Quả phật thủ có ăn được không? Cách dùng quả phật thủ chữa bệnh

Quả phật thủ thường được dùng để trang trí trên bàn thờ trong dịp lễ, Tết, ngoài ra còn có một số công dụng chữa bệnh hiệu quả.

Quả phật thủ thuộc họ cam chanh. Tên gọi của loài cây này xuất phát từ hình dáng của quả chia nhánh trông như bàn tay Phật. Phật thủ là giống cây bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản nhưng cũng được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Loại quả này thường xuất hiện trong mâm ngũ quả ngày lễ, Tết vì có màu sắc và hình dáng đẹp, hơn nữa còn có hương thơm vô cùng ngọt ngào, dễ chịu.

Nhiều người đặt câu hỏi không biết quả phật thủ có ăn được không? Thực tế, quả phật thủ không có nước, không có cùi và hạt bên trong mà chỉ có phần lõi xốp, vì vậy không thể ăn trực tiếp được. Tuy nhiên, loại quả này có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, ví dụ như làm nước xốt, sốt salad, làm mứt, làm nước uống... hoặc sử dụng như một bài thuốc để điều trị một số loại bệnh. 

Thành phần dinh dưỡng của quả phật thủ tương tự như vỏ chanh tươi. Trong quả phật thủ có chứa protein, carbohydrate, lipid, vitamin C, chất xơ tối thiểu và ít hơn 1 calo. Theo nghiên cứu, quả phật thủ có thể giúp làm giảm đau, àm dịu sự khó chịu ở đường tiêu hóa, kích thích hệ thống miễn dịch, giảm viêm, giảm bớt khó chịu trong kỳ kinh nguyệt, giảm huyết áp và nhiễm trùng đường hô hấp.

Quả phật thủ có tác dụng gì?

1. Giảm đau

Từ thời xa xưa, con người đã biết sử dụng quả phật thủ để giảm đau. Công dụng này có được là nhờ thành phần hóa học trong loại quả này, bao gồm coumarin, limonin và diosmin. Những hợp chất này có tác dụng giúp làm dịu vết sưng tấy và khó chịu do tai nạn và phẫu thuật đối với những vết bầm tím và vết bầm nhẹ. 

Quả phật thủ được cho là có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương và làm đổi màu vết bầm do đặc tính chống viêm của nó.

2. Hỗ trợ điều trị các vấn đề về hô hấp

Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của quả phật thủ là hỗ trợ điều trị các vấn đề về hô hấp. Những chất có trong quả phật thủ có tác dụng làm long đờm, nhờ đó chữa ho nhanh chóng, không gây đau đớn cho những cơn ho nhiều tạo ra đờm hoặc viêm niêm mạc.

3. Hỗ trợ điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa

Quả phật thủ cũng có công dụng trong việc điều trị bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ví dụ như đau bụng, tiêu chảy, chuột rút, chướng bụng hoặc táo bón. Lý do là bởi loại quả này giúp làm giảm viêm niêm mạc dạ dày và làm giãn cơ ruột, cho phép tiêu hóa và bài tiết.

4. Giảm khó chịu trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ

Khi đến kỳ kinh nguyệt, hầu hết phụ nữ đều gặp phải những tình trạng vô cùng khó chịu như đau bụng, đau lưng, chuột rút, thay đổi tâm trạng... Sử dụng quả phật thủ là một phương pháp tự nhiên an toàn và lành mạnh để cải thiện những tình trạng này. Các đặc tính chống viêm của quả phật thủ và một số đặc tính chống oxy hóa khác của nó làm cho nó trở thành một phương thuốc lý tưởng nếu bạn đang đối phó với kỳ kinh nguyệt khó khăn.

5. Tăng cường hệ miễn dịch

Một loại đường đa (polysaccharide) được tìm thấy trong quả phật thủ có liên quan đến việc kích hoạt hoạt động của đại thực bào, cải thiện tính nhanh chóng và hiệu quả của hệ thống miễn dịch. Do đó, loại quả này có thể giúp ngăn chặn các bệnh thông thường như cảm cúm, cảm lạnh.

6. Hạ huyết áp

Chiết xuất cồn từ quả phật thủ có tác dụng giãn mạch, giãn mạch vành và cải thiện tuần hoàn, giúp hạ huyết áp hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ. Nhờ giảm tải cho tim mạch, hệ tuần hoàn của cơ thể cũng sẽ khỏe mạnh lâu dài hơn.

Cách sử dụng quả phật thủ

Quả phật thủ là một loại trái cây không có độc, hoàn toàn lành tính và vô hại. Tuy nhiên, khi lựa chọn quả phật thủ để trưng bày hoặc để chữa bệnh, nên chọn những loại quả không bị sâu hại, có nguồn gốc rõ ràng, không bị phun nhiều thuốc hóa học.

Có nhiều cách để sử dụng quả phật thủ. Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo:

1. Quả phật thủ ngâm rượu

Quả phật thủ phải rửa sạch để ráo và cắt phiến ngâm rượu trắng từ 7 đến 10 ngày. Mỗi lần uống 40-50 ml (không nên uống quá nhiều) sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị các chứng rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế...). Điều trị đau bụng kinh, chữa ho đờm và viêm phế quản.

2. Quả phật thủ làm siro

Rửa sạch quả phật thủ với nước muối, vớt ra để ráo, bổ dọc theo múi, thái lát mỏng. Mạch nha (hoặc đường phèn) cho vào nồi đun cách thủy cho chảy loãng. Xếp một lớp phật thủ, một lớp mạch nha lần lượt cho đầy bát. Cho vào nồi đun cách thủy 1,5-2 tiếng đến khi phật thủ keo lại như mứt. Tắt bếp, lọc nước siro phật thủ mạch nha cho vào lọ, để ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Siro từ quả phật thủ giúp chữa ho và một số bệnh về đường hô hấp hiệu quả.

3. Quả phật thủ hãm trà

Lấy 10g quả phật thủ rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày một lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi và buồn nôn.

4. Quả phật thủ làm mứt

Rửa sạch quả phật thủ với nước muối, để ráo, thái thành những miếng hạt lựu có kích thước khoảng 1 cm. Cho vào nồi inox đáy dày hoặc nồi hợp kim, đổ nước gấp đôi lượng miếng phật thủ đã cho vào nồi, đậy vung và đun sôi. Khi sôi thì giảm lửa xuống, mở vung và đun tiếp khoảng 30-40 phút, lúc này phần nước sẽ chỉ còn xăm xắp với phần phật thủ. Với những người thích ăn ngọt thì có thể cho thêm đường, để lửa vừa, dùng thìa gỗ đảo đều để đường thấm kĩ vào phần thịt quả.

Nguồn tham khảo:

What are the Health Benefits of Buddha’s Hand? - Đăng tải trên trang tin Cully's Kitchen - Xuất bản ngày 10/5/2022.

THEO K.H