NĐT: Thưa đại biểu Tạ Văn Hạ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (5/2023), ông đánh giá như thế nào trong việc sửa đổi lần này?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Sau hơn 10 năm đi vào thực tiễn, Luật Đất đai 2013 đã có nhiều bất cập. Có thể kể đến việc xuất hiện những loại hình mới phát sinh trong lĩnh vực bất động sản như condotel...; bất cập trong trong chính sách về giá, đền bù, giao đất, chuyển đổi, chuyển nhượng đất. Đặc biệt, thời gian qua chúng ta thấy việc khiếu kiện đông người chủ yếu liên quan đến đất đai… Tất cả những vấn đề này đòi hỏi đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi luật.
Với Luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội đã lường trước, đây là một đạo luật phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của dân, nên đã xác định thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.
NĐT: Với những nội dung trong Luật Đất đai (sửa đổi), cá nhân đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề nào?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Tôi quan tâm đến giá đất làm sao sát với giá thị trường, có một giá được hay không? Bởi nếu còn nhiều giá thì còn mâu thuẫn, còn có sự so sánh. Các vấn đề khác như: Chuyển nhượng, mở rộng mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đối tượng được nhận quyền, quy trình thủ tục cũng cần làm sao để đơn giản, đảm bảo công bằng giữa tất cả người dân…
NĐT: Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Thời gian lấy ý kiến nhân dân cũng đã trôi qua được gần 1/3, theo đại biểu việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này cần phải thực hiện như thế nào để tránh hình thức?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Lấy ý kiến nhân dân tôi cho rằng phải đi từ thực tiễn, làm sao lấy ý kiến theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn cách làm, phương pháp làm như thế nào cũng cần phải tính đến.
Rõ ràng, vừa qua có một số dự án luật đã ban hành xong nhưng lại không thực sự đi vào cuộc sống, thậm chí đã phải điều chỉnh một số điều. Như vậy, chúng ta chưa tính hết các tình huống, chưa thực sự nghiên cứu kỹ những vấn đề đang là điểm nghẽn của luật trong cuộc sống… Quan trọng là chưa lấy được ý kiến nhân dân một cách thực chất, chưa tạo ra được phương pháp để người dân có điều kiện đóng góp, quan tâm.
Với Luật Đất đai sửa đổi, tôi nhận thấy người dân đã quan tâm đến vấn đề này, nhưng con số này vẫn còn hạn chế, người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, không có điện thoại thông minh… chưa có điều kiện để tiếp cận tài liệu và gửi góp ý được, công tác tuyên truyền chưa được đa dạng.
Các thông tin về dự án Luật mới đang chỉ là đưa lên trên mạng hoặc có văn bản gửi để các cơ quan địa phương mời các đại diện tổ chức lấy ý kiến, chưa có những chuyến tuyên truyền lưu động…
Tôi cho rằng, cần phải có những giải pháp làm quyết liệt hơn, cho người dân quan tâm, chú ý hơn đến Luật để đi đến đâu cũng phải thấy râm ran, bàn tán, góp ý về Luật Đất đai, từ ngồi trên xe taxi, từ quán nước, hiệu cắt tóc cũng nhắc về sửa đổi luật. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn Luật sẽ thành công, chất lượng hơn.
NĐT: Đại biểu có kỳ vọng như thế nào sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Tôi kỳ vọng với việc lấy ý kiến nhân dân, Quốc hội bàn thảo tại Nghị trường qua 3 kỳ họp thì Luật sẽ gỡ được những điểm nghẽn, hạn chế, bất cập. Đồng thời, bổ sung kịp thời những cái mới, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
NĐT: Xin cảm ơn đại biểu.
Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023.
Đối tượng lấy ý kiến gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương; ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Hình thức lấy ý kiến gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.