Kiến nghị xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đánh giá vấn đề trốn đóng, chậm đóng BHXH hiện đang rất nan giải, ĐBQH cho rằng hành vi trốn đóng cần phải đồng bộ hoá với pháp luật hình sự.

Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những nội dung được ĐBQH tham gia thảo luận là vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính

Quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 39, Điều 40 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cho biết, 2 điều này quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc.

Cụ thể, Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm bị trốn đóng. Tuy nhiên, nội dung biện pháp xử lý của 2 điều này cơ bản là giống nhau, riêng việc trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, dự thảo Luật nên thiết kế quy định Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản. Theo đó, khoản 1 là các biện pháp xử lý như quy định tại Điều 39; khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối thoại - Kiến nghị xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn Phú Thọ (Ảnh: Quochoi.vn).

Hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được giải thích rõ ràng tại Điều 37, Điều 38 của dự thảo Luật, trong đó, có sự phân định theo thời gian. Trong khoảng thời gian sau thời hạn phải đóng quy định tại khoản 6, Điều 33 đến hết 60 ngày mà chưa đóng là được xác định là chậm đóng; 60 ngày tiếp theo vẫn tiếp tục chưa đóng thì được xác định là trốn đóng.

“Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, khắc phục các vướng mắc, đảm bảo cho các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, hành vi trốn đóng cần phải đồng bộ hoá với pháp luật hình sự, đảm bảo sự nhất quán, khớp nối giữa hai hệ thống pháp luật”, ông Nam nói.

Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hoá) đề nghị cần có các mức số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm, không nên quy định mức giống nhau như dự thảo luật.

Đồng thời, cần xác định làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

“Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất và mức độ vi phạm giữa chậm đóng và trốn đóng là khác nhau”, ông Sơn phát biểu.

Đối thoại - Kiến nghị xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (Hình 2).

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Thanh Hoá (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) cũng đề nghị bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo sự đồng bộ trong việc xử lý trong khi chúng ta chưa sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm.

Nêu rõ tên doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng

Cho rằng vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện đang rất nan giải, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất quy định dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng chậm đóng, để kịp thời chấn chỉnh.

Về tính khả thi quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cần được quy định chặt chẽ, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết: Điều 40 của dự thảo luật quy định việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhưng tại Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luận cần xem xét vấn đề này bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đối thoại - Kiến nghị xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (Hình 3).

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng (Ảnh: Quochoi.vn).

Cùng quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm, dịch vụ việc làm… để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc.

"Quy định này nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch", đại biểu nhấn mạnh.

Nguyễn Thu Huyền/Người đưa tin