Người Việt ăn rau quả bất ngờ tăng vọt nhưng chuyên gia chỉ ra một lỗi gia đình nào cũng mắc khi ăn

CTV
Không thể phủ nhận việc tiêu thụ rau của người Việt đang ngày càng cải thiện, tuy nhiên trong cách thực hành ăn uống lại chưa thật sự khoa học để mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe.

Mới đây, trang Our World in Data đã dựa trên dữ liệu của Liên hợp Quốc để thống kê lượng tiêu thụ rau của các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê này, Trung Quốc là quốc gia yêu thích rau nhất toàn cầu, với trung bình mỗi người dân ăn khoảng 184kg/năm, tương đường với 1kg rau/ngày.

Còn với Việt Nam, theo thống kê này, chúng đa đứng thứ 21, mỗi năm trung bình mỗi người tiêu thụ khoảng 174kg rau, tương đương 478g/ngày. So với năm 1961 (48kg/năm), mức tiêu thụ rau của nước ta đã tăng vọt. Đáng chú ý, mức tiêu thụ rau của nước ta còn cao hơn nhiều so với một số quốc gia phát triển khác như Mỹ (đứng thứ 44), Anh (đứng thứ 71).

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu con số này chính xác thì đây là tín hiệu đáng mừng, vì việc tiêu thụ rau xanh, quả chín đủ theo khuyến nghị của WHO là 450-500g/ngày rất tốt cho sức khỏe.

Việt Nam rất đa dạng và phong phú các loại rau quả theo mùa. (Ảnh minh họa)

TS.BS Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho rằng, Việt Nam rất đa dạng về các loại rau quả theo mùa, vì thế người dân tăng cường ăn rau là rất tốt. Ăn đủ rau sẽ cung cấp vitamin, khoáng chất giúp phòng ngừa được nhiều bệnh tật, nhất là những bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, bác sĩ Từ Ngữ cũng chỉ ra rằng, hiện lượng rau người Việt ăn dù có tăng hơn trước nhưng vẫn còn những “lỗi” nhất định trong cách ăn rau mà chúng ta cần khắc phục. Theo ông Từ Ngữ, dù rau rất đa dạng nhưng thực tế các gia đình dù là truyền thống hay hiện đại thì trong mâm cơm hàng ngày thường chỉ có một loại rau. Thậm chí, còn tận dụng xào rau nhưng bớt lại một chút để làm canh, chứ không nấu loại rau khác.

Ông Ngữ cho rằng, trong bữa ăn, xét về mặt dinh dưỡng thì luôn cần đến sự đa dạng thực phẩm, đặc biệt là các loại rau. “Bản thân tôi trong các bữa cơm vẫn thường ăn 4-5 loại rau, củ khác nhau để đa dạng. Hay chúng ta nhìn sang người Nhật, bữa cơm của họ dù rau không một đĩa đầy như chúng ta nhưng lại gồm rất nhiều loại có nguồn gốc từ thực vật”, ông Ngữ dẫn chứng.

Một vấn đề nữa ông Ngữ cũng lưu ý là mọi người nên ăn rau củ quả theo mùa để vừa có được nhiều dinh dưỡng mà còn tránh tồn dư thuốc trừ sâu.

Rất nhiều gia đình Việt ăn rau rất khiêm tốn, chỉ có một món rau chính trên mâm cơm. 

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng Người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, nếu nhìn một cách tổng thể thì người Việt đang ngày càng ăn nhiều rau hơn, tuy nhiên con số thống kê ở trên (trang Our World in Data) là không chính xác. Điều này có thể do cách lấy mẫu và thống kê khác nhau, nhưng thống kê mới nhất của nước ta thì lượng rau, quả trung bình của người trưởng thành tiêu thụ chưa đạt 400g/ngày.

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng Bộ Y tế công bố, mức tiêu thụ rau năm 2020 của người Việt đã tăng lên đáng kể so với năm 2010. Cụ thể, năm 2010, mức ăn rau trung bình của mỗi người Việt là 190,4g/ngày; quả chín là 60,9g/ngày. Còn năm 2020, mức ăn rau là 231g rau/ngày; còn quả chín là 140,7g/ngày.

Bộ Y tế cho biết, với mức tiêu thụ rau quả này, chúng ta mới đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành.