Sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể đối diện án tử hình

Từ vụ phát hiện cơ sở sản xuất thuốc chữa bệnh có dấu hiệu làm giả quy mô lớn tại Thạch Thất (Hà Nội) mới đây, luật sư cho biết, hành vi vi phạm có thể đối diện mức án tử hình.

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Cục QLTT Hà Nội vừa phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra phát hiện cơ sở sản xuất thuốc trái phép, có dấu hiệu sản xuất hàng giả thuốc chữa bệnh tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Tại cở sở này, đoàn kiểm tra phát hiện 2 công nhân đang sản xuất thuốc, chạy máy dập vỉ đóng thuốc Sabumol 2mg (thuốc trị hen suyễn).

Bên cạnh đó, hàng nghìn viên thuốc Tetracyclin TW3 250 mg (thuốc kháng sinh phổ rộng) và thuốc Sabumol 2mg đều không xuất trình được hồ sơ đăng ký cũng được phát hiện.

thuoc-gia-1665325122.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện số lượng thuốc "khủng" không hoá đơn chứng từ.

Cùng với đó, nhiều loại phụ gia xuất thực phẩm xuất xứ Trung Quốc, thậm chí có loại dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng nhiều thùng chứa chất bột màu vàng, trắng chưa xác định cũng được tìm thấy. Hiện vụ việc trên đang được điều tra làm rõ.

Đánh giá về tính huống pháp lý liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư kết nối cho biết, việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường cũng đã là hành vi trái pháp luật.

Nhưng khi đối tượng hàng hoá bị làm giả là thuốc phòng bệnh, thuốc  chữa bệnh là vấn đề nghiêm trọng, vô cùng nguy hiểm vì thuốc sẽ được sử dụng trực tiếp bằng cách uống, bôi hoặc đưa vào cơ thể bằng tiêm, truyền. 

Có những loại thuốc làm giả không chứa đúng khả năng phòng bệnh, chữa bệnh của thuốc, song có những loại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của người sử dụng.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016 quy định, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm, tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

73086109-1137442123123887-1021993279173951488-n-1665325287.jpg
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Trường hợp vi phạm ở quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các chủ thể vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mức phạt theo đó sẽ từ 10 - 200 triệu đồng đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc, mức phạt với tổ chức là gấp hai lần.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết định tội, định khung như: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Có gây ra chết người hay không...mà có thể phải đối mặt mức án từ 2 - 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Bệnh  cạnh  đó, pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.

Đặng  Thủy

Đặng Thuỷ