Minh bạch thị trường lao động nhằm hạn chế mất cân đối cung-cầu cục bộ

Việt Nam đang đối mặt với việc mất cân đối cung-cầu lao động giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề, chưa có đủ việc làm đáp ứng nguyện vọng của người lao động.

Trước những vấn đề đặt ra của thị trường lao động, những khó khăn người lao động đang gặp phải sau đại dịch, để có cái nhìn tổng quan Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung  đã có báo cáo về tình hình thị trường lao động thời gian qua tại hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Nguồn cung lao động tăng qua từng năm

Thời gian qua, nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).

Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lượt người, tỉ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng đầu năm 2022.

Bộ trưởng thông tin: “Từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Hiện nay đang triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng”.

Đối thoại - Minh bạch thị trường lao động nhằm hạn chế mất cân đối cung-cầu cục bộ

                                                           Nguồn lao động đã dịch chuyển hậu đại dịch.

Tính đến tháng 7/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,94 triệu người, chiếm 28,17% lực lượng lao động trong độ tuổi. 

Đánh giá chung, Bộ trưởng cho biết các chính sách đã được ban hành kịp thời, đồng bộ tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành và phát triển thị trường lao động góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Nguyên nhân là do số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.

“Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Về cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ hiện đại, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Tổng cầu của nền kinh tế hiện tại thể hiện thông qua số người đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Ở đây, cầu lao động còn chưa hiện đại thể hiện qua các số liệu, tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 50,54 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,8 triệu người, chiếm 33,24%; khu vực dịch vụ 19,8 triệu người, chiếm 39,18%.

 

Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp, đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp, lắp ráp; đi lao động có hợp đồng ở ngoài nước, làm các công việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp hay các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.

“Chúng ta thấy đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ”, Bộ trưởng đánh giá.

Ngoài ra còn phải kể đến những hạn chế liên quan đến phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối; Hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.

Thị trường lao động Việt Nam là một thị trường minh bạch

Từ những hạn chế trên, lãnh đạo ngành lao động cũng đưa ra những giải pháp trong đó nhấn mạnh cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định thị trường lao động Việt Nam minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.

Đối thoại - Minh bạch thị trường lao động nhằm hạn chế mất cân đối cung-cầu cục bộ (Hình 2).

                 Toàn cảnh hội nghị phát triển thị trường lao động sáng 20/8 (Ảnh: baochinhphu).

Về lâu dài cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động; Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Từ đó đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.

Đầu tư công tác dự báo cung-cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh cần hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.