Bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp bệnh nhân bị biến chứng khi phi kim bằng huyết tương. Sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), còn gọi là làm đẹp bằng máu tự thân, đang được ứng dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Một số spa quảng cáo phương pháp này giúp làn da "cải lão hoàn đồng". Tuy nhiên, thực tế không ít bạn trẻ đã phải đến bệnh viện điều trị do biến chứng.
"Đặc điểm chung của các bệnh nhân là tình trạng nhiễm khuẩn cấp và mạn tính trên da. Một số trường hợp đến viện muộn đã hình thành các nốt sẩn trên da mặt, phải điều trị kéo dài ít nhất 6 tháng đến một năm", bác sĩ Minh nói.
Cũng theo bác sĩ Minh, PRP là phương pháp đã được ứng dụng từ lâu trong ngành y để phẫu thuật tim mạch, răng hàm mặt, cơ xương khớp... Ưu điểm của PRP là có khả năng hỗ trợ lành nhanh vết thương, giảm viêm cấp và mạn tính. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, phương pháp này được sử dụng để làm lành vết thương sau điều trị sẹo lõm, tái tạo bề mặt và trẻ hóa da cấy túi ngực, cấy mỡ... Ngoài ra, nó được ứng dụng điều trị rụng tóc ở một số thể nhất định.
Tại bệnh viện Da liễu Trung ương, phương pháp PRP được triển khai từ năm 2016, đã được bộ Y tế phê duyệt các quy trình và chỉ định điều trị. Tuy nhiên, việc chỉ định bệnh nhân dùng phương pháp này rất chặt chẽ do đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và bác sĩ có chuyên môn cao thực hiện.
Sử dụng máu tự thân ít khi xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ khác. Đặc biệt, PRP sử dụng máu, nếu không thực hiện theo quy trình đảm bảo vô khuẩn chặt chẽ sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn và lây truyền các bệnh như HIV, viêm gan C, viêm gan B...
Theo chuyên gia, PRP thực chất không phải sử dụng máu bôi trực tiếp lên mặt, mà sau khi chiết tách, huyết tương giàu tiểu cầu chỉ có màu vàng nhạt, không có máu đỏ của máu.
Kỹ thuật tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu từ máu yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Theo đó, kỹ thuật viên phải đánh giá chất lượng tế bào máu, làm công thức máu. Sau khi sàng lọc các bệnh lý truyền nhiễm, bác sĩ lấy 20 - 30 ml máu của bệnh nhân bằng kim lớn rồi đưa vào máy ly tâm chuyên dụng để tách lấy dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3 - 8 lần máu bình thường. Thông thường một ml máu chứa 150.000 - 400.000 tiểu cầu.
Kỹ thuật viên sẽ tách tiểu cầu khỏi bạch cầu, hồng cầu và kết hợp với tế bào huyết tương. Sau đó, số lượng tiểu cầu được đánh giá lần thứ hai để xác định có đủ "giàu" không.
Khi sử dụng, huyết tương này có thể được kết hợp một số thành phần khác như các vitamin, yếu tố tăng trưởng tế bào khác... Huyết tương được đưa vào các vùng cơ thể bằng dụng cụ như kim chích, kim lăn..., với độ nông sâu khác nhau tùy theo yêu cầu điều trị.