Ngày 13/8/1986 là một ngày không thể nào quên trong cuộc đời ông Bùi Thụ Đường. Hôm đó, giữa cuộc họp hàng trăm người tham gia, ông bị cảnh sát còng tay đưa đi với lý do phạm tội hiếp dâm. Chỉ sau vài phút, ông trở thành một kẻ hiếp dâm bị hàng ngàn người khinh miệt.
Bùi Thụ Đường bối rối trước lời buộc tội từ trên trời rơi xuống này, nhưng dù ông có biện hộ thế nào cũng không ai tin. Cuối cùng, ông bị kết án 7 năm tù. Trong suốt 7 năm đằng đẵng đó, ông đã viết 3.007 lá đơn kêu oan. Vì thành tích cải tạo tốt, ông có 6 cơ hội giảm án nhưng đều từ chối với quan niệm bản thân không có tội, không cần giảm án. Sau khi ra tù, ông Đường tiếp tục tìm kiếm nhân chứng và kháng cáo. Cuối cùng, 25 năm sau, vụ án mới đi đến hồi kết. Vậy chuyện gì đã xảy ra với Bùi Thụ Đường? Là ông ấy thực sự sai lầm hay đây là án oan sai?
Một tài năng lớn được trẻ kính, già yêu
Năm 1986, ông Bùi Thụ Đường khi ấy 42 tuổi, đang làm việc tại Trung tâm Văn hóa quận Lương Châu, thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Với tư cách là một cán bộ văn học nghệ thuật, ông Đường không chỉ nổi tiếng tại trung tâm mà còn vang danh khắp thành phố Vũ Uy. Bản thân ông rất giỏi, vui tính, yêu ca hát, có năng lực và đã tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn trong thành phố. Mọi người đều công nhận ông Đường là một tài năng hiếm có.
Chính năm đó thành phố Vũ Uy tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ và ông Đường trở thành người phụ trách chính. Trước đêm diễn, ông thường hướng dẫn các thí sinh ca hát và trình diễn. Một trong số những người này là Lưu Tuệ Phương, một ca sĩ nghiệp dư có giọng hát hay nhưng cần chỉnh sửa cách phát âm.
Sau cuộc họp, Lưu Tuệ Phương đã đến gặp ông Đường để nhờ dạy kèm thanh nhạc. Ông Đường không thể ngờ rằng những buổi dạy bình thường lại trở thành vết nhơ trong cuộc đời mình.
Vào buổi chiều hôm đó, Phương đến phòng của ông Đường tại trung tâm văn hóa. Một người chuyên tâm dạy, người kia chuyên tâm học mà không để ý thời gian. Đến khi thấy trời đã khuya, ông Đường bảo Phương về nhà trước, ngày mai tiếp tục luyện tập.
Khi 2 người đi về phía cổng thì có một người đàn ông đứng chờ bên ngoài, nhìn ông Đường một cách hằn học. Đến gần, người này gằn giọng hỏi: "Đóng cửa kéo rèm, 2 người ở trong phòng làm cái gì". Ông Đường chưa kịp trả lời thì Phương vội nói đây là bạn trai của mình, họ Uông, rồi kéo anh ta đi. Tuy nhiên, Uông một mực cho rằng giữa 2 người họ có điều gì đó mờ ám.
Ông Đường và Uông cãi cọ qua lại khiến hàng xóm xung quanh chú ý. Người hàng xóm ra mặt nói rằng ông Đường thường dạy thanh nhạc cho mọi người, rèm cửa trong phòng đã bị đóng đinh, không bao giờ mở ra. Sau khi nghe người khác nói vậy, Uông nhận ra mình đã hiểu lầm ông Đường nên xin lỗi rồi cùng bạn gái ra về.
Án oan hiếp dâm
Những tưởng mọi chuyện đã êm xuôi thì 8 ngày sau đó, ông Đường bị bắt vì tội hiếp dâm và người tố cáo ông chính là Lưu Tuệ Phương. Lúc này, ông Đường rất bối rối, không hiểu tại sao Phương lại làm như vậy. Giữa 2 người không có ân oán, sao cô ấy lại lấy danh tiếng của mình để hãm hại ông?
