Ly hôn nhưng vẫn sống chung nhà với chồng cũ, tôi bị nhiều người chỉ trích

Mọi người nói tôi “dở hơi”, nhưng đâu ai biết nỗi khổ của tôi.

Ly hôn nhưng vẫn để chồng cũ sống chung nhà là chuyện khó chấp nhận với người khác, nhưng với hoàn cảnh của tôi thì tôi nghĩ mình đã làm đúng.

Tôi kết hôn năm 30 tuổi và làm mẹ năm 31 tuổi. Hiện tại con trai chuẩn bị vào lớp 1. Tôi quen anh khi đi làm tình nguyện ở một huyện nhỏ do công ty tổ chức. Sau gần 2 năm tìm hiểu, chúng tôi quyết định tiến đến hôn nhân vì cảm thấy từ tính cách, đến lý tưởng sống đều rất hợp nhau. 

Thế nhưng, 6 năm hôn nhân gắn bó cùng nhau, tôi và anh đã quyết định dừng lại để cho nhau cơ hội tìm hạnh phúc mới, một người bạn đời phù hợp hơn, bởi dẫu sao thì cả hai chúng tôi vẫn còn rất trẻ. 

Mọi người xung quanh khuyên tôi cố gắng sống vì con, đừng ly hôn kẻo làm tổn thương đứa trẻ. Bố mẹ hạnh phúc nhưng con đau khổ thì quả thực là rất tội lỗi đối với những người làm bố, làm mẹ. Tôi biết điều đó, chính vì hiểu rõ như thế nên hoàn cảnh ngày hôm nay mới xảy ra. 

Ảnh minh hoạ

Tôi và anh đã cố gắng giải quyết chuyện ly hôn trong âm thầm để con không bị ảnh hưởng. Nhưng một ngày đứa trẻ vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa mẹ và bà ngoại nên mọi sự mới vỡ lẽ. Kể từ khi biết sự thật bố mẹ không còn sống với nhau nữa, con trai dần trở nên lầm lì, trầm tính hơn hẳn. Lúc nào cũng khép kín bản thân, không muốn nói chuyện hay tiếp xúc với bất kỳ ai, ngay cả bố mẹ.

Trước tình hình này, vì quá sợ nên tôi đã quyết định thỏa thuận với chồng cũ thời gian đầu sau ly hôn, tôi và anh tạm thời vẫn sống cùng nhau để chăm sóc, giải thích cho con hiểu. Khi thằng bé chấp nhận và thích nghi tốt với điều này thì cả hai sẽ dọn ra riêng. Đó là lý do mà dù trên giấy tờ tôi và anh đã không còn mang danh nghĩa vợ chồng, nhưng vì trách nhiệm làm bố mẹ nên chúng tôi đành phải lựa chọn như thế.

Ảnh minh hoạ

Nhiều người nhìn vào họ không hiểu, cứ bàn tán, chỉ trích rằng tôi “dở hơi” nhưng tôi mặc kệ, chỉ cần con trai tốt lên thì việc gì tôi cũng có thể làm. Dẫu sao, ly hôn là chuyện của bố mẹ, nhưng lỗi của bố mẹ mà để con gánh chịu thì là điều không ai chấp nhận được…

Tâm sự từ độc giả lamnguyet…@gmail.com

Theo các chuyên gia, trẻ con quá nhỏ và cũng chưa có trải nghiệm để đủ sức đối mặt với những tan vỡ, chúng coi việc bố mẹ ly hôn là bất hạnh của cuộc sống.

Khi bố mẹ đã cố gắng nhưng vẫn không thể dung hòa, không thể tiếp tục ở với nhau thì điều đầu tiên là cần phải thống nhất với nhau làm công tác tư tưởng cho con, tránh việc cãi vã nhau trước mặt con để con cảm thấy mình bất hạnh, mình bị tổn thương.

Hãy để con hiểu được rằng khi bố mẹ đã cố gắng nhưng không thể tiếp tục mối quan hệ thì đôi khi ly hôn là một cách giải thoát cho nhau để tìm được niềm vui và hạnh phúc thực sự.

Nếu cứ cố gắng nhưng mãi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì cả cha mẹ và con cái đều như sống trong "địa ngục trần gian".

Ngoài ra, nhà trường cũng nên nhấn mạnh phần giáo dục đời sống gia đình trong môn Giáo dục công dân. Giáo viên nên đưa chủ đề về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Ví như, nếu bố mẹ không ở với nhau thì các con sẽ làm gì? Điều đó để các con có thể hình dung tổng thể về các mối quan hệ, những bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống để không bị sốc. Hiện nay, trong môn Giáo dục công dân mới chỉ nhắc đến vai trò của các thành viên trong gia đình với nhau chứ chưa đặt vấn để giải quyết các mâu thuẫn giữa các thành viên ra sao.

Một số điều bố mẹ cần biết hậu ly hôn để đảm bảo con phát triển toàn diện và hạnh phúc:

- Hòa giải và hợp tác

Bố mẹ nên cố gắng giữ một mối quan hệ tốt và hợp tác với nhau trong việc nuôi dạy con. Quan trọng là tạo ra một môi trường ổn định và bình yên cho con.

Bố mẹ nên duy trì mối quan hệ giao tiếp hiệu quả với nhau và với con. Điều này giúp đảm bảo rằng thông tin về con được chia sẻ đầy đủ và mọi vấn đề liên quan đến con được thảo luận và giải quyết triệt để nhất.

- Thỏa thuận về chăm sóc con

Bố mẹ nên thảo luận và đạt được thỏa thuận về việc chăm sóc con. Điều này có thể bao gồm việc quyết định về thời gian chăm sóc, chuyện gặp gỡ con, nuôi con, dạy con...

- Chia sẻ trách nhiệm tài chính

Bố mẹ nên xác định rõ trách nhiệm tài chính đối với việc nuôi dạy con. Điều này có thể bao gồm việc chia sẻ chi phí cho việc học, y tế, giải trí và các hoạt động khác của con.

Trong mọi quyết định và hành động, bố mẹ nên luôn đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Điều này đảm bảo rằng con được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường tốt nhất có thể.

Ly hôn có thể gây ra căng thẳng và xáo trộn tâm lý cho con. Bố mẹ nên cung cấp hỗ trợ tâm lý cho con qua việc lắng nghe, thấu hiểu và tạo điều kiện cho con thể hiện cảm xúc.

TRANG TRI