bạch.

Ông Vũ Minh Hải, ba của 2 học sinh trên chuyến tàu CSB 8005 cũng chỉ biết thốt lên 2 từ "cảm ơn" để bày tỏ tình cảm biết ơn với cán bộ, chiến sĩ CSB trong chương trình "CSB đỡ đầu con ngư dân".

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng, sự vươn mình phát triển mọi mặt về kinh tế xã hội của xã đảo Thổ Châu ngày nay khẳng định sự đoàn kết của quân dân xã đảo trong thực hiện chủ trương về xây dựng Thổ Châu - xã có vị trí tiền tiêu chiến lược đặc biệt quan trọng trên tuyến Tây Nam Tổ quốc.

"Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng CSB Việt Nam nói riêng đã góp sức to lớn tạo thành khối đại đoàn kết quân dân vững bền trong xây dựng xã đảo vững mạnh về phòng thủ, đẹp về tình đoàn kết quân dân, vững vàng về thế đứng hiên ngang trong dáng hình Tổ quốc", ông Dừng bộc bạch.

Hải trình mang Xuân ra biển- Ảnh 2.
Hai cháu Hương Giang, Hương Thủy trên chuyến tàu CSB 8005 - Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Mang Tết ra biển

Tại xã đảo Thổ Châu, Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy CSB Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác chúc mừng những thành tựu kinh tế xã hội của xã. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của lực lượng CSB trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng hành, hỗ trợ ngư dân nâng cao chất lượng đời sống trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, trực tiếp là Trạm CSB4 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng CSB4.

Trong hải trình đúng dịp Tết cổ truyền dân tộc, đoàn công tác đã thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trạm CSB4, cùng các đơn vị đang làm nhiệm vụ trên đảo, như Trung đoàn 152 thuộc Quân khu 9, Trạm Radar 610 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Lữ đoàn Công binh 25 thuộc Quân khu 9.

Đoàn cũng trao tặng 24 suất quà cho gia đình chính sách, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Trao tiền (12 triệu đồng/năm) cho 3 học sinh khó khăn do CSB nhận đỡ đầu; trao tặng dàn máy vi tính và phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân tại cảng cá Bãi Ngự. 

Trực tiếp kiểm tra, chúc Tết các lực lượng thực thi phòng chống IUU trên biển, Trung tướng Bùi Quốc Oai cho rằng, các lực lượng chức năng đã quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo IUU Quốc gia, Bộ Quốc phòng và Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam về phòng chống IUU.

Qua việc kiểm tra cho thấy, ý chí, quyết tâm của bộ đội và các lực lượng thực thi rất tốt; cán bộ, chiến sĩ và người dân nắm chắc yêu cầu nhiệm vụ. Các biên đội tàu phải trực xuyên Tết trong điều kiện sóng to, gió lớn, nhưng với sự quan tâm của cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng và tình quân - dân gắn bó, các cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong phòng chống IUU, trong trực gác để đất liền đón mùa Xuân ấm áp.

Cũng theo Trung tướng Bùi Quốc Oai, qua kiểm tra cũng cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác phòng, chống IUU. 

Các địa phương được mời tham gia đoàn công tác đều cử người bám sát, theo dõi việc xử lý của CSB Việt Nam cũng như phối hợp nhịp nhàng cùng CSB Việt Nam xử lý khi có các tình huống. 

Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm, sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị các địa phương trong việc phòng, chống IUU, mà còn giúp CSB và các lực lượng chấp pháp vững tin hơn, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, cùng quyết tâm gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, CSB đã và đang hình thành và xây dựng "thế trận lòng dân trên biển", thực sự trở thành điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, nhất là khi Tết đến, Xuân về.

Hải trình mang Xuân ra biển- Ảnh 3.
Trung tướng Bùi Quốc Oai cùng các thành viên đoàn công tác tuyên truyền phòng, chống IUU cho ngư dân - Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Thiếu tá Phạm Dương Quốc Trung, Thuyền trưởng tàu KG96029 - TS thuộc hải đội Dân quân thường trực, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang xúc động khi nghe lời chúc của Trung tướng Bùi Quốc Oai qua hệ thống Icom, biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của CBCS trên tàu KG96029 - TS thời gian qua đã góp sức, chung tay cùng CSB Việt Nam và các lực lượng chấp pháp đảm bảo an ninh an toàn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tá Dương Quốc Trung cho biết, CBCS trên tàu KG96029 - TS luôn vững tin, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ. 

"Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển giáp ranh, xa quê hương đất liền, nhưng được sự quan tâm của các cấp, chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh, hơi ấm đất liền, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", Thuyền trưởng tàu KG96029 - TS chia sẻ.

Theo Trung tướng Bùi Quốc Oai, mỗi dịp Tết đến, Xuân về có rất nhiều chuyến tàu, biên đội tàu với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lên đường thực hiện các hành trình ra biển. Họ làm nhiệm vụ canh trực xuyên Tết, đón Xuân trên những con tàu với quyết tâm cao nhất để đất liền có những mùa Xuân ấm.

Ngoài chuyến công tác của CSB Việt Nam, các Vùng CSB 1, 2, 3, 4, thủ trưởng các đơn vị đã tổ chức chia tay, động viên các hải đội, biên đội tàu cùng nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đi giữ biển mùa Xuân.

 

 

Theo Nguyệt Hà/ Báo Chính phủ