UBND Tp.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 34/2024 quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà hỗn hợp và một số công trình lưu trú khác trên địa bàn. Văn bản có hiệu lực từ ngày 10/6.
Theo Quyết định, phương pháp xác định dân số đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp làm nhà ở thương mại được xác định theo chỉ tiêu 3,6 người/căn hộ hoặc xác định theo cơ cấu phòng ở và diện tích sử dụng căn hộ tương ứng.
Cụ thể, đối với căn hộ 1 phòng ở có diện tích 25m2 - 45m2 tính 1 người; căn hộ hai 2 phòng ở có diện tích từ trên 45m2 – 70m2 tính 2 người; căn hộ có diện tích sử dụng từ trên 70m2 – 100m2 tính 3 người. Hay, căn hộ 3 phòng ở trở lên có diện tích sử dụng từ trên 100m2 – 125m2 tính 4 người; căn hộ có diện tích sử dụng từ 125m2 trở lên tính 5 người.
Trường hợp phương án kiến trúc công trình không thống nhất giữa diện tích sử dụng căn hộ và cơ cấu phòng ở quy định thì dân số nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp được xác định theo chỉ tiêu diện tích sử dụng căn hộ tương ứng.
Theo đó, căn hộ 1 phòng ở có diện tích sử dụng căn hộ 25-45m2 tính 1 người; căn hộ 2-3 phòng ở với diện tích sử dụng căn hộ trên 40-55m2, tính 2 người; diện tích sử dụng căn hộ trên 55-70m2 tính 3 người; diện tích sử dụng căn hộ trên 70-77m2 tính 4 người.
Ngay sau khi Quyết định được công bố, nhiều tranh cãi đã xảy, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ khiến những hộ 4-5 người đang căn hộ dưới 70m2 sẽ thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, sau khi nghiên cứu Quyết định trên, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Giảng viên Khoa luật, Đại học Thuỷ lợi) cho rằng, đây là quy định có tính chất định hướng, quy hoạch kiến trúc để hướng đến xây dựng thủ đô khang trang, văn minh và ngày càng tiện nghi hơn.
"Tuy nhiên, chưa thể có quy định mức độ diện tích nhà ở trên số dân lớn như vậy được. Phương pháp phát hiện chỉ tiêu dân số với nhà chung cư nêu trên không phải là cơ sở để xử lý hay xử phạt với người vi phạm", TS. Cường nhấn mạnh và cho rằng, dù những cơ sở này dựa trên Luật thủ đô nhưng Luật cư trú hiện đang áp dụng cũng đã quy định về diện tích tối thiểu của người dân.
Cụ thể, TS. Đặng Văn Cường cho hay, thực tế ở Hà Nội hiện nay, mỗi ngôi nhà ở riêng lẻ có khoảng 200m2 với khoảng 4-6 người. Đối với khu vực ở trọ sinh viên, người lao động thì diện tích bình quân mỗi người chỉ khoảng 10m2. Số người sống trong chung cư, chung cư mini, các khu nhà trọ rất khó đạt được tỷ lệ 20m2 mỗi người.
Nếu định hướng quy hoạch để phấn đấu trong tương lai mỗi người phải đạt 45m2 nhà thì sẽ cần diện tích nhà rất lớn để đáp ứng nhu cầu dân số Thủ đô ngày càng tăng.
Quy định này có thể tác động đến quy hoạch về hạ tầng giao thông đô thị, quy hoạch kiến trúc đô thị và phát triển nhà ở. Hà Nội là thủ đô, có cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô và sẽ có định hướng phát triển riêng để trở thành thủ đô văn minh, đi đầu trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc đưa ra những cơ chế chính sách đặc thù cũng như những quy định riêng biệt phải dựa trên nhiều yếu tố như: kinh tế, chính trị, xã hội, tố văn hóa, kiến trúc và về các nguồn lực.
Những quy định pháp luật về đăng ký thường trú, tạm trú của công dân là những quy định áp dụng trực tiếp có ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, còn quy định về định hướng quy hoạch này thì sẽ tác động trong tương lai.
Đối với quy định diện tích nhà tối thiểu để đăng ký thường trú tại Hà Nội thì ngày 06/7/2023, HĐND Tp.Hà Nội thông qua Nghị quyết 10/2023, quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (có hiệu lực từ ngày 16/7/2023). Nghị quyết này quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, áp dụng trên địa bàn thành phố đến hết năm 2030.
Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội như sau: Đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu tại quy định này là diện tích được tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Hiện nay Hà Nội vẫn đang áp dụng quy định này để thực hiện việc đăng ký thường trú cho công dân trên địa bàn thành phố. Việc quy định diện tích 45 m2 trên một người là định hướng quy hoạch kiến trúc trong tương lai, để áp dụng quy định này thì cần phải đánh giá thực trạng và các yếu tố về quy hoạch kiến trúc, định hướng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và chính sách phát triển nhà ở thủ đô.
“Tuy nhiên, người dân cũng có thể có ý kiến đóng góp đối với các chính sách mới của Hà Nội sao cho các chính sách này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, có tính khả thi và có tác động tích cực đối với sự phát triển chung của thủ đô, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của người dân thủ đô trong tương lai”, ông Cường nêu ý kiến.