Ngoài Phương đứng ra khai báo với tư cách nạn nhân, bạn trai cô cũng ra làm chứng. Ngay sau đó, lãnh đạo trung tâm văn hóa đã báo cảnh sát. Tất cả mọi tội lỗi đều đổ lên đầu Bùi Thụ Đường. Ngày xảy ra sự việc không có người thứ 3 tại hiện trường nên ông không tìm được nhân chứng. Ông chỉ có thể kháng cáo hết lần này đến lần khác, tìm ra những sơ hở trong vụ án và cố gắng xoay chuyển tình thế.
Theo Lưu Tuệ Phương, ông Đường đã ép cô quan hệ vào đêm dạy thanh nhạc nhưng trên cơ thể lại không có vết sẹo hay bầm tím. Ngoài ra, tại sao Phương không trình báo sự việc ngay sau khi nó xảy ra mà phải đợi 8 ngày sau? Quan trọng nhất, kết quả khám sức khỏe của Phương trong bệnh viện cũng không thể khẳng định là do bị cưỡng hiếp. Tất cả những điều này khiến Bùi Thụ Đường cảm thấy bất an nên đã mời bạn bè làm luật sư bào chữa cho mình.
Vào ngày 17/12/1986, vụ án được đưa ra xét xử và Bùi Thụ Đường bị khép tội hiếp dâm. Ông cảm thấy bản án của tòa án là rất vô lý và nộp đơn kháng cáo, nhưng kết quả của phiên tòa thứ hai không thay đổi. Từ một người đàn ông tài năng được kính trọng, ông Đường trở thành kẻ hiếp dâm chỉ sau một đêm.
Mẹ của Bùi Thụ Đường luôn tự hào về con trai nhưng giờ con bị kết án thì bà tuyên bố thẳng thừng ông đã chết trong một vụ tai nạn. Gia đình có 9 anh chị em thì tất cả đều tránh mặt ông.
Tuy nhiên, Bùi Thụ Đường biết rõ sự thật, ông biết có người quyết tâm tiêu diệt mình. Từ ngày đầu tiên vào tù, ông đã viết những lá thư kêu oan, trên đó đều có máu của ông. Toàn bộ thời gian bị giam cầm, ông đã tích lũy được tổng cộng 3.007 lá thư.
Muốn chấm dứt tất cả bằng cái chết
Trong khoảng thời gian này, Bùi Thụ Đường từng muốn kết liễu đời mình. Cho đến khi cô con gái 8 tuổi ghé thăm, ông mới tìm lại được động lực sống. Kể từ khi vào tù, vợ và 2 con của ông Đường sống trong ô nhục, mang tiếng là người nhà của kẻ hiếp dâm, đi đâu cũng không ngóc đầu lên được.
Cảm thấy tội lỗi, ông Đường đã viết đơn ly hôn trong tù và ép vợ ký vào. Vợ ông cuối cùng chấp nhận nhưng không nói sự thật với các con. Sau lần con gái đến thăm, ông Đường đã có thêm động lực và niềm tin để sống tiếp. Ông tin chắc một ngày nào đó sự thật sẽ được phơi bày.
Sau đó, ông Đường không còn đắm chìm trong u sầu mà bắt đầu tích cực tham gia các hoạt động giải trí trong tù. Với kinh nghiệm biểu diễn dày dặn trong quá khứ, ông nhiều lần tỏa sáng trong các buổi biểu diễn và giành được 6 cơ hội giảm án liên tiếp, nhưng ông từ chối tất cả bởi: "Tôi không có tội, không cần giảm án!”. Bùi Thụ Đường cho rằng một khi chấp nhận giảm án đồng nghĩa với nhận tội hiếp dâm, nhưng ông không làm nên quyết không nhận.
7 năm trôi qua nhanh chóng, mục tiêu của Bùi Thụ Đường không thay đổi kể từ khi ông ra tù: Tìm Lưu Tuệ Phương để hỏi tại sao lại hãm hại ông?
Lúc mới ra tù, cuộc sống của ông Đường vô cùng khó khăn. Vợ cũ đã đưa các con đến nơi khác sinh sống. Ông không gia đình, không họ hàng thân thích, sống một mình trong cảnh nghèo khó. Ông tiết kiệm tất cả thu nhập của mình và sử dụng nó để tìm Phương.
