Nghề lạ ở Việt Nam: Ngủ trong quan tài lấy may kiếm 500.000 đồng/ngày

CTV
Đây là một công việc vô cùng đơn giản, thế nhưng không phải ai cũng có gan để thực hiện.

Nghề ngủ trong quan tài là một nghề vô cùng độc đáo và chỉ có tại TP Hồ Chí Minh. Nghề này bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 2011 và đến nay vẫn còn tồn tại.

Vào khoảng vài chục năm trước, TP Hồ Chí Minh có nhiều nghĩa trang nổi tiếng và quy mô lớn, có thể kể đến điển hình như Bình Hưng Hòa. Các chủ cửa hàng trại hòm (bán quan tài) nhờ vậy mà bán được đắt hàng khi mà ngày nào cũng có người đã khuất được chôn cất.

Tuy nhiên trải qua nhiều năm, chính quyền thành phố quyết định tạm dừng việc an táng tại các nghĩa trang lớn trong thành phố để tránh ô nhiễm môi trường. Việc an táng sẽ được thực hiện tại các quận huyện ngoại thành.

Điều này khiến cho công việc buôn bán quan tài ngày càng trở nên ế ẩm, ảnh hưởng đến chén cơm của rất nhiều người. Chính vì thế mà các chủ trại hòm mới nghĩ ra các hình thức táo bạo nhằm kích cầu người mua và cũng để lấy may.

Một trong những hình thức đó phải kể đến chính là việc họ sẽ thuê những người đến để nằm vào trong quan tài để giúp cầu may cho chủ trại hòm. Công việc này tuy đơn giản nhưng rất ít người dám làm vì những lý do tâm linh.

Tuy nhiên nhiều người vì miếng cơm manh áo nên sẵn sàng làm công việc rùng rợn này. Cứ mỗi đêm, họ sẽ “giả chết” để nằm trong quan tài, sau đó chủ trại hòm sẽ đậy nắp và thực hiện nghi lễ giống như có người mới qua đời thật sự.

Chủ trại hòm sẽ thắp hương, cúng bát cơm với quả trứng luộc, sau đó sẽ đi ngủ. Còn người nằm bên trong thì cứ nằm đó cho đến sáng hôm sau. Điều này dễ khiến cho người nằm bên trong quan tài cảm thấy sợ hãi, ghê rợn.

Việc “giả chết” không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của người thực hiện, mà còn có thể khiến họ gặp phải những giấc mơ kỳ lạ, những chuyện tâm linh khó có thể tin nổi. Do đó mà họ sẽ được các chủ trại hòm trả mức lương khá hậu hĩnh, lên tới 500.000 đồng/ngày.

Các chủ trại hòm tin rằng, việc làm này sẽ giúp họ gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều khách hàng hơn, biết đâu lại có thể “ăn nên, làm ra” thì sao.