Nghiện món vạn người mê, cụ bà 74 tuổi bị kén sán dày đặc cơ thể

Thấy bứt rứt trong người cụ bà đi kiểm tra sức khoẻ khiến các bác sĩ choáng váng khi trên phim X- quang kén sán như hạt gạo rải rác khắp cơ thể.

Bệnh nhân thường xuyên ăn rau sống và tiết canh

Thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt, Vĩnh Phúc, cụ bà N.T.H 74 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vừa đến bệnh viện khám sức khỏe do thấy khó chịu, bứt rứt trong người.

Khi đến khám, cụ được bác sĩ chỉ định thực hiện chụp X-quang. Kết quả phát hiện thấy hình ảnh nhiều kén sán hình dạng kích cỡ như hạt gạo nằm rải rác trong các mô, cơ trên phim trường vùng ngực. Khi kiểm tra thêm vùng bụng, hai chi dưới phát hiện thấy rất nhiều kén sán mật độ dày đặc toàn bộ cơ thể.

Qua tìm hiểu các bác sĩ nắm được, vài năm bệnh nhân thường ăn rau sống, tiết canh lợn. Chỉ từ ngày có dịch bệnh của lợn bà mới không ăn tiết canh nữa.

Sau khi khai thác tiền sử dịch tễ cùng hình ảnh trên phim X-quang, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ cụ bà N.T.H bị nhiễm kén sán dây lợn. 

Không chỉ các bác sĩ mà bệnh nhân cũng choáng váng khi bị nhiễm kén sán dây lợn. Những nang kén này có thể đã tồn tại trong cơ thể người bệnh từ 5 đến 7 năm.

Sức khỏe - Nghiện món vạn người mê, cụ bà 74 tuổi bị kén sán dày đặc cơ thể                Kén sán dày đặc trên cơ thể cụ bà 74 tuổi ở Vĩnh Phúc . Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nguyệt, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt chia sẻ, hiện chưa thấy dấu hiệu của bệnh nhiễm sán biểu hiện ở mắt, não của bệnh nhân N.T.H. Tuy nhiên, cần áp dụng các phương pháp kỹ thuật cao như chụp cắt lớp vi tính sọ não, ổ bụng, để có được hình ảnh đánh giá về tình trạng bệnh chính xác hơn. Sau đó, người bệnh sẽ chuyển đến cơ sở y tế chuyên bệnh nhiễm ký sinh trùng để điều trị.

Bác sĩ Nguyệt cho biết thêm, nguyên nhân chủ yếu của nhiễm sán dây lợn là do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh gây ra: Ăn thịt lợn, nội tạng chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán (lợn gạo), các món nem chua, nem thính hoặc ăn phải thực phẩm có nhiễm trứng sán như rau sống, đặc biệt là món tiết canh.

Cách phòng nhiễm ký sinh trùng

PGS Đỗ Trường Sơn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện E Trung ương) cho biết, với người bị nhiễm ký sinh trùng đa số đều có đặc điểm chung đó là mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu, gầy sút cân. Một số trường hợp còn bị ấu trùng ký sinh dưới da gây tổn thương tại chỗ (với giun lươn).

“Đặc biệt, khi đi vào các cơ quan khác, chúng có thể gây nên ổ áp xe, rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác như u não, ung thư gan. Vì thế ngoài xét nghiệm (thường có bạch cầu ái toan cao), cần phải sinh thiết tại các tổn thương ở gan, não để có chẩn đoán chính xác nhất.

Với những trường hợp nhiễm ký sinh trùng, tùy từng loại sẽ có thời gian điều trị khác nhau, có thể kéo dài từ 2-4 tuần theo đúng phác đồ của bác sĩ. Với trường hợp có ổ áp xe ở một số bộ phận thì cần tiến hành chọc hút. Đặc biệt, khi đã nhiễm ký sinh trùng, dù điều trị khỏi nhưng vẫn hoàn toàn có khả năng mắc lại, vì thế việc phòng bệnh là rất quan trọng”, Bác sĩ Cường nói.

Từ những trường hợp bệnh nhân bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh việc đầu tiên phải làm là ăn chín, uống sôi. Ngoài ra cần uống thuốc tẩy giun định kỳ, khi lao động cần phải có đồ bảo hộ vì có ký sinh trùng lây nhiễm qua da. Khi thấy các biểu hiện như xanh xao, sút cân, mệt mỏi cần đi khám để loại trừ khả năng mắc ký sinh trùng.

Không ăn rau sống, thịt lợn, gan lợn, trâu, bò chưa nấu chín và các thực phẩm khác như thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu bò tái… đặc biệt là tiết canh.

Đặc biệt mọi người cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đảm bảo thoáng mát. Vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại định kỳ sạch sẽ (đối với những hộ chăn nuôi gia súc).