Lá thư cuối cùng của liệt sĩ gửi chị gái giữa bom đạn tại chiến trường Quảng Trị 1972

Giữa thời bình, đọc lại những dòng thư được viết vội trong bom đạn thời chiến có lẽ mới thấm thía giá trị của hai chữ “hoà bình”.

Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sỹ, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Hàng năm cứ đến ngày 27/7, cả nước lại hướng về các nghĩa trang liệt sỹ để thành kính dâng hương, tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà. Những lá thư cuối cùng của các liệt sĩ gửi cho người thân, gia đình trước khi nằm xuống nơi chiến trường là những kỷ vật rất có giá trị, đến bây giờ - giữa thời bình, đọc lại những dòng thư này có lẽ mới thấm thía giá trị của hai chữ “hoà bình”.

Quảng Trị những ngày tháng 7 bao giờ cũng trở nên đông đúc với những đoàn người đa số là cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, đồng đội cũ. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị là nơi hứng chịu nặng nề bom đạn, chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 khiến những lời hứa hẹn trở về mãi mãi không bao giờ thành sự thật.

Dòng sông Thạch Hãn giờ đây bình yên hiền hoà, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải không còn nỗi đau chia cắt, trở thành chứng tích lịch sử cho một thời chiến đấu vẻ vang của dân tộc. Và cũng từ Quảng Trị, trong thời chiến đã có biết bao nhiêu lá thư được gửi đi, biết bao lời hẹn quay về khi đất nước thống nhất. Có người may mắn được hưởng trọn niềm vui ngày đất nước giải phóng, đôi bờ Nam Bắc hoà làm một, nhưng cũng không ít những người lính, mãi nằm lại nơi đáy sông, lòng đất…

Hình ảnh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” (Ảnh: Đoàn Công Tính)

“Đông Hà, 16/4/1972 

Chị yêu quý của em!

Em viết thư này cho chị tại mặt trận Đông Hà (Quảng Trị). Đơn vị của em đến đây và đang làm việc ở vùng xung quanh. Hiện nay Ngụy đã nhảy dù tăng cường và cụm lại ở đây khá đông, vì vậy chiến sự ở vùng này vẫn tiếp diễn. Quân ta vẫn chuẩn bị rất khẩn trương, xe tăng và xe bọc thép loại nặng vẫn vào suốt đêm, không khí chiến dịch rất căng thẳng nhưng cũng rất phấn khởi chị ạ.

Hiện nay em ở trong một cánh rừng ngay sát mặt trận, nằm trong tầm oanh tạc của pháo bắn tầm xa và vùng hoạt động dữ dội của B52 của địch. Hầu như suốt đêm ngày bọn máy bay phản lực Mỹ gầm rít, nhào lộn trên bầu trời, bắn rốc két và thả bom bừa bãi xuống mọi chỗ mà chúng nghi ngờ. Chỉ cần một làn khói nhẹ hoặc một mảnh vải trắng phơi không thận trọng là có thể ăn hàng tấn bom…”.

Đó là những dòng thư của liệt sĩ Trương Mộng Ly, Chiến sĩ kỹ sư - binh nhì hy sinh khi tròn 28 tuổi đời, lúc chưa đầy một tuổi quân gửi đến người chị gái nơi quê nhà.

Lá thư cuối cùng gửi chị gái của liệt sĩ Trương Mộng Ly (Ảnh: Dân trí)

“...Nhưng chị đừng lo gì cho em cả, em của chị vẫn bình thường, chỉ bị sức ép của bom làm cho tai ù đặc lại chẳng nghe thấy gì. Bọn em đã đào hầm rất chắc chắn ăn ngủ trong hầm. Trong cánh rừng này còn có những đơn vị pháo cao xạ và pháo mặt đất của ta nữa, nên nhiều lúc bọn em còn lên trên hầm xem máy bay nữa.

Ngoài tiền tuyến này mặc dù là lửa và máu, là gian khổ nhưng đông vui lắm chị ạ. Em đã gặp rất nhiều đồng hương Thanh Hóa nhưng rất tiếc không biết Hùng hiện nay thuộc đơn vị nào để hỏi thăm.

Chị của em! Em vẫn bình thường, chỉ gầy và đen đi nhiều. Tất nhiên em của chị sẽ chịu đựng được cho tới khi nào không còn làm việc được nữa. Chị đừng lo gì cho em cả chị nhé.

Đông Hà giải quyết xong em sẽ theo mặt trận vào trong nữa. Chị giữ gìn sức khỏe chị nhé, chị yên tâm mà chữa bệnh chị ạ, kiên trì là phải khỏi thôi. Rất nhớ chị và các cháu. Cho em gửi lời thăm anh Phúc và anh chị Quế.

Em của chị

Mộng Ly”.

Sau khi lá thư này được gửi đi, ngày 27/7/1972, anh hy sinh khi trên đường làm nhiệm vụ kiểm tra tuyến đường ống xăng dầu bảo đảm nhiên liệu cho các đơn vị binh khí kỹ thuật tăng, pháo, thiết giáp, xe ô tô phục vụ chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. 

Những lá thư cuối cùng như vậy đâu đó có lẽ vẫn còn được cất giữ trên dọc dải đất hình chữ S. Ở độ tuổi 18 đôi mươi, có những thanh xuân trở thành bất tử, có những con người hy sinh thân mình gầy dựng lên núi sông. 

Lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hy sinh vào ngày 2/1/1973.

Trong thư có những đoạn viết: “Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột…

Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này…”.

(Ảnh: Hoàng Phương)

Bức thư của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa (sinh năm 1952) quê Hải Hậu, Nam Định. Đây là bức thư được liệt sĩ viết cho vợ sắp cưới nhưng chưa kịp gửi đi, anh hy sinh vào ngày 2/3/1979 trong chiến tranh biên giới và mãi đến năm 2013 mới về đến tay người nhận.

Trong thư có những đoạn bày tỏ sự nhớ nhung gửi đến người yêu:

"Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em…

Em ơi, ngày mai anh đi về phương Bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly. Ra đi mang nhiều nỗi nhớ thương, ai có thể thấu hiểu được lòng anh trong lúc này em nhỉ? Chỉ có anh rhotoi, anh đang sống trong giờ phút chia ly, bao giờ anh nói với em nhờ thư, nhờ gió mây gửi đến cho em…”

Hoà bình hôm nay chúng ta đang sống được đổi bằng máu thịt của thế hệ cha ông. Không quản ngại khó khăn, gian khổ và cả tính mạng, những anh hùng đã dành tuổi thanh xuân vì nền độc lập dân tộc. Chiến tranh đã đi qua, nhưng mất mát, đau thương vẫn còn đó, chưa thể nguôi ngoai. Xin gửi lời tri ân đến những vị anh hùng dân tộc, những thương binh, liệt sĩ và gia đình những người lính đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, tự do của nước nhà!.

THÀNH GIANG