Nếu mất thẻ CCCD gắn chip thì có bị rút hết tiền trong tài khoản?

Với thẻ CCCD gắn chíp, nếu bị mất kẻ gian cũng không thể sử dụng để rút tiền vì thông tin trên chip bảo mật phải được đối sánh và đảm bảo trùng khớp với thông tin của chủ thẻ.

neu mat the cccd gan chip thi co bi rut het tien trong tai khoan

Ảnh minh họa

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để thực hiện các giao dịch rút tiền, chuyển tiền tại cây ATM của 2 ngân hàng ở Hà Nội và Quảng Ninh.

Trước những băn khoăn của người dân về việc nếu không may bị rơi thẻ CCCD liệu có bị kẻ gian rút mất tiền trong tài khoản? đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc Cục C06, bộ Công an) cho biết quy trình sử dụng thẻ CCCD gắn chip rút tiền từ cây ATM được thực hiện bảo mật rất chặt chẽ.

Không chỉ tuân thủ quy trình thực hiện của phía ngân hàng, việc rút tiền bằng thẻ CCCD còn được cộng thêm lớp bảo mật mới, sử dụng qua chính CCCD.

Theo đó, người dân đi rút tiền bằng CCCD gắn chip phải đặt thẻ lên thiết bị đọc, thiết bị này sẽ thu thập ảnh chân dung, vân tay (dữ liệu sống của công dân); sau đó phân tích dữ liệu và đối sánh dữ liệu sinh trắc đã lưu trên chip thẻ CCCD. Nếu hai dữ liệu trùng khớp thì người dân mới thực hiện được các thao tác để rút tiền.

Trước đây, nếu bị mất thẻ ATM mà bị lộ mật khẩu, kẻ gian hoàn toàn có thể sử dụng thẻ để rút tiền trong tài khoản. Nhưng với thẻ CCCD gắn chíp, nếu bị mất kẻ gian cũng không thể sử dụng để rút tiền vì thông tin trên chip bảo mật phải được đối sánh và đảm bảo trùng khớp với thông tin của chủ thẻ.

Vẫn theo đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, các ngân hàng tiếp tục duy trì quy tắc, quy trình rút tiền đảm bảo có tài khoản của người dân, tài khoản này sẽ được liên kết với thẻ CCCD gắn chip. Người dân có thể dùng CCCD rút tiền ở bất kỳ ngân hàng nào, nếu đã có tài khoản và đã có thông tin liên quan tới thẻ CCCD ở ngân hàng đó.

Theo Quyết định số 06 phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Chính phủ kỳ vọng CCCD gắn chip sẽ từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đề án hướng đến hết năm 2022 sẽ bảo đảm xác thực 100% thông tin thiết yếu trên ứng dụng VNEID hoặc qua CCCD như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe,... Khi đó, người dân chỉ cần sử dụng CCCD, ứng dụng VNEID khi đi làm các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, bộ Công an đã hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu đã có của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tổng cục Thuế, dữ liệu về trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cơ sở dữ liệu giáo dục.

Cự Giải (T/h)