Nghi vấn truyền thuốc tê quá liều trong quá trình mổ sinh, một sản phụ bị liệt hai chân

Bà Lê Như Thanh Hải, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM đau đớn: “Sau ca mổ sinh con ngày 11/1/2019 vì sai sót nghiêm trọng trong chuyên môn, vì sự tắc trách và cẩu thả của bệnh viện Phụ sản Mê Kông (đường Hoàng Văn Thụ, phường 1, quận Tân Bình) tôi trở thành người tàn tật: 2 chân bị tê liệt, không còn cảm giác”.

Gây tê quá liều?

Người Đưa Tin Pháp luật nhận được phản ánh của bà Lê Như Thanh Hải về việc bị liệt hai chân sau khi sinh mổ. Kể lại sự việc, bà Hải cho biết, khoảng 7h ngày 10/1/2019 bà làm thủ tục nhập viện tại bệnh viện Mê Kông để sinh con. Đến 14h cùng ngày, bà Hải được vào phòng mổ, làm thủ tục chuẩn bị gây tê tủy sống màng cứng để chuẩn bị mổ.

"35 phút sau, đứa con chào đời. Đến 15h45, tôi được đẩy sang phòng hồi sức và truyền chai thuốc giảm đau, tiếp đó là 1 chai dung dịch truyền ở tay. Đến 22h, chân trái của tôi có dấu hiệu tê, đến 23h, người nhà có báo cho điều dưỡng trực nhưng không thấy qua kiểm tra.

1h sáng ngày 12/1/2019 chân trái tôi gần như tê liệt hoàn toàn, đồng thời chai thuốc giảm đau màng cứng cũng hết, người nhà sau đó tiếp tục báo cho điều dưỡng trực. 30 phút sau, điều dưỡng qua kiểm tra chai thuốc và thay vào đó chai thuốc khác", bà cho hay.

Người bệnh tố bệnh viện làm liệt 2 chân sau khi sinh con tại đây.

Tiếp đó, đến 4h, tiếp tục chân phải có dấu hiệu tê và đến 5h, tình trạng tê trở nên nặng hơn. Lúc này, gia đình tiếp tục báo cho điều dưỡng và yêu cầu được gặp bác sĩ trực ngày hôm đó nhưng phải hơn 1 tiếng sau mới có bác sĩ đến kiểm tra.

Khoảng 7h mới có bác sĩ khác vào kiểm tra và cho ngưng chuyền thuốc. Bác sĩ này nói với bà Hải và gia đình: "Sau 2 đến 3 tiếng, thuốc tê sẽ hết và chân sẽ hoạt động trở lại".

"Đến 13h30, bác sĩ Lê Quốc Hải, ở phòng Hồi sức yêu cầu tôi trở lại phòng hồi sức và truyền liên tục 2 chai thuốc màu trắng đục. 17h, tôi được chuyển qua bệnh viện Đại học Y dược để cấp cứu, chụp MRI, làm phác đồ chuyên về nội thần kinh”, bà kể lại.

Rủi ro y khoa?

Theo tóm tắt bệnh án mà bệnh viện Mê Kông cung cấp cho bà Hải (theo chẩn đoán của bệnh viện Đại học Y dược), trường hợp của bà Hải là tổn thương chóp tủy và chùm đuôi ngựa, do viêm không nhiễm sau gây tê tủy sống và giảm đau ngoài màng cứng.

Đến ngày 24/1/2019, bệnh viện Đại học Y dược cho bà Hải xuất viện và đề nghị tập vật lý trị liệu tích cực.

“Từ đó đến nay tôi vẫn đi tập vật lý trị liệu nhưng tình trạng không có tiến triển, 2 chân vẫn mất cảm giác và không thể kiểm soát tiêu, tiểu”, bà Hải cho hay.

Bà Hải cho biết, bệnh viện Mê Kông (đại diện là các luật sư) đã mời gia đình bà đến làm việc và thông báo: “Hội đồng chuyên môn có kết luận là do rủi ro y khoa nên không thuộc trách nhiệm của bệnh viện Mê Kông".

"Tôi cho rằng, bệnh viện Mê Kông không minh bạch trong việc thành lập Hội đồng chuyên môn và tuyên bố của bệnh viện đây là rủi ro y khoa là không có cơ sở”, bà Hải bức xúc nói.

Trong khi đó, theo nội dung tóm tắt bệnh án của bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, trường hợp của bà Hải bị “liệt hai chi do viêm chóp tuỷ, chùm đuôi ngựa sau phẫu thuật mổ lấy thai, giảm đau ngoài màng cứng”.

Chấm dứt… trách nhiệm?

Dù tình trạng bệnh nhân chưa có dấu hiệu phục hồi nhưng ngày 22/4/2020, bệnh viện Mê Kông có thông báo về việc chấm dứt lưu trú đối với bà Hải. Trong đó, ngưng cung cấp toàn bộ dịch vụ hỗ trợ của bệnh viện cho bà Hải kể từ ngày có thông báo này.

Theo tóm tắt bệnh án của bệnh viện Mê Kông: “Bệnh nhân được Khoa Gây mê hồi sức tiếp nhận và thực hiện phương pháp vô cảm: Tê ngoài màng cứng và Chọc dò tủy sống theo phương pháp CSE”.

Thế nhưng, bệnh viện này khẳng định: “Trong quá trình gây tê không xuất hiện dị cảm thủ thuật thuận lợi, kết quả tốt”.

"Quá trình theo dõi tại phòng Hồi sức, bệnh nhân ổn, được duy trì thuốc tê ngoài màng cứng, truyền tốc độ 5ml/giờ qua catheter NMC bằng hệ thống máy đếm giọt tự động, được theo dõi mạch, huyết áp, vận động, cảm giác”, bệnh viện Mê Kông cho hay.