Nghe tin có người tình cờ thấy Phương tại một nhà ga ở Tân Cương, ông Đường bắt tàu hỏa tới đó nhưng không thấy đành ngậm ngùi quay về. Một lần khác, khi nghe tin Phương đến Nội Mông, ông cũng không do dự đi tìm và lại thất bại. Trong những năm qua, ông đã đến Thanh Hải, Lan Châu, Kim Xương và nhiều nơi khác mà không tìm thấy Phương. Ông Đường từng cảm thấy mình sẽ ra đi trong sự hối tiếc lớn nhất cuộc đời.
Nhưng ông trời vẫn ưu ái Bùi Thụ Đường. Một ngày nọ, vào năm 2000, ông cuối cùng cũng tìm thấy Lưu Tuệ Phương.
Lời thú tội muộn màng
Vào một ngày tháng 11/2000, một đồng nghiệp ở trung tâm văn hóa cũ gặp Bùi Thụ Đường và nói với ông rằng Lưu Tuệ Phương đang ở chợ rau. Nghe được tin, ông Đường kích động phát khóc, không dám chậm trễ, ngay lập tức đi tìm.
Trong chợ rau ngày hôm ấy có rất nhiều người nhưng ông chỉ cần nhìn thoáng qua là nhận ra Lưu Tuệ Phương. Đó là gương mặt cả đời Bùi Thụ Đường không thể quên.
Thấy ông Đường, Phương khuỵu xuống đất và khóc: "Tôi đã đau khổ hàng chục năm rồi! Mỗi khi nghe thấy tiếng xe cảnh sát là tôi lại run sợ! Tôi ở đây để đối mặt với ông. Xin hãy tha thứ cho tôi".
Lúc này, đồng nghiệp cũ đứng bên cạnh sợ ông Đường kích động nên thuyết phục ông hãy bình tĩnh. Bùi Thụ Đường kìm nén cảm xúc nhiều năm, nhìn người phụ nữ đã hủy hoại cuộc đời mình. Ông rất tức giận nhưng chỉ muốn biết tại sao cô lại làm như vậy?
Sau đó, Lưu Tuệ Phương đã đưa cho Bùi Thụ Đường một bức thư thú tội dài 8 trang. Đọc xong bức thư này, ông mới hiểu ai là người đã đẩy mình xuống vực sâu.
Bùi Thụ Đường thời đó là một nhân vật có tiếng trong đơn vị, ngoài năng lực chuyên môn vững vàng, ông còn khá cứng đầu và cao ngạo, thường xảy ra tranh chấp với lãnh đạo. Ông tình cờ phát hiện cấp trên tham ô nên đã tốt bụng nhắc nhở khéo.
Ngay sau đó, những người này bị vạch mặt, đưa ra kiểm điểm công khai. Họ cho rằng chính Bùi Thụ Đường chỉ điểm nên ghi thù. Cho đến khi Lưu Tuệ Phương xuất hiện, họ đã tìm thấy cơ hội để trả thù ông Đường. Họ ép Phương và bạn trai vu cáo ông Đường, đổi lại, cô sẽ được sắp xếp việc làm trong trung tâm văn hóa. Nếu Phương không đồng ý, họ sẽ lan truyền sự cố dạy hát ngày hôm đó, hủy hoại thanh danh của cô.
Cứ như vậy, Phương phải đưa ra quyết định khiến cô hối hận cả đời, sau này phải sống trong mặc cảm tội lỗi, tinh thần suy sụp. Sau khi biết được sự thật, ông Đường thở phào nhẹ nhõm. Sau bao nhiêu năm hoang mang, cuối cùng ông cũng hiểu ra nguyên nhân. Ông không ghét Lưu Tuệ Phương, bởi vì cô ấy cũng là nạn nhân giống như ông.
Với bức thư này, không lâu sau đó ông Đường đã giải oan được cho bản thân. Ngày 27/11/2011, Tòa án Nhân dân quận Lương Châu đã tuyên trắng án cho Bùi Thụ Đường.
Cuối cùng, Bùi Thụ Đường đã có thể đối diện trực tiếp với người thân của mình. Còn những kẻ chủ mưu của vụ án oan này đều đã qua đời vì bạo bệnh không lâu sau khi Bùi Thụ Đường bị bắt giam.