Người gầy có bị gan nhiễm mỡ không và tư vấn từ Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thanh Huyền

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ, người gầy vẫn có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chữa khỏi mà không ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan hoặc hạn chế biến chứng.

Gan nhiễm mỡ vốn được cho là căn bệnh của những người bị thừa cân, béo phì và uống nhiều rượu bia. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, người gầy vẫn có thể bị gan nhiễm mỡ. Chị Nguyễn Minh Ngọc, 28 tuổi, cao 1m58, nặng 46kg, tại Hà Nội trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát, qua quá trình thăm khám và tư vấn, bác sĩ có chỉ định chị làm một số xét nghiệm máu cơ bản: Tổng phân tích máu, xét nghiệm chức năng gan, thận… và siêu âm, chụp X-quang để kiểm tra sức khỏe tổng thể.

Trong quá trình khám, bác sĩ phát hiện chị Ngọc bị gan nhiễm mỡ độ I. Quá bất ngờ trước kết quả của mình, ban đầu chị còn nghĩ bác sĩ đã chẩn đoán nhầm bởi chị nghĩ bản thân có cân nặng và chỉ số BMI bình thường thì không thể bị bệnh và bệnh này chỉ những người thừa cân nặng mới mắc phải. Sau khi được nghe bác sĩ tư vấn và giải thích chị mới hiểu được tại sao người gầy như chị vẫn bị gan nhiễm mỡ. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội khoa Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết trường hợp như chị Ngọc không phải hiếm gặp. Bệnh  gan nhiễm mỡ chủ yếu do rối loạn chuyển hóa tế bào gan gây ra. Những người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các vi chất cần thiết sẽ làm hoạt động chuyển hóa mỡ không hiệu quả và gan có thể bị nhiễm mỡ. Ngoài ra, những người gầy nhưng bị nhiễm virus viêm gan B, C hoặc dùng thuốc đào thải qua gan đều có nguy cơ mắc bệnh này.

Theo bác sĩ Huyền, trên thực tế, chất béo luôn hiện diện trong gan nhưng chỉ chiếm chưa đến 5% trọng lượng của gan. Khi lượng chất béo đưa vào và dự trữ trong cơ thể lớn hơn 5% sẽ xảy ra hiện tượng gan nhiễm mỡ. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta có 20-30 triệu người (tương đương 20-30% dân số) mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Trong đó, 30-35% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có nguy cơ tiến triển thành xơ gan.

Nói về những biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ, bác sĩ Huyền chia sẻ, bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng. Các triệu chứng đầu tiên thường là đau bụng hoặc khó chịu rất nhẹ mà bệnh nhân có thể bỏ qua. Khi lượng mỡ tích tụ nhiều sẽ dẫn đến viêm gan, tình trạng trở nặng bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi nhiều, sụt cân, đau bụng dữ dội hay vàng da. Bệnh gan nhiễm mỡ càng kéo dài thì việc điều trị càng khó khăn và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như viêm gan, xơ gan, ung thư gan,...

Xây dựng một lối sống lành mạnh, cân bằng là cách tốt nhất để phòng bệnh gan nhiễm mỡ.

Để phòng bệnh gan nhiễm mỡ, bác sĩ Huyền cho biết, mỗi người cần xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế mỡ động vật, bia rượu, tập thể thao đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý đồng thời tiêm phòng viêm gan. Với người gầy, việc ăn uống cũng cần khoa học hợp lý như hạn chế các món chiên xào, mỡ động vật, không lạm dụng bia rượu, bổ sung đủ dưỡng chất đầy đủ giúp đảm bảo sức khoẻ của lá gan.

“Gan nhiễm mỡ có thể chữa khỏi nếu bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm. Khi có dấu hiệu bất thường cảnh báo gan không khỏe, mọi người nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán kịp thời, ngăn bệnh tiến triển nặng. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ cũng vô cùng quan trọng để phát hiện bệnh”, Bác sĩ Huyền nói.

Bác sĩ Huyền từng công tác tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước. 

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội khoa Nguyễn Thị Thanh Huyền từng có nhiều năm học tập, công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên trong lĩnh vực tiêu hoá và cơ xương khớp. Bác sĩ Huyền có chuyên môn sâu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hoá; chẩn đoán, điều trị viêm gan virus và phân tích kết quả đo độ đàn hồi gan;  chẩn đoán và điều trị gan nhiễm mỡ; nội soi, chẩn đoán và điều trị bệnh lý dạ dày, đại tràng; tiêm khớp và phần mềm quanh khớp. Hiện bác sĩ Huyền đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, đồng thời công tác chuyên môn tại một phòng khám quốc tế kiêm nhiệm chức danh giảng viên khoa Y trường Đại học Đại Nam.