Mỹ nhân Hà thành nổi tiếng một thời: Càng vất vả càng xinh đẹp, kết hôn với người vô cùng tài giỏi

Hơn cả cô Hồng rất cá tính, mạnh mẽ và rắn rỏi, có thể đối diện bình thản với mọi khó khăn trong cuộc sống. Và có một điều kỳ lạ, cô càng gian nan vất vả thì vẻ đẹp lại càng toả sáng, mặn mà.

Hà Nội xưa nổi tiếng khắp xứ Đông Dương với những giai nhân đẹp nức lòng, như cô Bính Hàng Đẫy, cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai, cô Phạm Thị Hồng, bà Bạch Thược, tiểu thư Nghiêm Thuý Băng,… Tất cả đều sở hữu nhan sắc “cực phẩm” làm mê đắm biết bao trái tim của các công tử nhà giàu, văn nhân, ký giả đa tình thời đó.

Và ngày nay, khi nhắc đến mỹ nhân Hà thành xưa, một số người vẫn chẳng thể quên được cô Phạm Thị Hồng – một trong những người đẹp cuối cùng của đất kinh kỳ cùng mối tình son sắt với nhà cách mạng Nguyễn Kim Cương.

Cô Phạm Thị Hồng (SN 1909) sinh ra trong gia đình có tới 12 anh chị em. Cha cô là cụ Phạm Quang Hưng – một công chức nhỏ làm việc cho Pháp nhưng lại có tinh thần yêu nước nồng nàn.

Các chị em gái của giai nhân Hà thành đều xinh đẹp, mang vẻ đẹp cốt cách người Tràng An. Họ được cha đặt tên theo các loại hoa trái: Hồng, Nga, Lan, Na, Cúc, Thu… Song cô Hồng vẫn là người vẹn toàn cả hương lẫn sắc, hơn hẳn các chị em của mình.

Cô Hồng (số 6) và các chị em gái trong nhà.

Năm cô Hồng lên 12 tuổi, mẹ qua đời. Cô bắt đầu chuỗi ngày tự lập, bươn trải lo cho cuộc sống của bản thân cũng như các em của mình. Vì thế cô không được học hành đàng hoàng như những giai nhân cùng tuổi thời bấy giờ.

Nhưng người con gái ấy lại được “trời thương” bù cho trí thông minh, tiếp thu kiến thức nhanh, khả năng ghi nhớ tốt và có biệt tài xuất khẩu thành thơ. Cô Hồng tự đọc sách, lắng nghe những câu chuyện giữa bố và các anh trai để có thêm những tri thức mới về cuộc sống, văn chương.

Sử sách chép rằng, dù không được đến trường một cách danh chính ngôn thuận song cô Hồng không an phận thủ thường với điều đó. Cô không ngừng vươn lên, học hỏi không ngừng. Cô luôn dành thời gian để chiêm nghiệm về cuộc đời, về những vui buồn trong cõi nhân sinh. Cô làm thơ – những vần điệu hồn hậu như chính cuộc đời của cô.

Hơn cả cô Hồng rất cá tính, mạnh mẽ và rắn rỏi, có thể đối diện bình thản với mọi khó khăn trong cuộc sống. Và có một điều kỳ lạ, cô càng gian nan vất vả thì vẻ đẹp lại càng toả sáng, mặn mà.

Vẻ đẹp của người con gái Hà thành đã khiến nhiều thanh niên là bác sỹ, kỹ sư đến nhà ngỏ lời yêu và dạm ngõ. Cô Hồng từ chối. Cô luôn suy nghĩ rằng mọi chuyện “dựng vợ gả chồng” đều do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Tuy nhiên khi cụ Phạm Quang Hưng ngỏ ý muốn cô lấy một anh chàng kĩ sư thì cô nhất quyết chống lệnh cha. Cô giải thích rằng bản thân chưa từng quen biết với người đàn ông đó nên không thể có tình cảm.

Bởi vậy người ta nói cuộc tình duyên của cô với nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Kim Cương có lẽ là duyên số. Vì chỉ có số phận mới khiến cô gái Hà Nội xinh đẹp, giỏi giang như cô về làm dâu xứ Nghệ xa xôi, nghèo khó. Theo đó cô đã gặp và yêu, trọn đời sống bên người chiến sỹ cách mạng như một định mệnh.

Cô Hồng và nhà cách mạng Nguyễn Kim Cương.

Lần đầu tiên, cô Hồng và chiến sỹ cách mạng Nguyễn Kim Cương gặp nhau ở nhà một người bạn trên phố hàng Mắm. Khi ấy, cô Hồng đã 25 tuổi, còn ông Nguyễn Kim Cương mới ở nhà tù Côn Đảo về, đang bị giam quản thúc tại Vinh. Cô lúc ấy còn bị bạn bè bêu xấu: “Nó ăn thì chỉ ăn phở bò phố cổ, ngủ dậy từ những lúc 10h sáng”.

Lần gặp ấy đã để lại trong trái tim người con gái Hà thành những ấn tượng khó quên về vóc dáng rắn rỏi, khuôn mặt cương nghị của chàng chiến sỹ xứ Nghệ. Còn ông Nguyễn Kim Cương cũng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thanh tú và đài các của cô Hồng. Nhưng chiến tranh tàn khốc đã đẩy hai con người về hai miền xa cách và mối duyên thầm đành giấu chặt trong trái tim.

Năm 1938, cô Hồng 30 tuổi đã kết hôn với nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Kim Cương. Mặc dù ở Hà Nội thời đó, việc cưới xin đều phải tuân thủ theo đúng phép tắc của các nghi thức cổ nhưng vì thương mấy anh nhà cách mạng nên cụ Phạm Quang Hưng đã miễn tất cả, từ việc ăn hỏi, trầu cau đến lễ tơ hồng… Tuy nhiên đám cưới vẫn rất vui vẻ. Cô dâu mặc áo dài đỏ, chú rể mặc áo thụng màu lam, thật xứng đôi “trai thanh, gái lịch”.

Hình ảnh cô Hồng lúc về già.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, ông Cương đi chiến khu, cô Hồng ở lại Sài Gòn tổ chức trạm giao liên, xây dựng cơ sở cách mạng rồi ra chiến khu cùng chồng. Lúc đó, ông Cương là Phó Giám đốc kiêm Bí thư hiệu ủy Trường Cán bộ Đảng Cao cấp Trường Chinh và Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ, sau này giữ chức Thứ trưởng phủ Thủ tướng.

Năm 1953, theo chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, cô được đồng chí Hà Huy Giáp giao nhiệm vụ: đưa vợ con của các đồng chí cán bộ từ Bạc Liêu ra Chiến khu Việt Bắc. Tại đây, cô vinh dự được gặp Bác Hồ và được phân công làm việc ở Văn phòng Trung ương Đảng.

Khi hòa bình lập lại (1954), vợ chồng cô Hồng cùng đồng đội ở Trung ương trở về Hà Nội. Cô vẫn luôn giữ nếp sống thanh lịch, giản dị và nho nhã của người Hà Nội, hóa giải mọi nỗi vui buồn trong cuộc đời bằng sự thông minh, dí dỏm của mình.

NGỌC HÀ