Luật sư Trần Đình Dũng: Phải xử lý nghiêm bệnh viện từ chối cấp cứu

Theo luật sư Trần Đình Dũng, hành vi không tiếp nhận cấp cứu người cần cấp cứu vào bệnh viện là trái với Quy tắc ứng xử và Quy định về y đức được bộ Y tế ban hành.

Vụ việc PV tác nghiệp phòng chống dịch COVID-19 ngất xỉu nhưng bị một số bệnh viện từ chối cấp cứu gây phẫn nộ dư luận. Nhiều bạn đọc lên tiếng phải xử lý nghiêm những nơi từ chối cấp cứu. Luật pháp quy định về vấn đề này như thế nào, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh).

Sự việc một số cơ sở khám chữa bệnh từ chối cấp cứu, mới nhất là trường hợp phóng viên tác nghiệp phòng dịch ngất xỉu nguy cấp nhưng bị từ chối cấp cứu, luật sư có ý kiến thế nào?

Tôi phải nói ngay rằng, bác sĩ, nhân viên y tế từ chối cấp cứu bệnh nhân, là hành vi rất tệ, rất đáng bị lên án về mặt đạo đức và nghề nghiệp. Chưa nói tới luật pháp, chưa nói tới đạo đức người lương y, chỉ về mặt tình người đã không được phép từ chối cấp cứu rồi. Chẳng trách dư luận phẫn nộ với trường hợp bác sĩ không cấp cứu người bệnh.

Việc bác sĩ ngay lập tức tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu là nguyên tắc y đức của cả thế giới chứ không riêng gì ở nước ta. Đây cũng là nguyên tắc y đức từ rất xa xưa đến nay. Trái với nguyên tắc này, hành vi không cấp cứu người bị nạn là hành vi có thể dẫn đến phạm tội được quy định tại Bộ luật Hình sự nếu vì sự tắc trách không cấp cứu mà người bệnh chết.

Góc nhìn luật gia - Luật sư Trần Đình Dũng: Phải xử lý nghiêm bệnh viện từ chối cấp cứu

Luật sư Trần Đình Dũng.

Pháp luật quy định buộc bác sĩ phải thực hiện cấp cứu bệnh nhân như thế nào, thưa luật sư?

Hoạt động của ngành y hiện thực hiện theo Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Trong đó, tại Điều 6, quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm, hành vi bị cấm thứ nhất là “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”. Cho nên, việc bác sĩ và nhân viên y tế khác từ chối cấp cứu là vi phạm pháp luật tại khoản 1 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.

Đối với bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh khác, khoản 1 Điều 53 Luật khám bệnh, chữa bệnh, quy định “Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Tổ chức việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh.

Các hành vi vi phạm khám, chữa bệnh cũng được Bộ luật Hình sự hiện hành điều chỉnh bởi tội danh tại Điều 315, là Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, mà gây ra một trong các hậu quả sau thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Mức phạt tù của tội này lên đến 15 năm nếu gây ra hậu quả lớn.

Góc nhìn luật gia - Luật sư Trần Đình Dũng: Phải xử lý nghiêm bệnh viện từ chối cấp cứu (Hình 2).

Phóng viên tác nghiệp phòng chống dịch COVID-19 ngất xỉu nhưng bị một số bệnh viện từ chối cấp cứu.

Như vậy, trong trường hợp người cấp cứu bị từ chối nhưng may mắn không bị ảnh hưởng tới tính mạng, ai chịu trách nhiệm và xử lý ra sao?

Tiếp nhận cấp cứu là nghĩa vụ luật định của các y bác sĩ theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay, ngành y đang lưu hành có hiệu lực Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6/11/1996 của bộ Y tế quy định về y đức đối với nhân viên ngành y. Theo đó, bác sĩ phải cấp cứu kịp thời khẩn trương người bệnh, thực hiện nghiêm túc pháp luật.

Đồng thời, ngày 25/02/2014 bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BYT quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Trong đó điều chỉnh trách nhiệm ứng xử nhập viện bệnh nhân đối với các bác sĩ của bệnh viện.

Hành vi không tiếp nhận cấp cứu người cần cấp cứu vào bệnh viện, là hành vi trái với Quy tắc ứng xử và Quy định về y đức của bộ Y tế ban hành ở Thông tư số 07/2014/TT-BYT và Quyết định số 2088/BYT-QĐ. Người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chính là bác sĩ trực cấp cứu. Tuỳ mức độ có thể xử lý kỷ luật lao động do vi phạm pháp luật, hoặc xử lý về mặt viên chức, công chức theo qui định pháp luật.

Như đã nói ở trên, hành vi không cấp cứu đáng bị lên án và là hành vi vi phạm pháp luật. Lãnh đạo các bệnh viện cần xử lý nghiêm túc các bác sĩ trực cấp cứu để răn đe chung. Đồng thời, bộ Y tế cần xử lý nghiêm túc trách nhiệm công chức người đứng đầu bệnh viện nhằm lập lại nguyên tắc luật pháp trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy rằng, trong thời điểm gia tăng bệnh nhân do dịch COVID-19 ở các đô thị (TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…) làm cho các bệnh viện quá tải. Nhưng nguyên tắc cấp cứu luôn phải tuân thủ. Đó là y đức, lương tâm, và cũng là quy định pháp luật, chứ không phải viện dẫn lý do dịch bệnh để có thể từ chối cấp cứu.

Xin cảm ơn luật sư!

Sở Y tế TP.HCM ra công văn khẩn: Tuyệt đối không được từ chối người bệnh đến cấp cứu

Theo đó, sở Y tế đề nghị tất cả bệnh viện, trung tâm y tế vừa tuân thủ công tác phòng chống dịch tại đơn vị vừa đảm bảo khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân. Cụ thể: Đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Đảm bảo thường trực đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết; Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào; Trong trường hợp bệnh viện phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 (F0) một cách bị động, sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải duy trì hoạt động của khoa Cấp cứu, đảm bảo 24/7. Trường hợp bệnh viện bị phong tỏa, bệnh viện phải thông báo công khai để người dân biết.

Đi cấp cứu nhưng 4 bệnh viện từ chối tiếp nhận

Trước đó, tối 9/7, anh Nguyễn Thành Nhân, 27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, là PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật bị ngất xỉu khi đang dự họp báo tại trung tâm Báo chí TP.HCM. Anh Nhân lập tức được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện quận 1 cơ sở 2, bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, bệnh viện 30-4, bệnh viện ĐH Y dược... nhưng các nơi này đều không tiếp nhận bệnh nhân. Khi đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện đã đóng cửa. Sang bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân được tiếp nhận lúc 0h ngày 9/7. Rất may, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

An Bình (thực hiện) - Người Đưa Tin Pháp Luật