Ly hôn có phải lựa chọn duy nhất khi hôn nhân rạn nứt?

Trước khi thật sự đi đến quyết định ly hôn, bạn hãy ngồi lại và bình tâm để nhìn nhận và suy xét về cách mà bạn đã và đang bước đi trong hành trình hôn nhân.

Trong cuộc đời của chúng ta tính cho đến bây giờ, chắc hẳn chúng ta đã đưa ra rất nhiều quyết định phải không. Và từng quyết định ấy đều ít nhiều tạo ra những ảnh hưởng lên cuộc đời của ta. Dẫu là bạn đưa ra một quyết định nhỏ như hôm nay ăn gì, thì nó cũng tạo ra những ảnh hưởng lên cuộc đời bạn. Thật vậy, tất cả các quyết định diễn ra trong cuộc sống hằng ngày đều đóng một vai trò nhất định trong cuộc đời của chúng ta.

Và quyết định ly hôn là một trong những quyết định đặc biệt quan trọng. Do đó, mọi thứ sẽ tốt hơn nếu bạn hiểu rõ mong muốn của bản thân và ý nghĩa của việc ly hôn trước khi bạn đưa ra quyết định thực hiện nó. Không một ai biết tương lai của bạn sẽ ra sao sau khi ly hôn, rằng nó có trở nên tốt hơn không, hay mọi thứ sẽ còn tệ hơn lúc chưa ly hôn? Vì lý do đó, tôi khuyên bạn hãy luôn cân nhắc thật kỹ càng, suy nghĩ thật thấu đáo trước khi đưa ra quyết định ít nhiều mang tính táo bạo đó.

Đầu tiên, bạn hãy bắt đầu xem xét lại toàn bộ cuộc hôn nhân của mình từ khi bắt đầu cho đến hiện tại.

Hãy quan sát và đánh giá xem bạn đã ở đâu trong cuộc hôn nhân của mình, bạn đã làm gì trong cuộc hôn nhân của mình, bạn đã chăm sóc cho cuộc hôn nhân của mình ra sao…

Để duy trì mối quan hệ của hai người trong một cuộc hôn nhân, đương nhiên bạn phải dành thời gian để bồi bổ, xây dựng và vun đắp nó qua từng ngày. Nhờ vậy, mối quan hệ của bạn và người bạn đời mới có thể vững chắc được. Và bạn đã từng làm điều đó như thế nào?

Trong hôn nhân, sự trung thực, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau là những thành phần cơ bản để duy trì mối quan hệ này. Bạn có thể dựa vào các thành phần cơ bản này mà tạo ra cho mình một thước đo để đánh giá cuộc sống hôn nhân của mình và người bạn đời đã diễn ra như thế nào.

Ngoài ra, bất cứ một mối quan hệ nào cũng luôn phải trải qua những giai đoạn khác nhau. Có những giai đoạn các bạn sẽ vô cùng vui vẻ và sung sướng khi được ở bên nhau. Nhưng ngược lại, cũng có những giai đoạn mà mối quan hệ của hai bạn sẽ bị đe dọa, phải đứng trên bờ vực đổ vỡ. Nhưng đâu phải khó khăn là buông tay nhau ngay phải không bạn? Một khi bạn có thể cùng người bạn đời đi qua các giai đoạn khó khăn đó, thì xin chúc mừng bạn, cuộc hôn nhân của hai bạn sẽ trở nên kiên cường và vững chắc hơn. Vậy bạn đã thật sự nắm chặt tay người bạn đời của mình và đồng lòng để vượt qua những thời khắc đầy thách đố đó chưa?

Trước khi thật sự đi đến quyết định ly hôn, bạn hãy ngồi lại và bình tâm để nhìn nhận và suy xét về cách mà bạn đã và đang bước đi trong hành trình hôn nhân. Hãy xem mình đã thật sự nỗ lực, cố gắng và hết lòng hay chưa. Nếu chưa, bạn hãy thử nghĩ về việc cho phép chính mình và cuộc hôn nhân của mình một cơ hội xem sao.

