Từ cuối tháng 4 vừa qua, làn sóng Covid-19 đã quay trở lại với diễn biến phức tạp, mọi người trong đó có trẻ em được yêu cầu ở trong nhà để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, cũng trong lúc này, nhiều trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ mắc Covid-19, hoặc trở thành F1, F2, phải sống trong các khu cách ly hoặc các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội. Việc làm thế nào để trẻ bớt cảm giác nhàm chán khó chịu khi cách ly tại nhà hay lo lắng sợ hãi khi phải cách ly tập trung là băn khoăn của không ít bậc cha mẹ.
Cha mẹ cần dành thời gian chất lượng cho con
Là phụ huynh có 2 con nhỏ, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, gia đình NSƯT Xuân Bắc nghiêm túc tuân theo các quy định về phòng chống dịch bệnh. Thay vì các hoạt động vui chơi dã ngoại như những mùa hè trước, năm nay, mọi hoạt động của các con chỉ diễn ra trong nhà.
Anh Bắc cho rằng, cách ly không chỉ là thử thách với trẻ em mà còn là thử thách với người lớn. Nếu người lớn cảm thấy khó khăn bao nhiêu, trẻ em lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Chính người lớn phải có tinh thần lạc quan thì mới có thể có tác động tích cực lên các con.
Trong thời gian nghỉ dịch, việc vui chơi của trẻ bị hạn chế, cũng bởi vậy mà thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ tăng cao hơn, anh Xuân Bắc cho biết, bản thân anh không phản đối việc cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại, Internet vì trong thời đại công nghệ, đó cũng là một cách học, cách chơi, giải trí. Nhưng bố mẹ không nên cho con dùng điện thoại như là cách để trông con, để con không làm phiền đến mình.
"Tôi nghĩ rằng bố mẹ cần thay đổi suy nghĩ, chúng ta nên nghĩ rằng hãy chơi với con thay vì trông con. Trông con đơn giản là giữ cho con miễn sao không gặp nguy hiểm. Nhiều bố mẹ có dành thời gian cho con, nhưng lại cầm điện thoại, để cho con tự chơi, thì mới chỉ dừng lại ở việc trông con. Chỉ khi chúng ta dành thời gian có chất lượng cho con, thì cảm giác các con chán chơi ở nhà sẽ bớt đi".
Có nhiều năm làm công tác tham vấn, tư vấn tâm lý trẻ em, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng khi ở trong nhà quá lâu, trẻ em cũng có thể gặp phải những căng thẳng kéo dài dẫn đến vấn đề tâm lý.
“Bố mẹ cũng có thể trò chuyện, chia sẻ với các con về những cảm xúc của mình một cách khéo léo, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ, để trẻ học cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ, gia đình. Tôi cũng đồng ý với việc bố mẹ cần dành thời gian chơi với con toàn tâm toàn ý, 5-10 phút mỗi ngày cũng là tuyệt vời. Về khía cạnh truyền thông, tôi thấy còn khá ít chương trình truyền thông về đại dịch cho trẻ em. Hiện nay, trẻ em đang nghỉ học rất nhiều, vì vậy, nên có những chương trình truyền thông thân thiện, gần gũi hơn với trẻ em để các em nhận thức được các em cần làm gì, các em hiểu được trách nhiệm của các em. Điều này sẽ giảm thiểu những căng thẳng tâm lý, những điều bất ngờ ập đến với các em”, chuyên gia Nguyễn Hà Thành chia sẻ.
Cẩn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt nếu phải đi cách ly
Nhớ lại thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua, khi trường có học sinh liên quan đến ca mắc Covid-19, hàng chục học sinh và giáo viên phải cách ly tập trung tại trường, cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) cho biết: “Đêm đầu tiên khi nhận được lệnh đi cách ly tập trung vào 23h, một số con còn ngơ ngác tưởng được đi du lịch nên rất phấn khởi, một số con mếu máo khóc lóc khi biết bố mẹ không đi cùng. Đến khi được đưa vào trường chia 1 phòng 4 con ở 4 góc khác nhau, các con rất hụt hẫng và sợ hãi. 4h sáng, các con được gọi dậy lấy mẫu xét nghiệm, lúc này nhiều con bắt đầu khóc mếu. Phụ huynh và các thầy cô toàn trường đều rất lo lắng cho các con, đến khi nhận được kết quả tất cả đều âm tính, không khí mới bắt đầu vui vẻ trở lại”, cô Lan kể.
Cô Lan cho biết, việc phải cách ly tập trung dài ngày, dù ở chính trường lớp thân quen nhưng cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, gò bó, do đó, nhà trường đã cùng các bậc phụ huynh xây dựng kế hoạch để biến thời gian cách ly của các con thành một kỳ nghỉ vui vẻ nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc phòng dịch 5K. Tại đây, con được trải nghiệm những hoạt động như tập thể dục hàng ngày, thi tổ chức vẽ tranh, viết thư cho người thân kể về cuộc sống trong khu cách ly…
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cũng cho rằng, bất cứ ai khi phải đi cách ly tập trung do liên quan đến các ca mắc Covid-19 hay mắc Covid-19 chắc hẳn đều rất sửng sốt. Thông thường, diễn biến tâm lý khi đó sẽ từ “sốc”, từ chối chấp nhận sự thật đó đến giai đoạn tức giận người có thể khiến mình phải cách ly, sau đó đến giai đoạn dần thích nghi.
Trong mùa đại dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ cần trò chuyện với nhau và trò chuyện với con, trong trường hợp không may phải cách ly tập trung, cha mẹ cần làm gì và con cần làm gì.
“Trẻ từ 4-5 tuổi đã bắt đầu nhận thức được về những vấn đề dịch bệnh, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho các con. Thực tế trẻ em dũng cảm hơn người lớn rất nhiều, nếu các con có sự chuẩn bị từ trước sẽ dễ dàng chấp nhận hơn và có sức bật tốt hơn người lớn, chính các con lại có thể mang lại năng lượng tích cực cho người lớn những lúc khó khăn căng thẳng. Do đó, việc chuẩn bị tâm lý cho con là rất quan trọng”, bà Nguyễn Hà Thành nói.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng cục Trẻ em (bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hiện nay Cục Trẻ em cũng như các bên liên quan đang tiếp tục nỗ lực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các khu vực cách ly và địa bàn giãn cách xã hội.
Phương châm của cục Trẻ em là “Không để trẻ em nào cần hỗ trợ mà không được hỗ trợ trong thời kỳ này”. Đến thời điểm hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Đối với trẻ em là F0, F1, bộ LĐ-TB-XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 - 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021.
“Một số nơi có tình trạng trẻ em phải đi cách ly một mình không có bố mẹ, qua kiểm tra của cục Trẻ em, đến nay các địa phương đã chỉ đạo các sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Ngoài sự hỗ trợ của Bộ, các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ trẻ em cũng đã và đang rà soát lập danh sách những trẻ em cần hỗ trợ trong địa bàn hoạt động để có sự giúp đỡ các em kịp thời”, bà Nga cho biết thêm.
Về việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ trong các khu cách ly, bà Nga cho biết, trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, có người lớn đi cách ly cùng trẻ hoặc trẻ em có thể gọi đến tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn kịp thời 24/7 và hoàn toàn miễn phí./.
Nguyễn Trang/VOV.VN