Mới đây, thông tin về việc trẻ nhỏ có thể nuốt 1,6 triệu hạt vi nhựa vào cơ thể vì sử dụng bình sữa khiến các bà mẹ có con nhỏ "đứng ngồi không yên".
Theo nghiên cứu từ Đại học New Castle, Úc năm 2018, ước tính trung bình mỗi người ăn phải khoảng 5g nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường công bố rằng người Mỹ hấp thu khoảng 39.000 – 52.000 hạt vi nhựa mỗi năm từ hải sản, nước, đường, muối và rượu.
Nhựa (plastic) có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống, từ quần áo với sợi nhựa tổng hợp (polyester), các loại bao bì, màng bọc thực phẩm dùng một lần đến các đồ gia dụng…
Loại vật liệu này không phân hủy sinh học và theo thời gian, chúng phân rã thành những mảnh nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa (hay microplastic), gây ra nhiều nguy hại đến môi trường sống và cả sức khỏe con người.
Hạt vi nhựa là những mảnh nhựa hoặc hạt có kích thước dưới 5 mm. Hạt vi nhựa được làm từ polyme tổng hợp bao gồm polyetylen, axit polylactic (PLA), poly(methyl methacrylate), polypropylene, polystyrene, hoặc polyethylene terephthalate.
Các loại hạt này được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, sữa tắm, một số mỹ phẩm (son, mascara, sơn móng tay…), kem đánh răng và nghiên cứu y sinh.
Các nhà khoa học trường cao đẳng Trinity Dublin (Ireland) cho biết, sau khi họ đã tiến hành quy trình khử trùng bình sữa dành cho trẻ đối với 10 loại bình nhựa khác nhau họ kết luận rằng: Những đứa trẻ của chúng ta đang phải ăn hạt vi nhựa mỗi ngày.
Thí nghiệm được thực hiện trước hết, bình sữa được khử trùng ở nhiệt độ 95 độ C, kế đến cho bột sữa hòa với nước nóng 70 độ C trong bình.
Họ phát hiện cả hai công đoạn đều tạo ra rất nhiều hạt vi nhựa.
Khi kết hợp với các dữ liệu khác ở 48 vùng lãnh thổ, các nhà nghiên cứu ước tính được trẻ bú bình có thể "nuốt" trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa/ngày trong 12 tháng đầu đời!
Thông tin này khiến nhiều bà mẹ bỉm sữa lo lắng vì con họ dùng bình sữa hàng ngày.
Nhiều trẻ em không chỉ sử dụng bình sữa mà còn sử dụng cả các loại bình đựng nước bằng nhựa cách nhiệt dành cho trẻ.
Nếu bình sữa được làm từ nhựa tái chế thì nguy cơ nhiễm các monome có trong nhựa tái chế rất cao. Có thể một số chất dẻo tách ra ở dạng monome có thể hoà tan ra trong thực phẩm, những monome này hay có ở nhựa tái chế.
Khi sử dụng đồ nhựa, người dùng không chỉ gặp nguy cơ ăn hạt nhựa mà còn có nguy cơ từ các chất trộn vào để dễ gia công hay còn gọi là chất phụ gia.
Đặc biệt, nếu để bình nhựa ở môi trường nóng với nhiệt độ trên 80 độ C, các monome giải phóng ra hàm lượng monostyren - một chất độc có thể ngấm vào thức ăn gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.
Làm thế nào để giảm hạt vi nhựa vào cơ thể?
Khuyến nghị các bà mẹ không rửa bình sữa bằng nước quá nóng mà hãy sử dụng nước rửa bình chuyên dụng chiết xuất từ thực vật.
Nếu có thể, các mẹ hãy pha sữa công thức trong bình không làm từ nhựa.
Tránh hâm lại sữa công thức đã pha trong bình nhựa, đặc biệt là bằng lò vi sóng để giảm thiểu tối đa sự nhân đôi của các phân tử trong hạt vi nhựa.