Và đương nhiên, khi cuộc hôn nhân của bạn đứng trước những sóng gió lớn, chắc chắn bạn phải xem xét để đưa ra các lựa chọn giải quyết vấn đề.

Thông thường sẽ có 3 con đường cho bạn lựa chọn.

Một là làm ngơ, bỏ qua các vấn đề và mong rằng nó sẽ qua mau;

Hai là cố gắng cùng nhau giải quyết vấn đề;

Hoặc ba là tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Chúng ta hãy cùng phân tích xem từng lựa chọn này mang tính chất thế nào bạn nhé.

Đầu tiên, tôi xin nói về lựa chọn “Bỏ qua vấn đề và mong nó sẽ qua mau”.

Lựa chọn này nghe nó vẻ hơi kỳ lạ và mâu thuẫn. Vì người ta thường nói rằng khi có vấn đề xảy ra, chúng ta phải giải quyết triệt để, để tránh những ảnh hưởng lâu dài. Nhưng tại sao lại có lựa chọn “bỏ qua”?

Trên thực tế, ở một thời điểm nào đó khi có vấn đề xảy ra, bạn có quyền không làm gì cả và chờ đợi mọi thứ cải thiện tốt hơn một cách tự động. Đôi khi bạn phải lựa chọn làm như thế. Vì sao? Vì nó sẽ làm cho tâm trạng của hai bên thoải mái và không bị áp lực. Nếu cứ hễ nảy sinh một vấn đề, cả hai bạn lại lao tâm khổ tứ tìm cách giải quyết, và rồi bỏ quên những điều quan trọng khác, thì có khi vấn đề lại trở nên nghiêm trọng hơn.

Hãy cứ bình tĩnh và quan sát thêm, đâu còn có đó, không việc gì phải gấp gáp, miễn bạn có thái độ cởi mở và hướng đến những điều tích cực trong mối quan hệ. Bởi chính khi tập trung vào những điểm sáng của mối quan hệ, 2 bạn sẽ dễ dàng vượt qua những điểm tối trong mối quan hệ mà không cần phải có giải pháp nào cả.

Tuy nhiên, với những vấn đề to tát, có tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc hôn nhân, đừng huyễn hoặc rằng nó sẽ tự qua đi, như vỡ nợ, mất việc, lừa dối nhau chẳng hạn. Lúc này, hãy chọn một trong 2 phương án còn lại: Đó là cả hai tự giải quyết cùng nhau, hoặc sử dụng sự trợ giúp từ bên ngoài.

Khi chọn cách cả hai cùng nhau đối mặt và giải quyết vấn đề, thì hai bạn rất nên khai thác thêm các nguồn thông tin và hướng giải quyết bên ngoài thông qua sách vở hoặc bạn bè, hay tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, kinh nghiệm; nhưng sau cùng vẫn chỉ có hai bạn giải quyết cùng nhau. Và bạn cũng có thể thử thay đổi một vài điều gì đó trong cuộc sống của cả hai để cuộc hôn nhân của bạn trở nên mới mẻ hơn, cải thiện hơn.

Bạn có bao giờ nghĩ tới việc chuyển đến một ngôi nhà mới, có một không gian mới sẽ giúp cho tâm trạng cả hai trở nên tốt hơn không? Có thể khi cả hai bạn cùng tạo ra một sự đổi mới trong cuộc sống hôn nhân của, hai bạn sẽ xây dựng lại được sự gắn bó vốn có, vì khi đó bạn và người bạn đời của mình đang có cùng một mục tiêu và hai bạn phải cùng nhau phấn đấu để đạt được nó. Bạn đã thử điều này chưa?

Nhờ những động thái này, nhiều cặp đôi rất may mắn vì họ đã tìm thấy được tình yêu và động lực trong hôn nhân, thứ mà họ đã vô tình lãng quên.

Mặt khác, bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của bên ngoài khi hai bạn không thể tự mình giải quyết vấn đề. Bạn có thể tìm đến các quy trình chữa lành hôn nhân, các liệu pháp tâm linh hoặc nhờ sự hòa giải của người có uy tín...

