Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh tăng cường, trời chuyển mưa rét

Do sự mất nhiệt của không khí lạnh và sự bức xạ của mặt đất, nhiệt độ đêm và sáng ngày 2-3/11 ở Bắc Bộ giảm sâu, vùng núi có khả năng xuống 15 - 16 độ C.

Báo Tin Tức dẫn lời ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh trong khoảng 2-3 ngày tới.

Do tác động của không khí lạnh, các tỉnh miền Bắc cũng như khu vực Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ duy trì tình trạng quang mây về đêm và sáng. Sự mất nhiệt của không khí lạnh và sự bức xạ của mặt đất sẽ khiến nhiệt độ đêm và sáng ngày 2-3/11 ở Bắc Bộ giảm sâu.

Vùng núi có khả năng xuống 15 - 16 độ C. Trong khi đó, ở vùng đồng bằng, nhiệt độ xuống 17 - 18 độ C, trời chuyển rét về đêm và sáng. Trong ngày trời nắng sớm nên nhiệt độ sẽ tăng cao lên 28 - 31 độ C, kèm theo đó là tình trạng hanh khô khi độ ẩm giảm thấp.

Theo dự báo, khoảng ngày 4-5/11 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường. Dưới tác động của đợt lạnh tăng cường, khu vực Trung bộ từ Thanh Hóa trở vào đến Đà Nẵng và Quảng Nam có khả năng xuất hiện đợt mưa rào và dông trên diện rộng trong ngày 4 - 5/11, kéo dài sang ngày 6/11. Tuy nhiên, đợt mưa này không lớn, phổ biến từ phạm vi 70 mm đến hơn 100 mm, kéo dài trong khoảng 2 ngày.

Ông Hưởng thông tin, nhiệt độ đợt không khí lạnh lần này chủ yếu giảm về đêm và sáng, còn trong ngày trời vẫn nắng nên tác động của không khí lạnh đợt này không nhiều. Dù vậy, lưu ý gió trên Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển ở Trung bộ duy trì gió mạnh cấp 5, cấp 6, ở khu vực Trung bộ trên cấp 6 nên sóng biển cao trên 2 mét gây ra tình trạng biển động.

Bão số 7 khả năng suy yếu trong hai ngày tới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10h sáng nay 1-11, bão số 7 đang ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão đi theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10km, có khả năng suy yếu. 

10h sáng mai 2-11, tâm bão cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 200km về phía nam, cường độ còn cấp 9-10, giật cấp 12.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão đi theo hướng tây và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 10h sáng 3-11, áp thấp nhiệt đới ở cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 170km về phía đông.

Sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam và suy yếu thành vùng thấp ở trên vùng biển phía tây bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Đài Khí tượng Nhật Bản cho biết bão đang đạt cực đại với sức gió mạnh nhất 30m/s (tương đương cấp 11), gió giật 40m/s (cấp 13). Đài Nhật dự báo bão giữ cường độ này trong 12 giờ tới. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở ngay trên vùng biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Đài Hong Kong cho biết sức gió tối đa vùng gần tâm bão là 110km/h (cấp 11). Dự báo, bão sẽ tiến gần đến bờ biển phía tây Quảng Đông hai ngày tới và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở bán đảo Lôi Châu. 

Do ảnh hưởng của bão số 7, vùng biển phía bắc của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-12, giật cấp 14, biển động dữ dội. 

Vùng biển phía nam của khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao 6-8m, vùng gần tâm bão 9-11m.

HÀ ANH