Nghề lạ ở Việt Nam: Loài đặc sản lạ nhìn xấu hoắc nhưng ăn là mê, vào rừng săn một buổi kiếm nửa triệu đồng

CTV
Chôm chôm (hay dế rừng) là loài côn trùng đặc sản của Tây Bắc, không chỉ là món ăn ngon của bà con đồng bào dân tộc mà còn giúp những người đi bắt chôm chôm kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Chôm chôm hay còn được gọi là con dế rừng, một loại côn trùng có màu xanh và nâu thường xuất hiện ở các cánh đồng lúa trù phú ở phía Bắc nước ta. Chôm chôm có thân hình tròn, hơi dẹt dài 15-25 mm, màu đen bóng. Từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch là thời điểm chôm chôm thường xuất hiện nhiều, đây cũng là lúc đồng bào tại các tỉnh miền núi Tây Bắc chuẩn bị các dụng cụ vợt, giỏ... xuống đồng “đi săn” chôm chôm. Nghề "săn" chôm chôm tuy chỉ thời vụ nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập kha khá cho nhiều người dân nơi đây.

Chôm chôm hay còn được gọi là con dế rừng, vào mùa từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch

Cụ thể, loại côn trùng có bề ngoài khá “đáng sợ” này lại là một “đặc sản” của bà con dân tộc Thái, Mường. Chúng có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như chôm chôm xào măng chua, chôm chôm chiên, chôm chôm kho, chôm chôm xào sả ớt… nhưng ngon nhất và phổ biến nhất là món chôm chôm rang lá chanh. Khi ăn, loại côn trùng này có mùi vị khá độc đáo, đặc biệt vị thơm từ những con chôm chôm béo ú thơm mùi đòng đòng cuốn hút lại thêm cảm giác tê tê tan trong miệng, chỉ cần một lần thưởng thức là một lần mê và nhớ mãi.

Không chỉ là đặc sản của đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc, chôm chôm còn là đặc sản được nhiều thực khách sành ăn từ Bắc chí Nam biết tới, xuất hiện trong các quán nhậu, thậm chí là nhiều nhà hàng đặc sản sang trọng. Nhiều du khách khi tới huyện Bắc Yên, Phù Yên thuộc tỉnh Sơn La đều ghé nhà hàng của anh Hoàng Văn Đinh (Cao Đa 1, xã Phiêng Ban) thưởng thức các món ăn từ chôm chôm.

“Món ăn từ con chôm chôm vừa đơn giản lại “bén mồi”, ăn rất bắt miệng nên được nhiều người yêu thích. Lúc đầu mình chỉ cho vào menu của nhà hàng để làm phong phú thực đơn, nhưng không ngờ lại được yêu thích đến thế, nên nguồn cung không còn đủ. Giờ mình phải liên hệ với nhiều người đi bắt chôm chôm ở trong khu vực tỉnh Sơn La để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhà hàng. Mình còn nhận “bán hàng online”, ai muốn mua về tự chế biến thì mình sẽ cung cấp loại chôm chôm đã làm sạch ruột và đông lạnh”, anh Đinh cho biết. 

Đặc sản chôm chôm rang lá chanh là món ăn hấp dẫn nhất, được nhiều người đam mê ẩm thực ưa chuộng.

Theo lời anh Đinh, chỉ những người ở trong các bản, làng hay đi rừng thì mới có “nghiệp vụ” đi bắt chôm chôm, vì họ thông thuộc đường rừng và dễ nhìn thấy loại côn trùng này làm tổ ở đâu. Chôm chôm không chỉ làm tổ ở đồng lúa mà còn có ở các hốc cây rỗng ruột, chúng còn làm ở các tổ mối, hố khoai mài hay những giếng nước bỏ hoang ở trong rừng, đồi keo hay cạnh các bờ suối do chúng yêu thích nơi có nhiệt độ mát mẻ và độ ẩm cao. Chính vì vậy, thông thạo đường rừng sẽ giúp các “thợ săn” chôm chôm tiết kiệm được nhiều thời gian tìm kiếm vị trí đóng tổ của chúng.