Tóm tắt bệnh án của Bệnh viện Mê Kông.

Tại khoa Sản, bệnh nhân ổn, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, 2 chân không tê và tiếp tục truyền thuốc tê ngoài màng cứng liều 5 ml/giờ bằng máy điểm giọt tự động, dây chuyền có dán cảnh báo và được theo dõi giảm đau theo thang điểm giảm đau ngoài màng cứng”.

Bảng tóm tắt bệnh án nêu: “Đến 14h ngày 12/1/2019, bệnh nhân tê nhiều 2 chân, 2 chân liệt mềm, cảm giác chân trái mất, chân phải còn cảm giác đau. Mời hội chẩn với bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, ghi nhận: “Bệnh tỉnh, mạch huyết áp ổn, không sốt. Liệt vận động 2 chi dưới, mất cảm giác từ bẹn đến 2 bàn chân. Chuyển bệnh nhân sang phòng Hồi sức".

Bệnh viện Mê Kông thừa nhận: “Đến ngày 6/3/2019, bệnh nhân có triệu chứng mót rặn, bí tiểu không cải thiện. Bệnh viện đã mời bác sĩ chuyên khoa Niệu bệnh viện Bình Dân hội chẩn, cho đo Niệu động học, Niệu dòng đồ.

Bệnh nhân được chẩn đoán bàng quang thần kinh, nhiễm khuẩn tiết niệu.

Từ đó, tiếp tục điều trị bằng kháng sinh, thuốc tăng co bóp bàng quang, cho thông tiểu ngắt quãng mỗi 6 giờ, tập vật lý trị liệu sàn chậu kết hợp châm cứu trị liệu từ ngày 5/10/2019, đến nay, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần.

Tự họp Hội đồng chuyên môn và quyết… đúng quy trình

“Ngày 8/2/2019, bệnh viện mời bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM hội chẩn và đồng ý nhận về điều trị.

Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện và chẩn đoán liệt 2 chi dưới do viêm chóp tủy, chùm đuôi ngựa sau tê tủy sống, giảm đau ngoài màng cứng sau mổ lấy thai.

Hướng điều trị là tiếp tục tập vật lý trị liệu tích cực ngoại trú và trở về chăm sóc, điều dưỡng tại bệnh viện Mê Kông”, bệnh viện Mê Kông cho biết trong bản tóm tắt bệnh án.

Đến ngày 28/2/2019, bệnh viện tổ chức họp hội đồng chuyên môn bệnh viện Mê Kông và quy trình đón tiếp, chẩn đoán, chỉ định mổ… đều đúng quy trình.

Về chẩn đoán “tổn thương chóp tuỷ và chùm đuôi ngựa trong viêm tủy màng tuỷ sau gây tê tủy sống phối hợp giảm đau ngoài màng cứng mổ lấy thai", nghi nhiều do nguyên nhân hóa học là phù hợp với diễn biến của người bệnh.

Ngày 25/3/2019 đến 6/4/2019, nhận định trường hợp liệt của bệnh nhân phức tạp, bệnh viện mời bác sĩ khoa Nội thần kinh (bệnh viện Chợ Rẫy) hội chẩn và đồng ý tiếp nhận về đánh giá mức độ tổn thương cũng như xác định nguyên nhân.

Sau 12 ngày điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân xuất viện với chẩn đoán biến chứng sau phẫu thuật chưa xác định và tiếp tục trở về bệnh viện Mê Kông để chăm sóc, điều dưỡng”.

Đến ngày 17/12/2019, sức cơ 2 chân cải thiện tốt hơn nhưng tiêu, tiểu chưa kiểm soát tốt.

Từ đề xuất của bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM: “tập điện xung 2 chân, tập đi với nạng nách, nẹp dài 2 chân, hoạt động trị liệu, hoà nhập cộng đồng”, bệnh viện Mê Kông có thông báo chấm dứt lưu trú đối với bà Hải như trên.

“Giờ đây, dù 2 chân tôi chưa có dấu hiệu bình phục và không thể đi lại nhưng bệnh viện Mê Kông tiến hành những hành động bất chấp lương tâm, vi phạm y đức, chối bỏ trách nhiệm và cưỡng ép tôi xuất viện”, bà Hải nói.

Vì quá bức xúc nên gia đình bà Hải có đơn tố cáo gửi Giám đốc sở Y tế TP.HCM và Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật.

Trong đó, bà Hải kiến nghị thanh - kiểm tra quá trình khám chữa bệnh và sử dụng thuốc của bệnh viện Mê Kông đối với cá nhân bà vào các ngày 11-12/1/2019.

Đồng thời, thành lập hội đồng chuyên môn phù hợp với quy định của pháp luật để có kết luận đối với tai biến nêu trên.

Thứ ba, yêu cầu bệnh viện Mê Kông khôi phục lại tình trạng lưu trú, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong điều trị tại bệnh viện cho đến khi có kết luận cuối cùng của Hội đồng chuyên môn.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 18/5, PV liên hệ bệnh viện Mê Kông tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, đại diện bệnh viện này cho biết: “Lãnh đạo đi công tác hết tuần, yêu cầu quay lại vào đầu tuần sau”.

Chiều ngày 25/5, PV quay lại thì được đại diện bệnh viện cho hay: “Đang chờ kết luận của sở Y tế TP.HCM mới có thể làm việc với PV?” nhưng chưa rõ ngày nào.

Trong khi đó, một cán bộ sở Y tế cho biết: “Vụ việc này thuộc chức năng của Thanh tra Sở, khi có kết luận sẽ cung cấp cho PV”.

THANH TÙNG