Tại Nhà Văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh, có một nữ nhạc sĩ dành cả tuổi thanh xuân sáng tác hàng chục ca khúc về tuổi trẻ. Những "đứa con tinh thần" của chị luôn được thanh niên yêu thích, phấn khởi đón nhận, trở thành điểm nhấn ở nhiều kỳ đại hội, hoạt động lớn của Ðoàn, Hội các cấp.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhạc sĩ Trần Xuân Mai Trâm sớm được trao truyền tình yêu quê hương, đất nước qua các nhạc phẩm cách mạng. Từ lúc còn đi học, chị đã là linh hồn của nhóm nhạc thiếu nhi "Những Phím Ðàn", giành nhiều giải cao tại các cuộc thi âm nhạc, hội diễn văn nghệ với những ca khúc tự sáng tác có phong cách riêng biệt, nổi bật. Nguồn cảm hứng cho những ca khúc về Ðoàn, Hội và thanh niên đến như một mối duyên tiền định khi cô gái trẻ Mai Trâm tốt nghiệp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh rồi về "đầu quân" cho Nhà Văn hóa thanh niên thành phố năm 2003. Vốn học chuyên ngành về dương cầm và chỉ coi sáng tác là một sở thích cá nhân, cho nên lúc đó chị không hề nghĩ sẽ tiếp bước những "cây đại thụ" về ca khúc cách mạng chủ đề thanh niên.
Chúng tôi gặp Trần Xuân Mai Trâm lần đầu trên chuyến Hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2016. Mặc dù đoàn đại biểu tham gia Hành trình lên tới hàng trăm người, nhưng chị vẫn nổi bật nhất với phong cách trẻ trung, sôi động, lại phảng phất nét lãng mạn đúng "chất" nghệ sĩ. Ngày đó, mặc dù đã có hai sáng tác về chủ đề biển, đảo quê hương là "Trường Sa gửi yêu thương" và "Mùa xuân biển đảo", nhưng Mai Trâm vẫn khiêm tốn nhận là "dân nghiệp dư" vì nhiều lúc chỉ cần vài phút là viết xong một ca khúc, nhưng có khi cả tháng cũng... chưa viết được chữ nào. Và ngay trên boong tàu HQ-571 đưa các thanh niên ưu tú đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), nữ nhạc sĩ trẻ đã cho ra đời bài hát có tên "Trường Sa xanh" chỉ trong hơn 15 phút. Với giai điệu đầy tự hào, đậm chất thanh niên, tác phẩm nhanh chóng được đoàn đại biểu thuộc nằm lòng, coi là hành khúc chính thức của Hành trình: "Màu xanh giữa biển khơi Tổ quốc, màu xanh trong trái tim tuổi thanh xuân, nguyện hiến dâng khát khao rực cháy... Trường Sa xanh, ở trong anh, ở trong tôi, không xa Trường Sa ơi. Trường Sa xanh, đẹp long lanh, vì tương lai, mãi mãi Trường Sa xanh...".
17 năm là cán bộ đoàn, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, chị Mai Trâm chưa lần nào thử thống kê số lượng tác phẩm từng viết về chủ đề thanh niên. Chỉ biết rằng, đề tài mà chị hướng tới luôn là sức trẻ, nét đẹp và những việc làm thiết thực của thanh niên, tình yêu quê hương đất nước qua góc nhìn của tuổi trẻ. Tiêu biểu như tác phẩm "Tôi yêu Tổ quốc tôi" của chị đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt, trở thành ca khúc chính thức tại Ðại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022 và hiện được sử dụng thường xuyên trong các kỳ đại hội, chương trình lớn của Ðoàn, Hội các cấp trên cả nước. Bài hát được nữ nhạc sĩ sáng tác ngay trên đường đi làm. Không có sẵn giấy bút, chị đành vừa chạy xe vừa lẩm nhẩm học thuộc lời rồi ghi lại ngay khi tới nơi. Ngẫu hứng là thế, nhưng ca từ của tác phẩm thật sự phác họa rõ nét một đất nước Việt Nam tươi đẹp qua hàng nghìn năm trao truyền qua nhiều thế hệ, được lớp lớp thanh niên xung kích gìn giữ, dựng xây ngày càng tươi đẹp, chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: "Lớn lên trong bình yên, đôi chân đi khắp mọi miền, cảm thấy sông núi thiêng liêng. Là ngàn năm cha ông tổ tiên. Là Triệu, Ðinh, Lý, Trần bao đời. Là Bắc Trung Nam một nhà. Là Trường Sa - Hoàng Sa sóng vỗ...".
Chị cho biết, bản thân không mặn mà sáng tác theo kiểu "nhạc thị trường" dễ nhớ, mau quên. Thay vào đó, càng ngày Trần Xuân Mai Trâm càng nỗ lực trau dồi kỹ năng chuyên môn để cố gắng vươn tới tiệm cận những tác phẩm "để đời" như "Nối vòng tay lớn". Chị chia sẻ: "Ðiều quan trọng nhất khi viết các ca khúc về thanh niên và các phong trào cách mạng của thanh niên hiện nay là phải lựa chọn ca từ phù hợp, dễ tiếp thu. Nếu quá khuôn mẫu, hình thức, bài hát trở thành một chuỗi khẩu hiệu khô cứng, khó tiếp cận các bạn trẻ. Như trong bài "Tuổi xuân tình nguyện", tôi có viết đoạn "tuổi thanh xuân như cơn mưa rào...", lúc đó đang là cụm từ được giới trẻ sử dụng rất nhiều".
Quả thật, nghệ thuật là món ăn tinh thần, một bài hát phải được sử dụng thường xuyên mới có thể đi vào lòng khán giả, tồn tại với thời gian. Vì thế, mỗi ca khúc cần đặc biệt tránh kiểu sáng tác "tốc độ", thị trường, chạy theo chỉ tiêu, hình thức và suy nghĩ "năm nay phải hơn năm trước" ở các cuộc thi, cuộc vận động. Làm như vậy, thanh niên chưa kịp "thấm" bài hát này, đã buộc phải chạy theo, làm quen với bài hát khác. Thay vào đó, các cấp bộ Ðoàn nên trăn trở cách thức hiệu quả nhằm lan tỏa, phổ biến rộng rãi những ca khúc viết về phong trào hành động cách mạng tuổi trẻ thời kỳ mới không chỉ trong đoàn viên, thanh niên mà còn ở tầm đại chúng. Qua đây, góp phần tích cực trong đoàn kết, tập hợp các bạn trẻ, đồng thời nâng cao tính hấp dẫn, sức hút của công tác Ðoàn và phong trào thanh thiếu niên.