Huế: Chàng trai 9x sản xuất phế phẩm vi sinh từ vỏ đậu

Đó là sản phẩm của anh Lê Văn Tài, 26 tuổi, hiện đang là Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Phú, TP Huế.
Sản phẩm của anh vừa đạt được Giải B, giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2019.
 
Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với sản phẩm này, anh Tài cho biết, tháng 5/2019, trong khuôn khổ hoạt động của Hội nông dân phường Xuân Phú, anh có hướng dẫn cho một nhóm hội viên thực hiện mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ. “Trong quá trình tư vấn cho họ thì mình nhận ra một điều rằng người làm nông họ không hề quan tâm tới hệ sinh thái trong đất mà trong khi hệ sinh thái trong đất sẽ giúp cho đất tự phục hồi độ mùn, tự tái tạo chất dinh dưỡng cho đất hấp thụ và giúp cho đất tơi xốp hơn. Từ đó, ý tưởng sơ khai đầu tiên của mình là dự án đất sống – loại sạch hữu cơ dùng cho nhà phố và đô thị. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thị trường, nhận ra khoảng trống của nguyên liệu đầu vào của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nên vỏ đậu vi sinh đã ra đời”, anh Tài chia sẻ.
 
Sau đó, anh bắt tay vào nghiên cứu, tìm tòi trên mạng, cùng với đó đến các vườn ươm cây cảnh, tham khảo ý kiến các chuyên gia về nông nghiệp để học hỏi cách làm. "Mình đã thử rất nhiều giá thể độn vào khác nhau tìm ra được một giải pháp tốt nhất cho sản phẩm nhưng đều thất bại. Đến khi mình quay lại với vỏ đậu thì mới ra được sản phẩm đầu tiên khiến bản thân hài lòng, chính là vỏ đậu vi sinh”, anh Tài nói.
 
Anh Tài bên sản phẩm vỏ đậu vi sinh
 
Theo anh Tài, ưu điểm của vỏ đậu vi sinh có thể vừa làm đất vừa có thể làm phân bón và cũng có thể sử dụng như giá thể để cải tạo đất. Chính điều này giúp cho người nông dân không lạm dụng quá nhiều vào các phân bón hóa học mà cây trồng vẫn phát triển tốt.
 
Cũng theo anh Tài, là đầu vào của những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thành phần chính của vỏ đậu vi sinh là vỏ đậu phụng và cám gạo, được xử lý bằng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó được bổ sung nhiều vi sinh vật có lợi như vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật kháng khuẩn, vi sinh vật kháng nấm nên vỏ đậu vi sinh có nhiệm cụ hỗ trợ phân giải các chất hữu cơ trong đất, hạn chế nấm bệnh và tăng cường khả năng phục hồi của đất.. Đặc biết, cách sử dụng vỏ đậu vi sinh cũng rất đơn giản như phủ trực tiếp lên bề mặt các chậu cây hoặc thay xơ dừa trộn vào giá thể để trồng lan, xương rồng, sen đá, cũng có thể dùng để ủ phân hữu cơ với tỉ lệ thích hợp…“Với sản phẩm vỏ đậu vi sinh này, mình mong muốn những người làm nông biết cách gìn giữ hệ sinh thái trong đất và dựa vào nó để phát triển nông nghiệp một cách bền vững”, anh Tài bộc bạch.
 
Mới đây, thành quả đã đến với anh Tài khi sản phẩm vỏ đậu vi sinh của anh đã chính thức được cấp giấy phép kinh doanh và được lưu thông trên thị trường. Anh Tài cho biết thêm, hiện mỗi bao phân đậu vi sinh của anh có giá khoảng 50.000đ đối với bao có thể tích 35dm3 và 25.000đ đối với bao có thể tích 17,18 dm3.
 
Anh Lê Văn Chín, Phường Xuân Phú, TP Huế chia sẻ: “Sau một thời gian sử dụng phân đậu vi sinh của anh Tài, tôi thấy cây trồng của tôi phát triển rất tốt và ít sâu bệnh hơn. Thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục tin dùng và sử dụng sản phẩm của anh Tài".
 
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, anh Tài cho hay: “Khi việc sản xuất đã có thể ổn định, việc phân phối sản phẩm mình sẽ thực hiện trên nhiều kênh khác nhau và mở rộng thị trường ra khỏi địa bàn Thừa Thiên Huế. Riêng ở thị trường miền Trung, mình muốn vỏ đậu vi sinh có thể cạnh tranh với Tribat – một sản phẩm đất sạch đang được thị trường ưa chuộng”.
 
Hoàng Lộc