Khám chữa bệnh từ xa cần cơ chế đặc thù

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải mong có một cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng cho đội ngũ chuyên gia tham gia khám, chữa bệnh từ xa.

Hoạt động 24/7

Chia sẻ với Người Đưa Tin về những thành tựu của việc khám, chữa bệnh từ xa của Trung tâm điều hành, hỗ trợ chẩn đoán- điều trị từ xa (Tele – ICU) Bệnh viện đại học Y Hà Nội, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 cho biết, trước Covid-19 khoa manh nha làm Tele – ICU, đến khi Covid-19 bùng phát thì việc khám, chữa bệnh từ xa bắt đầu phát huy giá trị.

Hơn 2 năm đi vào hoạt động, Tele – ICU của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hỗ trợ điều trị từ xa cho hơn 200 ca bệnh tại các tuyến y tế cơ sở.

Sự kiện - Khám chữa bệnh từ xa cần cơ chế đặc thù

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Khoảng thời gian hoạt động Trung tâm điều hành, hỗ trợ chẩn đoán khám chữa bệnh từ xa, theo lời BS. Hải có không ít ca bệnh cấp cứu được ekip hỗ trợ, chẩn đoán vượt qua cơn nguy kịch, với anh mỗi ca bệnh đều để lại ấn tương riêng, khó phai.

BS. Hải nhớ lại ca bệnh có khó thở/ung thư vú. Tuy nhiên, các đồng nghiệp tuyến dưới đinh ninh bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp, nhận định ban đầu này có là logic bởi tắc động mạch phổi cấp là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, cần phải nghĩ rộng hơn vì còn nhiều nguyên nhân khó thở cấp khác cũng đe dọa tính mạng, qua hệ thống tele-ICU với các bác sĩ, bác sĩ đã “bắt bệnh” chính xác, bệnh nhân bị ép tim cấp chứ không phải tắc động mạch phổi cấp. Bệnh nhân nhanh chóng được dẫn lưu dịch màng ngoài tim, thoát cơn nguy kịch.

Đến nay, Tele – ICU vẫn hoạt động 24/7 với đội ngũ là các bác sĩ của khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực.

“Bất cứ ngày hay đêm đội ngũ y bác sĩ của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa 24/7, tất cả những việc chúng tôi làm đều xuất phát từ lòng yêu nghề, tâm huyết với người bệnh”, BS. Hải chia sẻ.

Cần đồng bộ hóa toàn hệ thống

Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Hải khẳng định những ưu điểm mà khám, chữa bệnh từ xa mang lại như: Tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rút ngắn khoảng cách địa lý, nâng cao năng lực của nhân viên y tế, chi phí không quá tốn kém,…

Tuy nhiên, ở một số địa phương đường truyền chưa được ổn định, chưa có các thiết bị đáp ứng đúng, đủ nhu cầu…

Bên cạnh đó, cơ chế và hành lang pháp lý cho đội ngũ chuyên gia khám chữa bệnh từ xa vẫn là một vấn đề được đặt ra.

Sự kiện - Khám chữa bệnh từ xa cần cơ chế đặc thù (Hình 2).

BS. Hải mong có hành lang pháp lý rõ ràng cho đội ngũ chuyên gia tham gia tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. 

“Tôi cho rằng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng và chi phí cụ thể để cho đội ngũ các chuyên gia tham gia vào việc tư vấn, khám chữa bệnh sẽ giành tâm huyết, động lực hơn trong việc khám chữa bệnh từ xa”, BS. Hải bảy tỏ mong muốn.

BS. Hải mong mỏi trong tương lai có được sự đồng bộ hoá cho toàn hệ thống cả về thiết bị đầu-cuối, lẫn đội ngũ nhân viên y tế say mê trong việc sử dụng các công cụ trong hỗ trợ chẩn đoán - điều trị từ xa.

Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng ứng dụng Telehealth vẫn hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Đây là một kết quả đáng tuyên dương và cổ vũ toàn hệ thống phát huy, cùng với việc mở rộng thêm các bệnh viện vệ tinh khác để có thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong cả nước.

Telemedicine hay Telehealth có 3 mục đích, mục đích thứ nhất là hội chẩn trực tuyến giữa các bác sĩ với nhau, giữa bệnh viện với bệnh viện, bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện hoặc tuyến xã.

Mục đích thứ hai là làm giảm giảm tải các bệnh nhân đến các bệnh viện ở tuyến cao để cho bệnh nhân tránh công sức đi lại, tránh các bệnh viện tuyến trung ương điều trị những bệnh mà tuyến dưới có thể điều trị được.

Mục đích thứ ba quan trọng hơn là có thể theo dõi trực tiếp sức khỏe tại nhà dân khi mà các hệ thống telemedicine được lan tỏa trên cả nước thì chúng ta có tất cả dữ liệu người dân, theo dõi người dân trong thời gian chẩn đoán, điều trị cũng như theo dõi sau điều trị.

Telehealth là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam, mặc dù nó không thể thay thế tuyệt đối cho hệ thống y tế truyền thống (có những ca bệnh khó, bệnh nhân vẫn phải đến bệnh viện để có được chẩn đoán chính xác nhất).

Ứng dụng Telehealth cũng góp phần giúp cho cả ngành y tế đồng bộ với nhau (không phân biệt tuyến trên, tuyến dưới; bác sĩ trẻ và bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm…).