Quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam
Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, khẳng định: “Theo quy định hiện hành ở nước ta, những cặp vợ chồng không thể sinh con hoàn toàn có cơ hội trở thành cha mẹ qua hình thức nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, khác hoàn toàn với hành vi bị cấm là mang thai hộ vì mục đích thương mại. Người mang thai hộ chỉ được bồi hoàn các chi phí hợp lý liên quan đến quá trình mang thai, chẳng hạn như chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe.”
Làm rõ hơn, luật sư Huyền viện dẫn khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích cụ thể: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.”
Theo phó giám đốc Công ty Luật A+, các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định chi tiết tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Như vậy, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện giữa các bên và người mang thai hộ phải có mối quan hệ thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. “Điều này giúp đảm bảo rằng quá trình mang thai hộ diễn ra trong môi trường an toàn và có sự hỗ trợ từ phía gia đình” – bà Huyền giải thích.
Ngoài ra, cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến thủ tục y tế, sức khỏe và phải có sự xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền để đảm bảo tính hợp pháp và an toàn cho cả mẹ và bé.
Các nước trên thế giới quy định như thế nào
Mang thai hộ luôn là một chủ đề nóng được quy định trong pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia như Mỹ và Ukraine cho phép cả mang thai hộ thương mại và nhân đạo, trong khi những nước khác chỉ cho phép mang thai hộ nhân đạo hoặc có các quy định hạn chế hoặc chỉ cho phép mang thai hộ trong những điều kiện nhất định.
Tại Mỹ, mang thai hộ được quy định bởi luật của từng tiểu bang, ví dụ như tiểu bang California cho phép cả mang thai hộ thương mại và nhân đạo với các quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan. Cha mẹ nhờ mang thai hộ có thể được công nhận là cha mẹ hợp pháp ngay từ khi đứa trẻ sinh ra, đặc biệt là trong các trường hợp mang thai hộ không sử dụng trứng của người mang thai hộ.
Tuy nhiên, một số bang như Michigan và New York (trước khi thay đổi luật vào năm 2021) cấm hoàn toàn việc mang thai hộ thương mại và chỉ cho phép mang thai hộ nhân đạo. Các bang như New Jersey trước đây cấm mang thai hộ thương mại nhưng hiện đã có những thay đổi để cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại với các quy định bảo vệ rõ ràng.
Luật mang thai hộ tại Ukraine là một trong những luật cởi mở nhất trên thế giới. Ukraine cho phép cả mang thai hộ thương mại và nhân đạo, áp dụng cho cả công dân trong nước và người nước ngoài.
Các bậc cha mẹ được công nhận là cha mẹ hợp pháp ngay khi đứa trẻ sinh ra và người mang thai hộ không có quyền pháp lý đối với đứa trẻ. Quy định này đã khiến Ukraine trở thành điểm đến phổ biến cho các cặp vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ.
Tại Canada, mang thai hộ thương mại bị cấm theo Luật Hỗ trợ Sinh sản (Assisted Human Reproduction Act – AHRA). Chỉ hình thức mang thai hộ nhân đạo được cho phép, nghĩa là người mang thai hộ không được trả thù lao, nhưng có thể được bồi hoàn các chi phí hợp lý liên quan đến quá trình mang thai (như y tế, thuốc men).
Việc trả tiền cho người mang thai hộ ngoài các chi phí hợp lý bị coi là bất hợp pháp và có thể bị xử lý hình sự.
Điều luật Law 3305–2005 về Hỗ trợ Sinh sản quy định về việc mang thai hộ tại Hy Lạp. Điều này áp dụng cho các cặp đôi và phụ nữ đơn thân, nhưng yêu cầu phê duyệt từ tòa án trước khi thực hiện.
Theo đó, luật nước này chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cha mẹ nhờ mang thai hộ sẽ được công nhận là cha mẹ hợp pháp ngay từ khi đứa trẻ chào đời.
Luật mang thai hộ ở Georgia được ban hành từ những năm 1990, cho phép cả công dân Georgia và người nước ngoài tham gia. Cả thương mại và nhân đạo đều được phép tại nước này.
Luật pháp Georgia công nhận các bậc cha mẹ nhờ mang thai hộ là cha mẹ hợp pháp ngay từ khi đứa trẻ sinh ra và người mang thai hộ không có quyền pháp lý đối với đứa trẻ. Georgia đã trở thành một điểm đến phổ biến cho các cặp vợ chồng muốn tham gia chương trình mang thai hộ do luật pháp cởi mở và chi phí thấp.
Từ năm 2018, Ấn Độ đã cấm mang thai hộ thương mại, chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật Mang thai hộ 2021. Luật quy định rằng chỉ các cặp vợ chồng Ấn Độ, kết hôn hợp pháp và có giấy xác nhận vô sinh mới có quyền tham gia mang thai hộ nhân đạo.
Người mang thai hộ phải là người thân của cặp vợ chồng và không được nhận bất kỳ khoản tiền nào ngoài chi phí hợp lý liên quan đến việc mang thai. Điều này nhằm ngăn chặn lạm dụng mang thai hộ vì lợi ích thương mại.
Tại Mexico, luật mang thai hộ thay đổi tùy theo từng bang. Bang Tabasco là nơi có các quy định rõ ràng về mang thai hộ, nhưng chỉ cho phép công dân Mexico tham gia.
Năm 2021, Tòa án Tối cao Mexico ra phán quyết rằng mọi người, bất kể tình trạng hôn nhân hay quốc tịch, có quyền truy cập vào công nghệ sinh sản, nhưng các hạn chế đối với người nước ngoài vẫn được duy trì ở một số bang. Như vậy, tại Mexico chủ yếu là mang thai hộ nhân đạo, nhưng có quy định hạn chế về việc ai có thể tham gia.