Hiểu đúng về thực phẩm chức năng và cách sử dụng với Dược sĩ Thoa

Trong vài năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ với hàng loạt sản phẩm được quảng bá rộng rãi. Không khó để bắt gặp những lời giới thiệu “có cánh” như “thần dược chữa bách bệnh”, “hiệu quả tức thì”... khiến người tiêu dùng hoang mang, dễ mua nhầm hoặc sử dụng sai cách.

Trước thực trạng đó, Dược sĩ Thoa – người có gần 10 năm kinh nghiệm trong ngành Dược – đã không ngừng nỗ lực giúp cộng đồng hiểu đúng về thực phẩm chức năng. Chị từng làm việc tại công ty dược phẩm quốc tế AstraZeneca và hiện đang là dược sĩ chuyên môn tại Nhà thuốc Nhật Quang

Dược sĩ Tạ Thoa được yêu mến bởi kiến thức chuyên môn giỏi và sự tận tâm với bệnh nhân.

Thực phẩm chức năng không phải “thần dược” 

Theo Dược sĩ Thoa, trước hết, người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất của thực phẩm chức năng (TPCN). Đây là những sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hoặc phòng ngừa nguy cơ bệnh tật – nhưng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

“Rất nhiều người hiểu nhầm TPCN là thuốc điều trị và đặt kỳ vọng quá cao. Điều này dễ dẫn đến việc lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí và thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, Dược sĩ Thoa chia sẻ.

Chị cũng cảnh báo người tiêu dùng nên cảnh giác trước các quảng cáo quá phóng đại, đặc biệt là những lời hứa như “chữa khỏi bệnh”, “hiệu quả nhanh chóng”, “không cần thuốc”… Những nội dung này không chỉ sai lệch mà còn có thể vi phạm quy định của Bộ Y tế.

Dược sĩ Thoa thường xuyên tham gia các buổi hội thảo để nâng cao năng lực chuyên môn.

3 nguyên tắc chọn và dùng thực phẩm chức năng an toàn

Từ kinh nghiệm tư vấn và thực tiễn tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân, Dược sĩ Thoa đúc kết ba nguyên tắc quan trọng giúp người dân sử dụng thực phẩm chức năng đúng cách:

Nguyên tắc đầu tiên là chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, được cấp phép lưu hành và công bố rõ ràng về thành phần, nơi sản xuất. Người dùng cần kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác, số công bố sản phẩm và nên mua tại các nhà thuốc hoặc hệ thống phân phối đáng tin cậy.

“Thực phẩm chức năng dù không phải thuốc, nhưng vẫn cần tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt. Việc mua phải hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc có thể gây hại hơn là mang lại lợi ích”, chị nhấn mạnh.

Mỗi người có một cơ địa và tình trạng sức khỏe khác nhau. Việc dùng thực phẩm chức năng phải phù hợp với nhu cầu cụ thể . Ví dụ, người thiếu vitamin D cần bổ sung đúng loại, đúng liều lượng. Nếu dùng thừa hoặc bổ sung những chất không cần thiết, có thể gây tác dụng ngược. 

“Tôi từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý dùng nhiều loại bổ sung cùng lúc, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tăng men gan hay mất cân bằng khoáng chất. Đó là hậu quả của việc dùng mà không có chỉ dẫn rõ ràng”, chị chia sẻ.

Dược sĩ Thoa khuyên người dân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là với người có bệnh nền, đang mang thai, cho con bú hoặc đang dùng thuốc điều trị.

Thực phẩm chức năng chỉ phát huy hiệu quả khi kết hợp với lối sống khoa học. Việc ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và vận động đều đặn vẫn là nền tảng để duy trì sức khỏe. Không nên “giao phó” hoàn toàn sức khỏe cho các sản phẩm bổ sung.

“Dù là sản phẩm tốt đến đâu, nếu vẫn thức khuya, ăn uống thiếu chất hoặc lười vận động thì kết quả cũng khó như mong đợi. Thực phẩm chức năng là hỗ trợ – không phải phép màu”, chị Thoa khẳng định.

Đồng hành cùng cộng đồng  

Dược sĩ Thoa hướng dẫn người xem cách kiểm tra mã vạch, tra cứu số đăng ký trên Cục An toàn thực phẩm, và phân tích rõ từng nhóm sản phẩm – từ vitamin tổng hợp, men vi sinh đến thực phẩm hỗ trợ tim mạch, tiêu hóa, xương khớp…. Với chị, chăm sóc sức khỏe không chỉ là điều trị, mà là dự phòng – hiểu cơ thể – xây dựng lối sống đúng từ gốc.