Nhưng để cho sự trợ giúp đó có hiệu quả, bạn hãy luôn giữ sự tôn trọng với người bạn đời của mình. Lý do là đa phần những người tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài là để giúp họ thay đổi người bạn đời của mình sao cho phù hợp với những gì họ mong muốn. Họ cho rằng những khác biệt của đối phương là yếu tố làm đổ vỡ hôn nhân. Nhưng thật ra, khi bạn không tôn trọng đối phương và đòi hỏi họ phải thay đổi chỉ vì bạn muốn như thế, khi đó bạn đã tự tay phá hủy cuộc hôn nhân của mình. Tất cả những gì bạn nên làm sau khi tìm kiếm giải pháp bên ngoài đó là lắng nghe để thấu hiểu bạn đời trước khi đòi hỏi ở họ điều gì đó.

Và một khi không thể hòa giải và kết nối lại, trước khi đưa ra quyết định ly hôn, bạn thử nghĩ đến việc ly thân một thời gian xem sao. Đối với nhiều người, một khi ly thân thì trước sau gì họ cũng sẽ ly hôn. Nhưng thật ra, ly thân đôi lúc lại là công cụ hữu ích để các cặp đôi quay trở về với nhau. Cho nên bên cạnh những người sợ hãi việc ly thân thì cũng có nhiều người chọn ly thân để cứu vãn đời sống hôn nhân của họ.

Chúng ta hãy nói về ly thân xem sao. Đầu tiên theo bạn, ly thân có thực sự xấu? Đôi lúc các cặp đôi cần được ở xa nhau trong một khoảng thời gian. Vì đối với họ, khoảng thời gian đó là lúc họ dành cho bản thân mình, để bình tĩnh và nhìn lại mình cũng như cuộc hôn nhân của mình. Có nhiều cặp đôi đã thú nhận rằng, họ không chắc mình có thể hạnh phúc hoặc hôn nhân của họ có bền vững không nếu họ ở bên nhau liên tục trong 365 ngày, nên họ thường lựa chọn 1 tuần hoặc 1 tháng xa nhau để củng cố hôn nhân.

Nhưng bạn có biết điều kiện tiên quyết trong giải pháp này là gì không? Đó chính là sự đồng thuận và trung thực về kết quả của cả hai bên trong quá trình xa nhau. Liệu cách xa nhau trong một khoảng thời gian ngắn có thực sự hữu ích và phù hợp? Và liệu đối phương có thực sự hài lòng với cách làm này của người còn lại? Đây là những điều mà hai bạn phải thành thực với nhau để mang đến hiệu quả tích cực cho cuộc hôn nhân của bạn.

Lý do tiếp theo cho việc ly thân đó là, trong quá trình ly thân, bạn sẽ có cơ hội kiểm tra và suy ngẫm về cuộc hôn nhân của cả hai. Sau khi tạm thời sống xa người bạn đời của mình, bạn có thời gian học cách tự chăm sóc bản thân và phải tự chịu trách nhiệm về bản thân nhiều hơn. Nhờ vậy mà sau khi ly thân, đa phần các cặp đôi sẽ trở nên trưởng thành hơn. Mà quan trọng hơn hết, đó là họ sẽ học được cách ngừng đổ lỗi cho nhau. Việc tạm thời sống xa nhau sẽ giúp các cặp đôi cảm thấy tâm trạng nhẹ nhàng hơn vì họ có nhiều thời gian để suy nghĩ và tận hưởng. Do đó, đối với nhiều người, họ mạnh dạn chọn việc ly thân vì đó là cách để kéo cuộc hôn nhân của họ ra khỏi sự rắc rối, ra khỏi những cãi vã và tìm được lối đi tốt nhất để chữa lành đời sống hôn nhân của họ.

