Gần nửa tháng 12 cậu bé cùng huấn luyện viên đá bóng mắc kẹt trong hang Tham Luang tại Thái Lan. Phần lớn mọi người không thể hình dung nổi cảm giác ở trong một hang tối nhiều ngày, với hy vọng sống sót mong manh. Nhưng một người có thể thấu hiểu những gì đội bóng nhí Thái Lan đang phải trải qua, là Lothar Emannuel Kaiser, 84 tuổi.
Kaiser năm 1952. Ảnh: SRF.
Khoảnh khắc Kaiser nhận ra nước lũ đang dâng đầy lòng hang, hormone adrenaline tăng vọt, kích thích những phản ứng đầu tiên - bỏ chạy, leo trèo và tìm nơi an toàn. Sau đó là nỗi hoang mang bao trùm. Chàng sinh viên băn khoăn liệu tất cả có thể ra khỏi hang, họ còn bao nhiêu đồ ăn... Tiếp đó, những suy nghĩ về cha mẹ, anh em, rồi chuyện sống chết cứ luẩn quẩn trong tâm trí Kaiser.
Giáo sư Bögli chính là người dẫn dắt cả nhóm, chỉ bảo học trò phải làm gì trong tình cảnh ấy. “Chúng tôi thực sự ngưỡng mộ ông ấy", Kaiser nói trên Vice.
Bốn thầy trò xoay xở để lấy cát hùn vào chỗ ngủ, tìm thấy những ao nhỏ để lấy nước uống, cầm hơi với bánh mì ôi và thịt hộp. Họ nói chuyện với nhau rất nhiều, cùng ôn lại kỷ niệm, làm những phép toán, kể chuyện và cười đùa.
“Trong hoàn cảnh ấy, bạn phải biết tưởng tượng. Chỉ một giây phút để mình đơn độc, những suy nghĩ u ám sẽ xâm chiếm tâm hồn bạn”, Kaiser nhìn nhận.
Đoàn cứu hộ vào hang để tiếp cận các nạn nhân. Ảnh: SRF.
Vào ngày thứ 6, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Họ nghe thấy những tiếng ầm ầm càng lúc càng nhanh. “Chúng tôi cho rằng ngoài kia trời lại bắt đầu mưa. Điều đó suýt chút nữa dập tắt mọi hy vọng”, Kaiser hồi tưởng.
Bốn bề không một tia sáng, đôi khi Kaiser không thể nhận biết ngày đêm. Tệ hơn, nhiệt độ trong hang luôn duy trì ở mức 6 độ C, bốn thầy trò phải ngủ trên đá, quần áo ướt nhẹp và không có một mảnh chăn để ủ ấm.
10 ngày trôi qua, cuối cùng nước cũng rút và thầy trò giáo sư Bögli có thể tự thoát ra khỏi hang. Kaiser sụt 10 kg. Trải nghiệm đã thay đổi chàng sinh viên 18 tuổi mãi mãi: “Tôi trở nên nghiêm túc hơn, nhưng cũng hài hước hơn”.
Biết con gặp nạn, cha của Kaiser ngày đêm túc trực trước cửa hang cùng đội cứu hộ, tâm trí rối bời. Họ đoàn tụ sau 10 ngày mắc kẹt dưới hang. Ảnh: SRF.
Dù mọi chuyện đã nằm lại quá khứ, cơn ác mộng bị kẹt trong một cái hang và vật lộn tìm lối ra vẫn ám ảnh Kaiser ngay cả khi về già. Trong mơ, ông thấy mình phải leo lên một cầu thang xoắn ốc, càng cao lối đi càng mỏng và trơn trượt hơn. Cuối cùng, Kaiser phải nhảy xuống một vực thẳm tăm tối - đó cũng là lúc ông giật mình tỉnh giấc, mồ hôi túa ra như tắm.
Khi được hỏi lời khuyên dành cho 12 cậu bé gặp nạn tại Tham Luang, Kaiser cho rằng trò chuyện chính là chìa khoá giúp không khí đỡ căng thẳng.
“Các em phải mạnh mẽ và bảo vệ nhau, để không ai từ bỏ hy vọng. Một điều quan trọng khác là huấn luyện viên cần khiến tâm trí lũ trẻ bận rộn, động viên các em khi không khí chùng xuống. Cuối cùng, họ cần tiết kiệm nhu yếu phẩm. Ví dụ, chúng tôi chỉ dùng đèn pin khi cần di chuyển đến một khu vực khác trong hang”.
Người đàn ông ở tuổi gần đất xa trời nhìn nhận về những gì mình trải qua hơn nửa thế kỷ trước: “Nếu bạn sống sót sau 10 ngày cận kề cái chết, bạn sẽ trở thành một người mộ đạo. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện trong hang. Khi bạn không biết liệu mình có sống tới ngày mai không, bạn sẽ bắt đầu nghĩ về nơi mình sẽ tới khi rời bỏ thế giới này. Giờ thì tôi biết hành trình ấy dẫn tới đâu rồi”.