Ở xã Phiêng Ban, anh Chu Phúc nổi tiếng là một trong những người thợ săn chôm chôm “lành nghề” nhất. Theo anh Phúc, việc bắt chôm chôm tùy thuộc vào địa hình dế ở mà có phương pháp bắt sao cho đúng không để chôm chôm nhảy mất, bởi đặc tính của loại côn trùng này là rất nhanh nhẹn, có thể bật nhảy hoặc bay rất linh hoạt. Chính vì vậy mà khi đã xác định vị trí tổ dế thì phải tùy thuộc vào vị trí của chúng mà dùng khò ga mini hoặc đốt đuốc thổi khói hay dùng màn chụp để bắt con chôm chôm. 

Anh Phúc kể, anh tìm được một tổ chôm chôm ở trong một thân cây rỗng ruột cao tầm 5 mét. Nhìn từ xa đã thấy có tới hàng trăm con dế đang bâu quanh tổ, tạo thành một màu đen kịt. Lúc này, anh Phúc lấy sẵn màn chụp uốn lại thành một chiếc túi rồi đặt ở miệng tổ chôm chôm. Tiếp đó anh dùng một cây gậy thò từ hốc trên khoắng xuống dọc thân cây, những con chôm chôm thấy động nhảy loạn xạ chui ra dưới hốc cây lọt vào chiếc túi lưới. Sau một hồi, cả đàn chôm chôm “sa lưới”, anh Phúc thu hoạch hơn 10kg chôm chôm.

Thành quả của anh Phúc.

Đốt đuốc chuẩn bị bắt chôm chôm.

Còn nếu gặp tổ chôm chôm ở dưới đất, hoặc làm tổ ở những hốc cây thấp thì cần phải dùng lửa từ khò ga mini hoặc đốt đuốc thổi khói làm chôm chôm ngạt và mờ mắt không thể di chuyển. Sau một lúc thì chỉ cần lấy cuốc khơi tổ ra để bắt chôm chôm. Cách này tốn nhiều thời gian hơn về cả công đoạn chuẩn bị dụng cụ đến việc bắt từng con chôm chôm đang ở trạng thái “mất ý thức” cho vào trong túi vải. Chưa kể, phải hành động thật nhanh nếu không chôm chôm sẽ tỉnh và bay mất, do đó cần ít nhất 2-3 người cùng phối hợp linh hoạt.

Anh Phúc cho biết, sau khi bắt chôm chôm về phải bán ngay cho thương lái, do nếu để lâu thì loại côn trùng này sẽ chết do không quen môi trường sống, hoặc chúng sẽ đánh nhau trong túi vải để tìm cách thoát thân nên rất dễ dẫn đến tình trạng bị nát. 

“Do bây giờ là đầu mùa, nên chôm chôm được giá tầm 300.000 – 350.000 đồng/kg, khi nhiều người đi săn thì giá dế lại xuống thấp hơn một tí từ 200.000 – 300.000 đồng/kg. Có hôm tôi bán được gần 10kg, cũng được hơn 3 triệu chia cho các anh em thì mỗi người cũng được hơn triệu bạc. Hôm nào được ít thì 3kg – 5kg chôm chôm cũng được khoảng 600.000 – 800.000 đồng” anh Phúc bộc bạch. 

Cận cảnh "săn" con chôm chôm

Tuy “một vốn bốn lời” nhưng anh Phúc cũng chia sẻ, săn bắt chôm chôm chỉ là công việc làm thêm chứ không thể xem là công việc chính. Bởi loài côn trùng này chỉ có theo mùa vụ, lại không phải khi nào cũng có thể tìm được tổ chôm chôm lớn. Tuy vậy, đặc sản này ngày càng được nhiều người biết đến, “cung luôn ở trong tình trạng không đủ cầu” nên cứ bắt về là lại có thương lái đến nhà gom mua hết. Chính vì vậy mà vào mùa chôm chôm, anh Phúc lại tranh thủ đi bắt loại côn trùng này để có thêm thu nhập.