Và rồi, trường hợp cuối là dẫu thế nào bạn cũng phải đi đến quyết định ly hôn, đặt dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân. Nếu vợ chồng bạn chưa có con cái, thì quyết định này sẽ có phần dễ dàng hơn. Vì hai bạn sẽ không bị ràng buộc bởi trách nhiệm. Sau khi ly hôn, bạn sẽ bị tổn thương phần nào về mặt tình cảm nhưng sẽ được tự do và không có gánh nặng trách nhiệm. Nhưng nếu vợ chồng bạn đã có con thì sẽ ngược lại.

Khi quan hệ hôn nhân của bạn đã chấm dứt, bạn không thể hoàn toàn thoát ra khỏi cuộc hôn nhân này bởi vì bạn vẫn bị ràng buộc với tư cách là cha hoặc là mẹ. Cho dù bạn không còn tình cảm với người kia, nhưng giữa hai bạn vẫn có một sợi dây liên kết là đứa con, vì hai bạn với tư cách là cha mẹ sẽ phải luôn đồng hành với con và có mặt với chúng trong hầu hết tất cả các sự kiện diễn ra trong cuộc đời đứa trẻ như tốt nghiệp, sinh nhật hoặc kết hôn…

Và một khi bạn đã thật sự cân nhắc tất cả mọi mặt để đưa ra quyết định ly hôn, đã thật sự nghiêm túc trong chuyện đánh giá chính mình và cuộc hôn nhân của mình, đã thật sự tìm mọi giải pháp để giải quyết các vấn đề của mối quan hệ mà vẫn không thể hàn gắn, không thể tái kết nối, thì hãy bình an với quyết định ly hôn của mình. Bởi không phải mọi thứ đều sẽ trở nên tiêu cực khi hai bạn đã ly hôn. Điều bất ngờ là có khá đông các cặp đôi sau khi ly hôn vẫn có thể trở thành bạn tốt của nhau, thay phiên nhau chăm sóc con và tạo cho đứa trẻ môi trường phát triển hoàn toàn tích cực. Một trong số những cặp vợ chồng sau khi ly hôn còn có thể giới thiệu người phù hợp hơn cho bạn đời cũ của mình. Cho nên tôi muốn nói rằng, ly hôn thật sự không tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ.

Nhưng bạn cũng phải lưu ý và cân nhắc trước khi tiến đến quyết định ly hôn. Điều đầu tiên đó là mọi thứ xung quanh bạn như cuộc sống, công việc, tài chính… có thể sẽ có những thay đổi đáng kể sau khi ly hôn. Quan trọng hơn hết đó là tinh thần của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi việc ly hôn nên bạn phải lường trước những trường hợp đó để cân nhắc và chuẩn bị tinh thần cho nó.

Điều cuối cùng gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần của bạn đó là thái độ kỳ thị của những người xung quanh. Nhưng may mắn là chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại và ngày càng phát triển. Các vấn đề xuất hiện trong hôn nhân ở thời đại này đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Bởi vì nó không còn nhiều sự ràng buộc như ngày xưa.

Nhưng ở một số người, ly hôn vẫn là điều cấm kỵ và khó chấp nhận được. Họ coi các cặp đôi phải tiến tới ly hôn là những người thất bại. Và thật đáng buồn khi có một số người lại tự động giữ khoảng cách với các cặp đôi phải đối mặt với ly hôn vì họ cho rằng ly hôn có thể lây lan, ly hôn là một gương xấu. Do đó họ muốn giữ khoảng cách với người đã hoặc đang trong quá trình ly hôn. Nhưng liệu họ có hiểu rằng hành động đó đã gây ra sự kỳ thị với những người đang chịu sự tổn thương hay không? Họ có biết rằng họ đang làm tổn thương đến những người đang phải chịu đau khổ khi phải kết thúc cuộc hôn nhân? Và tôi vẫn hy vọng rằng một xã hội ngày càng tiến bộ sẽ giảm bớt số người suy nghĩ cứng nhắc này.

Cuối cùng, dù đưa ra bất cứ quyết định nào, bạn hãy chắc chắn đó là một quyết định bạn đã thật sự cân nhắc, một quyết định của người trưởng thành, một quyết định của người biết chịu trách nhiệm về chính mình.

Quỳnh - Người Đưa Tin