Mẹ chồng làm ngã cháu nhưng giúp việc không đỡ giúp, tôi thưởng ngay cô ấy 5 triệu

Mặc dù được giúp việc ưu tiên đỡ nhưng mẹ chồng tôi cảm thấy không hài lòng, đòi tôi đuổi việc cô ấy.

Gia đình chúng tôi tìm thuê được cô giúp việc ấy sau khi sa thải 9 người làm trước đó vì không hài lòng. Người mới được giới thiệu là người đã có 10 năm kinh nghiệm làm giúp việc, trong đó 8 năm làm bảo mẫu trong gia đình có trẻ em.

Cô ấy được khen ngợi là người trung thực, thật thà, yêu mến trẻ và đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm trẻ em. Tôi cũng bán tín bán nghi cho đến khi trong nhà bất ngờ xảy ra sự cố thì mới thực sự thấy nể kiến thức của cô giúp việc.

Ảnh minh họa

Chẳng là trong nhà tôi ngoài hai vợ chồng còn có bố mẹ chồng sống chung. Ngày thường vợ chồng tôi đi làm, cô giúp việc ở nhà với em bé và bố mẹ chồng đã nghỉ hưu. Ông bà đã già nên hầu như chỉ có thể chơi với cháu, phụ cơm nước chứ không thể chăm sóc chu toàn cho một đứa trẻ nên tôi mới thuê thêm cô ấy.

Cách đây 2 tuần khi tôi đi làm về thì thấy cô giúp việc đang dỗ dành em bé đi qua đi lại trong nhà còn mẹ chồng ngồi ở ghế sofa với thái độ khó chịu.

Khi tôi hỏi chuyện, mẹ chồng mới kể lại vụ việc vừa xảy ra cách đó ít phút. Chẳng là mẹ chồng tôi bế cháu đi lại trong nhà để cô giúp việc nấu cháo cho đứa nhỏ. Tuy nhiên vì sơ ý, mẹ chồng trượt chân ngã ra sàn nhưng rất may đứa nhỏ ngã nằm lên người bà trước khi lăn xuống đất.

Ảnh minh họa

Điều khiến mẹ chồng tôi bực mình là:

- Khi thấy mẹ ngã, cô ấy chạy lại đỡ mẹ dậy còn để mặc đứa trẻ nằm đó. Mẹ thấy thương cháu vô cùng nên xua tay, nói cô ấy chạy qua bồng đứa nhỏ lên trước đã còn dù sao mẹ cũng là người lớn, mặc kệ mẹ đi. Vậy nhưng cô ấy không nghe, vẫn cứ đỡ mẹ dậy. Khi mẹ có ý định bồng đứa trẻ đứng dậy cô ấy còn cản. Mãi một lúc sau cô ấy mới bế thằng bé dậy. Khi mẹ tức giận mắng cô ấy vài câu thì cô ấy nói mẹ thật thiếu hiểu biết. Mẹ bực mình quá cơ.

Khi tôi quay qua nhìn cô giúp việc, cô cũng không nói nhiều mà giục tôi:

- Em hãy cứ tin vào kinh nghiệm của chị, là chị đang giúp đứa nhỏ đó. Giờ thì đưa nó đi viện để kiểm tra đã, chúng ta nói chuyện giải thích sau.

Lúc đó tôi cũng bực mình khi nghe mẹ chồng tường thuật lại nhưng không còn thời gian, vội vã đưa con vào bệnh viện kiểm tra.

Rất may mắn đứa trẻ chỉ bị xước phần mềm còn không có ảnh hưởng nào nghiêm trọng. Điều đáng ngạc nhiên là sau khi nghe chúng tôi kể lại toàn bộ câu chuyện, bác sĩ dành lời khen ngợi cho cách xử lý tình huống của cô giúp việc rất chuyên nghiệp. Đó có thể là một phần lý do giúp con tôi được an toàn như hiện tại.

Ảnh minh họa

Sau khi nghe bác sĩ phân tích, giải thích, mẹ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, ôm lấy cô giúp việc vừa xin lỗi, vừa cảm ơn rối rít.

Chồng tôi quyết định thưởng cho cô ấy nửa tháng lương là 5 triệu đồng và ký luôn hợp đồng làm việc 1 năm. Giờ thì chúng tôi có thể yên tâm giao phó con cho cô ấy, quả là một người giàu kinh nghiệm chăm trẻ.

Tâm sự từ độc giả anhminh...

Khi thấy trẻ bị ngã, hầu hết người lớn có xu hướng lao tới bế trẻ lên và đung đưa với mục đích dỗ dành trẻ cho bớt sợ. Tuy nhiên bác sĩ cho biết, não của bé chưa phát triển hoàn thiện khi rung lắc mạnh sẽ va đập vào hộp xương sọ làm não bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não.

Ngoài ra, trẻ có nguy cơ cao bị xuất huyết nội sọ, liệt nửa người, mù lòa, động kinh… Nhất là khi bé vừa bị tổn thương do ngã từ trên cao xuống nên việc đe dọa tới tính mạng càng dễ xảy ra.

Hành động lắc vô ý sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, dù đã có nhiều cảnh báo song các bậc phụ huynh vẫn không ý thức được mối nguy hiểm.

Vậy, nên làm gì ngay khi con bị ngã từ trên cao xuống?

Đừng bế trẻ lên ngay lập tức

Trước tiên hãy quan sát bé và nhìn vào nơi đứa trẻ ngã. Đó là vùng như thế nào, liệu con có thể có những vết thương hoặc gãy xương ở đâu không, con có khóc không... Sau đó mới bế con lên.

Nếu có một cục u trên đầu, đừng chà xát nó bằng tay

Về cơ bản, đây là hành động theo thói quen của mỗi phụ huynh, mục đích là để an ủi đứa trẻ "không sao, không sao". Trên thực tế, nếu có một khối máu tụ trên đầu của trẻ, mẹ nên đưa ngay con đến bác sĩ để được thăm khám kỹ càng.

Hãy cẩn thận quan sát phản ứng con trong vòng một hoặc hai ngày

Nhìn vào trạng thái tinh thần, tâm trạng và chuyển động, hành vi của em bé ít nhất 2 ngày sau tai nạn. Nếu có các biểu hiện buồn ngủ, ngủ nhiều hơn bình thường, nôn mửa, chảy máu tai và mũi, đừng ngần ngại, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

THEO PHAN NGUYỄN (GHI)