Lá ngón độc như thế nào, mà có thể gây chết người trong "nháy mắt"?

Trong lá ngón có chứa một chất kịch độc có thể giết người ngay lập tức, đó chính là hoạt chất cực độc alkaloid.

Cứu sống một học sinh ăn lá ngón tự tử

Theo Công An Nhân Dân, một học sinh do mâu thuẫn với gia đình đã ăn lá ngón tự tử và may mắn được lực lượng chức năng kịp thời cứu sống.

Cụ thể vào trưa 7/11, em Th. Y. R (11 tuổi), đang là học sinh tiểu học, cư trú tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) do mâu thuẫn gia đình đã ăn lá ngón tự tử.

Theo người thân kể lại, em R. đi học ở nội trú tại trường, hôm nay có về nhà và xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ, nên ăn cơm ở nhà xong thì ăn một ít lá ngón, sau đó lấy một nắm lá ngón bỏ vào cặp đưa đến trường để ăn tiếp. Sau khi ăn, được bạn cùng phòng phát hiện rồi gọi giáo viên đưa đến Trạm Y tế xã trong tình trạng đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp sợ hãi.

Ngay lập tức, các y, bác sỹ Đồn Biên phòng Tri Lễ và Trạm Y tế xã này đã rất khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu chữa. Sau gần 2 giờ tích cực cấp cứu, em R. đã qua cơn nguy kịch và hiện nay sức khỏe đang dần bình phục.

Đời sống - Lá ngón độc như thế nào, mà có thể gây chết người trong 'nháy mắt'?

Các  bác sĩ cứu sống một học sinh ăn lá ngón tự tử.

Cách sơ cứu ngộ độc lá ngón

Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuộc độc bảng A) gồm: cây củ chi, lá ngón, trúc đào và cây sui. Chỉ ăn 3 lá ngón sẽ tử vong ngay lập tức.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, lá ngón không những quen thuộc với người dân miền núi mà cũng khá phổ biến bởi đây là căn nguyên gây ra nhiều ca tử vong bởi sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết của người dân. Hàng năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa không ít thông tin liên quan đến các ca ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn nhầm lá ngón.

Người bị ngộ độc lá ngón thường có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và tử vong rất nhanh do ngừng hô hấp.

Khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như: gây nôn, uống đầy nước, móc họng để kích thích gây nôn.

Sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc. Tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Lưu ý, hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới 1h. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu hiểu biết, các vụ tự tử hoặc đầu độc bằng lá ngón xảy ra khá nhiều, đặc biệt trên các tỉnh vùng núi. Khi đó, khả năng cứu sống nạn nhân khó đạt 100% do không thể sơ cứu kịp thời, đúng lúc.

Bác sĩ cũng lưu ý việc gây nôn chỉ tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.

Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy. Phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón là do tự tử hoặc bị đầu độc. Cần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, stress… là nguyên nhân gây tự sát. Không nên để những người này tiếp cận với lá ngón.

Cách nhận biết lá ngón, không phải ai cũng biết?

Đời sống - Lá ngón độc như thế nào, mà có thể gây chết người trong 'nháy mắt'? (Hình 2).

Hình ảnh cây lá ngón.

Lá ngón có hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn. Hoa của cây lá ngón có màu vàng, mọc ở đầu cánh hay ở kẽ lá.

Theo các tài liệu cổ, lá ngón là một loại dây mọc leo thân quấn thường xanh dài tới 12m, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc.

Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm.

Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6, 8, 10.

Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài một cm, rộng 0,5cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận.

Trúc Chi (t/h)