Lãnh đạo UBCKNN nói gì về đơn kêu cứu của nhóm cổ đông HAGL?

Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước cho biết đây là sự việc lần đầu tiên xảy ra, đồng thời đang trong quá trình xử lý nên chưa thể thông tin gì thêm.

Chiều 16/2, trao đổi với PV, một lãnh đạo của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (bộ Tài Chính) cho biết đã nắm được thông tin về đơn kiến nghị của nhóm cổ đông Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, liên quan đến việc huỷ niêm yết cổ phiếu HAG.

“Vấn đề xem xét huỷ niêm yết liên quan đến hồi tố báo cáo tài chính chưa từng xảy ra nên phía Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) có hỏi ý kiến của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Thực tế thẩm quyền huỷ niêm yết hay không là của HOSE. Tất nhiên chúng tôi cũng có vai trò và trách nhiệm, tuy nhiên mọi chuyện vẫn đang trong quá trình xử lý nên chưa thể thông tin gì thêm”, lãnh đạo của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nói.

vvcwd

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Cùng ngày, thông tin với chúng tôi, lãnh đạo Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhấn mạnh theo nguyên tắc, thẩm quyền quyết định thuộc về HOSE.

“Tôi được biết sắp tới đây HOSE và HAGL sẽ có buổi làm việc để tìm ra cách tháo gỡ. Chúng tôi cũng có vai trò phối hợp để đưa ra phương án theo đúng căn cứ pháp lý. Dù vậy, mọi việc đều phụ thuộc vào đề xuất của HOSE”, lãnh đạo Vụ Giám sát Công ty đại chúng phân tích.

PV cũng đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX). Ông Long cho biết vụ việc này không thuộc thẩm quyền của VNX, nếu PV cần lấy thông tin thì nên hỏi các cơ quan quản lý.

PV nhiều lần gọi điện cho ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc HOSE, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

Cổ đông HAG đặt dấu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và các cấp quản lý

Như đã đưa tin, việc xem xét huỷ niêm yết cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) do có kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các cổ đông gắn bó với HAGL.

Trong đơn kêu cứu gửi Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3 – bộ Công an), bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), nhóm cổ đông HAG cho biết thời gian qua, thông tin lan truyền về việc sàn HOSE sẽ huỷ niêm yết cổ phiếu HAG đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho các cổ đông bởi giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.

Cũng theo nhóm cổ đông trên, thông tin huỷ niêm yết cổ phiếu HAG dựa theo lý do vì doanh nghiệp này lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) là chưa thoả đáng. Cụ thể, nội dung đơn kêu cứu nêu rõ:

Thứ nhất, Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e, thì không có quy định hồi tố lỗ.

Đồng thời, nhóm cổ đông HAG khẳng định năm 2019 HAGL báo lãi, không hề có chuyện 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019 thua lỗ như một số thông tin được đưa ra gần đây.

Phân tích thêm, nhóm cổ đông HAG đặt ra câu hỏi: Việc HAGL công bố báo cáo tài chính 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 3/2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có thông báo hủy?

“Nếu HOSE tiến hành huỷ đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAG hiện nay, đặc biệt là những người đã mua cổ phiểu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 trên cơ sở căn cứ vào BCTC quý của HAG gần đây có lãi”, nội dung đơn kêu cứu nhấn mạnh. Cuối cùng, theo nhóm cổ đông HAG, báo cáo tài chính hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét việc huỷ niêm yết HAG.

"Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau thời điểm ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tức tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý sao giờ lại lôi chuyện cũ ra xem xét. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những người mua cổ phiếu từ tháng 4/2021. Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, hàng loạt thông tin, báo cáo từ HAG cho thấy một doanh nghiệp hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng năm 2022 có lợi nhuận gấp chục lần năm 2021 nên chúng tôi đã đầu tư. Vì vậy, nếu HOSE đột ngột thông báo HAG bị huỷ niêm yết vì những chuyện xảy ra những năm trước, sẽ gián tiếp giết chết các cổ đông, những người mua cổ phiếu vì kỳ vọng tương lai chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng quá khứ", đơn thư của nhóm cổ đông viết.

Một chuyên gia công ty chứng khoán VPS phân tích, HAGL đã công bố BCTC 2020 có kiểm toán và đưa ra nội dung hồi tố từ tháng 3/2021. Nếu HAG bị huỷ niêm yết vào tháng 4/2021 là đúng. Đây là những cổ đông đầu tư sau thời điểm ngày phát hành BCTC đã kiểm toán 2020 (vào tháng 4/2021), và họ không nhận được cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý nhưng không hiểu vì sao việc lỗ này giờ lại bị “đào bới lại”.

Hiện nay, các cổ đông của HAGL là người mới, họ là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 khi căn cứ vào BCTC quý HAG gần đây có lãi, cổ đông mới tin tưởng vào kết quả kinh doanh hiện tại và tương lai nên mới mua vào. Nếu HAG bị huỷ đột ngột sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cổ đông hiện nay, đặc biệt những người sở hữu cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021.

hagcaxr1

Thông tin xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HAG đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các cổ đông gắn bó với HAGL.

Cổ đông có thể khởi kiện

Theo HAGL, giai đoạn 2017-2019, các cổ đông cũ không còn gắn bó với HAGL. Hiện, các cổ đông nắm giữ HAGL là những cổ đông mới, họ tin tưởng vào kế hoạch kinh doanh của HAGL ở hiện tại và triển vọng tương lai chứ không căn cứ vào thông tin tài chính trong quá khứ. Theo luật sư Giang, trong trường hợp này cổ đông không có lỗi, họ mua cổ phiếu HAG tại thời điểm mua sau HAGL công bố lãi, và khi mua thì cổ phiếu HAG đã không còn nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Anh Đạt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội phân tích, Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31-12-2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e hoàn toàn không có quy định hồi tố lỗ. “Đặc biệt, BCTC hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán nên không có giá trị pháp lý để Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét để huỷ niêm yết HAG hay không”, luật sư Đạt phân tích.

Được biết, HAGL hiện có trên 30 ngàn cổ đông. Theo số liệu từ các công ty chứng khoán, hầu hết đây là những cổ đông mới, tham gia sở hữu HAG khi nhận thấy triển vọng phát triển của HAGL.

Từ các phân tích pháp lý trên cho thấy, nếu áp dụng Nghị định 155 để huỷ niêm yết, loại HAG khỏi sàn chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM sẽ đứng trước nguy cơ bị 30.000 cổ đông HAGL khởi kiện.