"Tia hy vọng" cho những giáo viên hợp đồng
Từ đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều giáo viên như chết lặng khi hay thông tin số phận họ sẽ được quyết định sau cuộc thi tuyển viên chức.
Người đỗ thì tiếp tục được cống hiến, còn người nào trượt thì không được tiếp tục dạy. Trước nỗi lo mất việc, 256 giáo viên tại Sóc Sơn đã kéo lên ban tiếp công dân thành phố mong được giúp đỡ.
Đến ngày 9/7, tại phiên họp của HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức báo cáo HĐND về việc xét tuyển với các giáo viên hợp đồng của thành phố nếu đáp ứng đủ điều kiện: Có hợp đồng từ 5 năm trở lên, có đóng bảo hiểm, đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm.
Cụ thể, ông cho biết, sau khi bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền, thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể như sau:
Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây;
Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe;
Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vịtrí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Tôi báo cáo để HĐND thành phố cũng thực hiện giám sát. Tới đây, UBND thành phố sẽ thành lập hội đồng Xét tuyển. Sau khi xét tuyển hết thì sẽ thi tuyển với số còn lại".
Tuy nhiên, đến ngày 11/7, Huyện ủy Sóc Sơn đã có văn bản thông báo kết luận của ban Thường vụ Huyện ủy về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục 2019, theo đó, lựa chọn hình thức thi tuyển.
Đi về đâu những người gần trọn đời làm thầy, làm cô?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, cô Đào Thị Nga, giáo viên hợp đồng 9 năm công tác THCS Trung Giã, Sóc Sơn không ngần ngại giãi bày: "Thú thực, những ngày qua, tâm trạng của chúng tôi lúc lên lúc xuống, khi nghe tinh thần của sở Nội vụ, theo công văn cũ, không được vào diện xét tuyển đặc biệt, rất hoang mang. Sau khi thấy Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu ngày 9/7, thấy cũng mừng. Nhưng sau đó, ngày 11/7, huyện đã có văn bản thông báo, đã trình thành phố quan điểm lựa chọn hình thức thi tuyển. Vì vậy, chúng tôi hy vọng thành phố sớm có công văn chỉ đạo cụ thể hơn để chúng tôi có thể được xét tuyển".
Cô Nga cho hay: "Hiện nay, tại Sóc Sơn cũng có rất nhiều thầy cô hợp đồng nhưng đã cống hiến từ năm 1998 trở về trước, khó có khả năng vượt qua 2 vòng thi tuyển, nhất là khi phải làm bài thi trên máy tính, rồi thi Tiếng Anh.
Một số thầy cô đã có tuổi cũng bày tỏ quan điểm không tham gia thi nữa, vì biết là thi cũng không đỗ. Còn đối với những thế hệ trẻ hơn nhưchúng tôi thì sẽ phải cân nhắc thi cử vì trong hợp đồng của chúng tôi khác với của các thầy cô năm xưa".
"Theo tư vấn của luật sư, những thầy cô hợp đồng từ năm 1998, trước khi pháp lệnh công chức ra đời, không cần phải thi tuyển vì các thầy cô đương nhiên đã là viên chức.
Sóc Sơn hiện nay có 3 trường hợp, giáo viên có quyết định tuyển vào từnhững năm 1992, nhưng quyết định tuyển dụng được xem như viên chức đó của thành phố gửi về, hồ sơ do trường giữ, bao nhiêu năm không sử dụng đến và kế toán của trường vẫn giữ. Đến nay, hỏi hồ sơ mới biết, mang hồ sơ hỏi sở Nội vụ, nhận được câu trả lời là chờ xem quyết định của thành phố. Hồ sơ gần 30 năm bây giờ mới lục lại, có nhiều thủ tục và phải chờ đợi rất bất tiện", giáo viên trường THCS Trung Giã kể lại.
Cũng có những tâm tư tương tự, cô Nguyễn Thị Cúc (SN 1989, giáo viên trường THCS Việt Long, Sóc Sơn), đã công tác được hơn 8 năm trong ngành chia sẻ: "Sau khi ra trường, tôi đã thử việc 1 năm. Sau đó, tôi đã được ký hợp đồng vô thời hạn. Trong số 256 giáo viên này, rất nhiều thầy cô giáo của tôi, cũng có cả học sinh của tôi mới ra trường, bây giờ là cuộc cạnh tranh giữa 3 thế hệ.
