Loại quả xưa rụng bạt ngàn không ai biết đến, nay thành món đặc sản lạ chị em thành phố thích mê, 40.000 đồng/kg

CTV
Đây là thứ quả đặc sản ở vùng Anh Sơn (Nghệ An), phải dùng búa để đập mới lấy được phần hạt bên trong vì vỏ của chúng rất cứng. 

Những năm gần đây, các loại quả rừng dân dã, hương vị lạ được ưa chuộng ở thành phố. Có những quả giá đắt ngang với hoa quả nhập ngoại nhưng vẫn được săn lùng.

Trong số các quả dại đó phải kể tới trái trồi, loại quả mọc bạt ngàn ở rừng miền núi huyện Anh Sơn, Thanh Chương (Nghệ An). 

Dù có lớp vỏ ngoài xù xì, xấu xí, nhưng hạt trồi ngon, bùi, được nhiều người ưa chuộng

Trồi là cây mọc tự nhiên, thích hợp với nhiều chất đất khác nhau và có ở khắp mọi nơi từ đất cằn sỏi đá cho đến vùng rừng sâu rậm rạp. Cây trồi được "nhân giống" tự nhiên trong rừng bằng sự rơi rụng của quả, sau đó gặp điều kiện mưa ẩm thích hợp, mùn đất vùi lấp sẽ tự mọc lên. Tính từ khi trái rụng mọc thành cây sau khoảng 5 năm phát triển thì cây mới bắt đầu ra hoa kết trái. 

Người dân địa phương cho biết, cây trồi ra hoa vào mùa xuân và đến mùa thu sẽ bắt đầu thu hoạch quả. Trước đây, trẻ con trong làng thường vào rừng nhặt trồi về ăn "cứu đói", chúng gắn liền với những bữa cơm bình dị của người dân miền núi. 

Còn những năm gần đây, trái trồi được biết tới nhiều hơn. Đến mùa, người dân rủ nhau vào rừng thu hoạch trái trồi về bán cho thương lái. Ở thành phố, trái trồi có giá khoảng 40.000 đồng/kg và luôn trong tình trạng hết hàng, phải đặt trước mới có. 

Sau khi luộc, người dân phải dùng búa để đập trái trồi, lấy hạt bên trong để ăn

Theo quan sát, trái trồi lớn như quả hồng, có hình dạng giống chiếc bát úp, da dù xì như quả na, khi quả non có màu xanh và già thì chuyển sang nâu thẫm. Bên trong quả có hạt lớn, nhân hạt hình trái tim, thơm ngon, béo bùi là một món ăn được nhiều người yêu thích.

Anh Văn Tiến - một người dân ở Anh Sơn cho biết những cây thấp thì dễ hái, còn cây cao thì phải trèo lên, dùng sào để chọc. Những ngày trời mưa, thân cây khá trơn, trèo khó, người hái phải đứng dưới cây chọc ngược lên.

Anh Tiến cho biết thêm, 1kg trái trồi có khoảng 10 quả. Với lớp vỏ xù xì, xấu xí, ít người nghĩ rằng chúng có thể làm thành món ăn ngon, bùi bùi hấp dẫn. Theo kinh nghiệm dân gian, quả trồi chín rụng dưới gốc, ngon hơn quả trồi được hái trên cây. Quả càng già thì vị béo bùi càng đậm.

Vỏ trái trồi rất cứng nên không thể dùng dao hay thìa để tách được mà phải dùng tới búa. "Trồi sau khi hái về, đổ vào nồi luộc gần 1 tiếng đồng hồ dưới lửa to cho chín,  để ráo rồi mới đem ra đập vỏ để ăn phần hạt bên trong", anh Tiến nói. 

Là người chuyên thu mua trái trồi của bà con để bán ở thành phố, chị Hòa Anh (ở TP.Vinh, Nghệ An) cho hay: "Nhu cầu về hạt trồi lớn, trong khi nguồn cung có hạn, chủ yếu là khai thác trồi trong tự nhiên nên khách phải nhanh tay mới mua được. Một kg hạt trồi tôi bán từ 20.000-40.000 đồng/kg tùy thời điểm. Chúng có hương vị lạ nên người dân thành phố rất thích".