Ngăn các hình thức “núp bóng” chủ trương xã hội hóa y tế

Các chuyên gia y tế nhận định, thời gian qua ở một số địa phương, có tình trạng đầu tư “công không ra công, tư không ra tư” do kêu gọi đầu tư xã hội hoá y tế.

Cần sự đồng hành, đóng góp chung của xã hội

Phát biểu tại Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 12/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ:

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV và theo chương trình sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới nhằm tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Dự luật có phạm vi tác động rất rộng tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Đây cũng là dự án Luật khó, nhất là trong điều kiện hiện nay, sau khi những tác động của dịch bệnh Covid – 19, các vấn đề của ngành y tế, y tế cơ sở, y tế dự phòng, tài chính y tế... đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức và đặt ra những yêu cầu mới về khuôn khổ pháp lý.

Tiêu điểm - Ngăn các hình thức “núp bóng” chủ trương xã hội hóa y tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

“Nội dung dự án Luật nhận được sự quan tâm sâu sắc không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri và nhân dân cả nước. Khi Quốc hội sửa đổi xong Luật này thì có tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành y tế hay không? Có giúp cho ngành y tế thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân hay không? Đó là câu hỏi hết sức quan trọng phải trả lời”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tới đây Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ Y tế cũng đang dự kiến trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các luật mới trong lĩnh vực y tế như: luật về trang thiết bị y tế, Luật về y tế dự phòng... Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cơ chế tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh hiện đang là vấn đề bức xúc.

"Chúng ta có cần bổ sung các quy định về vấn đề này vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh để sau khi sửa đổi luật thì cán bộ ngành y tế, các bác sỹ, các cơ sở y tế cũng yên tâm làm công tác chuyên môn hay không? Nếu đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thì cần thiết kế các quy định cụ thể như thế nào? Có nên quy định thành một chương riêng áp dụng cho cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân không?", Chủ tịch Quốc hội gợi mở.

Chỉ ra một số nội dung căn cơ khác nhưng còn chưa rõ trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần là phải làm tích cực, khẩn trương, tập trung toàn lực, nhưng cũng không được nóng vội. Ủy ban Xã hội, các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để đáp ứng được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với lĩnh vực y tế hiện nay.

"Ngành y tế cần sự đồng hành, đóng góp chung của xã hội, của Quốc hội, của Chính phủ, các cấp, các ngành để tháo gỡ những khó khăn hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bảo đảm nguyên tắc "công ra công, tư ra tư"

Trên cơ sở gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, các chuyên gia tham dự tọa đàm đã tập trung làm rõ những vướng mắc trong thực hiện quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh kể cả cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân;

Đóng góp ý kiến về cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công lập, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và trong y tế nói riêng; hành lang pháp lý cho việc thực hiện tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế; nguồn lực dành cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa dịch vụ y tế, hợp tác công tư trong hoạt động khám, chữa bệnh; đánh giá năng lực và cấp chứng chỉ hành nghề y...

Nhấn mạnh cơ chế tài chính y tế là vấn đề hết sức quan trọng đối với ngành y tế hiện nay, một số chuyên gia nhất trí cần có một chương riêng quy định về cơ chế tài chính khám, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Một số chuyên gia đánh giá việc dự thảo Luật hiện đã có quy định về xã hội hoá công tác khám, chữa bệnh, bổ sung chủ thể ngoài nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, phi vụ lợi là điểm mới.

Tiêu điểm - Ngăn các hình thức “núp bóng” chủ trương xã hội hóa y tế (Hình 2).

GS.TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện một số quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa y tế; hợp tác công tư trong y tế.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế là chính sách có tác động rộng lớn, bao quát, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở y tế, thậm chí dễ nảy sinh xung đột giữa hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập.

Hiện nay, Nhà nước đang chủ trương cắt giảm đầu tư công, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân. Nhưng vừa qua, ở một số địa phương, có tình trạng đầu tư “công không ra công, tư không ra tư” do chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xã hội hoá y tế, mời doanh nghiệp đầu tư trong khuôn viên bệnh viện công. Cho rằng đây thực chất là hình thức “núp bóng” chủ trương xã hội hóa, dễ nảy sinh tiêu cực, sai phạm, đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị không nên luật hoá chính sách xã hội hoá đối với khối y tế công lập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Một số chuyên gia cũng nhất trí quan điểm trên và cho rằng, chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm nguyên tắc "công ra công, tư ra tư".

Cùng với đó, dự thảo Luật cần phân định rõ 3 chủ thể khám chữa bệnh gồm: y tế công/y tế nhà nước, y tế tư nhân và y tế ngoài nhà nước nhân đạo phi vụ lợi... và có quy định nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của 3 chủ thể này.