Trong tất cả các văn bản trong trường, đều là "viên chức ký tên", không phải "người lao động ký tên". Chúng tôi đã cống hiến, nỗ lực bao nhiêu năm, nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi, nhiều thầy cô là giáo viên tiêu biểu của thành phố, nhận bao nhiêu bằng khen, tôn vinh thành tích, mà lại không được công nhận, vậy bằng khen và thành tích để làm gì?".
Cô Cúc bày tỏ: "Có những thầy cô đã dành cả thanh xuân để cống hiến 29 năm trên bục giảng, chỉcòn hơn 1 năm nữa là về hưu, mà xin "nghỉ hưu non" cũng không được, giờ không thi được thì bị đuổi việc. Bản thân chúng tôi còn trẻ thì không sao, chứ như các thầy cô sắp chạm tuổi hưu, thấy thương quá!".
Nộp hồ sơ để thi tuyển còn không được
Thầy Đặng Đình Thịnh (SN 1966), bắt đầu nghiệp "đưa đò" từ năm 1998 với bộ môn Văn - Sử, tính đến nay đã 21 năm tại trường THCS Xuân Thu, Sóc Sơn.
Sau khi trường thiếu giáo viên dạy Giáo dục công dân, thầy đi học lớp chuyên ngành Giáo dục chính trị từ năm 2000-2003 và giảng dạy cho đến thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, thời điểm hiện tại, thầy Thịnh đi nộp hồ sơ để thi tuyển giáo viên lại cũng không được, với lý do mà phòng Nội vụ của huyện đưa ra là bằng có trình độ "cao" quá phải giảng dạy ở các trường cấp 3 trở lên.
Thầy Thịnh về lại trường đại học Sư phạm Hà Nội, nơi thầy đã được đào tạo chuyên ngành này để tìm hiểu thì nhận được câu trả lời "đủ điều kiện giảng dạy môn Giáo dục công dân tại trường THCS".
Tuy nhiên, đến bây giờ, thầy vẫn chưa nhận được câu trảlời chính thức từ phía phòng Nội vụ.
"Trong suốt hơn 20 năm công tác, tôi luôn chấp hành đầy đủnội quy, quy định, hơn nữa, xét về tính nhân văn, chúng tôi thuộc lớp người yếu thế cần được giúp đỡ, chỉ mong có thể được xét tuyển đặc cách, bởi vì thi tuyển 2 vòng thì quá bất cập. Tôi biết mình không thi được.
Quan điểm của huyện là xếp ngang hàng, không ưu tiên ai, tuy nhiên, nếu quả thực như vậy thì bao nhiêu năm kinh nghiệm và cống hiến của chúng tôi bỗng chốc "đổ sông đổ biển"... Tôi mong các lãnh đạo có thể tìm được giải pháp tối ưu nhất cho những giáo viên có thâm niên từ 5 năm trở lên", thầy Đặng Đình Thịnh bày tỏ.
"Ở huyện Sóc Sơn, có những thầy cô dạy 27, 28 năm, không có chứng chỉ của Ngoại ngữ thứ hai nên không nộp hồ sơ được, mà nộp được cũng chẳng thi được, nhiều thầy cô đã sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi.
Đa phần các thầy cô công tác trên 20 năm đều xác định, nếu thi nhưhuyện tuyên bố 2 vòng thi, trắc nghiệm trên máy tính, Tiếng Anh và chuyên môn thì sẽ bỏ thi. Bởi vì, các thầy cô xác định tâm lý thi là trượt", cô Nga phân trần.
Hiện nay, có 3 phương án có thể xảy ra, xét tuyển bình thường, xét tuyển đặc biệt và thi tuyển (có Ngoại ngữ), nếu phải thi tuyển thì thực sự quá gian nan. Trước đây chúng tôi cũng có phải thi chứng chỉ Ngoại ngữ, tuy nhiên, chỉ là yêu cầu đơn giản, lại có giới hạn chương trình ngắn nên còn cố được. Bây giờ, thi với các cháu sinh viên mới ra trường mà nội dung rộng thì chúng tôi không biết thế nào...", cô Bình bộc bạch.
Theo Người đưa tin