Kỳ án "vườn điều" và hành trình giải oan cho 10 người trong 1 gia đình

Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao TS.Dương Thanh Biểu chính là người trực tiếp chỉ đạo giải quyết kỳ án "vườn điều" gây chấn động dư luận suốt nhiều năm.

Vụ án "vườn điều" đã đi vào lịch sử tố tụng của Việt Nam về độ phức tạp, nhất là về số lượng người bị oan sai trong một vụ án đồng thời cũng là người trong đại gia đình gồm 3 thế hệ.

Linh cảm đặc biệt về vụ án "vườn điều"

Những năm đầu của thập kỷ 2000, báo chí đưa tin về vụ án giết người tại tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là vụ án "vườn điều"). Thời điểm ấy, các bị cáo đồng loạt kêu oan và quan điểm của các cơ quan truy tố cũng khác nhau khiến vụ án có những điểm nghẽn.

TS.Dương Thanh Biểu nhớ lại, vụ án đã được TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án đối với 10 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm về tội Giết người. Nhưng sau đó, bản án phúc thẩm số 404/ HSPT ngày 5/4/2002 của tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung. Ngày 6/8/2004, bản án sơ thẩm (lần hai) số 122/HSST của TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt các bị cáo về phạm các tội Giết người, Che giấu tội phạm nhưng có giảm so với sơ thẩm lần 1.

TS. Dương Thanh Biểu

Đọc những bài viết trên các báo lúc đó, TS.Dương Thanh Biểu nhận thấy đây là vụ án không quả tang, bắt giam theo biện pháp truy xét. Các ý kiến giữa những người bào chữa và cơ quan truy tố cũng rất khác nhau. Luật sư cho rằng không có căn cứ buộc tội và kiến nghị xử lý hình sự đối với người tiến hành tố tụng. Trong khi đó, cơ quan tố tụng (Bình Thuận) lại yêu cầu xử lý luật sư... Nhiều tờ báo đưa tin vụ án nhưng có bình luận khác nhau.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Biểu có linh cảm đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng cũng rất phức tạp về quan điểm đánh giá chứng cứ. Rất có thể sắp tới, phiên tòa phúc thẩm lần hai sẽ tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Và như vậy, sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm lần ba... Trong trường hợp phiên tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì sẽ tiếp tục giai đoạn giám đốc hoặc tái thẩm. Nghĩa là 10 người của một gia đình sẽ tiếp tục trong vòng quay tố tụng...

"Liên quan đến vụ án, thời điểm chuẩn bị xét xử phúc thẩm lần hai. Viện trưởng VKSND Tối cao Hà Mạnh Trí có nhắc tôi chỉ đạo sát sao vụ án này. Tôi gọi anh Nguyễn Quốc Công, Vụ trưởng và ông Nguyễn Thanh Hạo, Phó Vụ trưởng vụ Kiểm sát xét xử (vụ 3) xuống phòng tôi trao đổi tập trung vào 5 nội dung: Phân công người vào VKS xét xử phúc thẩm đọc kỹ hồ sơ vụ án. Trong đó chú ý hệ thống các chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với từng bị cáo; Đọc kỹ các ý kiến trên báo chí phản ánh về quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án này; Gặp gỡ các luật sư để nắm những ý kiến của họ về vụ án, nhất là lý do đề nghị khởi tố người tiến hành tố tụng về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án; Quan điểm của VKS xét xử phúc thẩm tại TP.HCM về vụ án này; Quan điểm đề xuất của vụ Kiểm sát xét xử (vụ 3) về hướng giải quyết vụ án này.

Nghe tôi nêu 5 nội dung như vậy, đồng chí Hạo nhận thực hiện nhiệm vụ nhưng vì khối lượng rất nhiều nên đề nghị cử thêm nữ kiểm sát viên Kim Oanh theo dõi địa bàn cùng tham gia", TS. Dương Thanh Biểu nhớ lại.

Nguyên tắc tố tụng không thể thoát ly quy định xét xử hai cấp

Cũng theo lời kể của ông Biểu, kể từ hôm đó, những thông tin về vụ án "vườn điều" luôn được ông chú ý ưu tiên cập nhật. Điều mà ông trăn trở, nếu xét xử phúc thẩm lần hai mà Tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại như các lần trước đây thì giải quyết thế nào?

Thời điểm đó, trao đổi với ông Biểu, Viện trưởng Hà Mạnh Trí đưa ra gợi ý liên quan đến vụ án rằng "nguyên tắc tố tụng cũng không thể thoát ly quy định xét xử hai cấp". Ngay lập tức, ông Biểu đưa ra phương án, nếu xét xử phúc thẩm lần 2 này mà Tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại thì không giao hồ sơ cho cơ quan tư pháp Bình Thuận nữa, giao hồ sơ cho VKSND Tối cao và bộ Công an điều tra lại từ đầu.

Bà Lâm khóc kêu oan trước tòa.

"Phương án của anh khá hay. Trước đây, trong vụ án tại 15 ngõ Yên Thế, Hà Nội, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo áp dụng phương án này, nghĩa là giao cho viện Kiểm sát Tối cao thực hiện. Tuy nhiên, bây giờ thực hiện phương án này cũng không phải dễ. Phải có sự bàn bạc thống nhất cao trong nội bộ VKSND Tối cao và bộ Công an! Làm như vậy là phương án tốt nhất", ông Biểu nhớ lại ý kiến của Viện trưởng Hà Mạnh Trí.

Sau đó không lâu, anh Hạo gọi điện báo cáo kết quả công tác tại VKS xét xử phúc thẩm và đăng ký sáng ngày 22/11/2004, vụ 3 xin báo cáo vụ án "vườn điều". Ông Biểu mừng là đoàn công tác của anh Hạo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trăn trở nỗi đau 1 gia đình sẽ tiếp tục trong vòng quay tố tụng

Ông Dương Thanh Biểu cho hay: "VKS xét xử phúc thẩm cũng có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất là có căn cứ buộc tội, đề nghị y án sơ thẩm. Trong trường hợp này, nếu tòa Phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì chắc chắn sẽ có khiếu nại quyết liệt, báo chí sẽ tiếp tục vào cuộc, lúc đó rất dễ diễn ra thủ tục giám đốc hoặc tái thẩm! Quan điểm thứ hai là chứng cứ yếu, đề nghị hủy án điều tra, xét xử lại. Trong trường hợp này các cơ quan tố tụng Bình Thuận chắc chắn sẽ giữ quan điểm như hai lần xét xử sơ thẩm trước đây. Như vậy, vòng quay tố tụng của vụ án sẽ lặp lại. Thân phận 10 bị cáo tiếp tục bị tạm giam. Tôi đánh giá, cả hai phương án trên là không khả thi".

(Còn nữa)