Nhà máy Bê tông Hùng Vương–Long Thành được "ưu ái" hoạt động trái phép

Nhà máy Bê tông Hùng Vương – Long Thành được “ưu ái” cho hoạt động, vì “phục vụ cung cấp bê tông cho dự án quốc gia”.

Hiện, Nhà máy Bê tông Hùng Vương – Long Thành vẫn hoạt động bình thường. Đáng chú ý, lãnh đạo nhà máy cho biết, sở dĩ hoạt động khi chưa được cấp phép là do lãnh đạo UBND và lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành “ưu ái” cho hoạt động, vì “phục vụ cung cấp bê tông cho dự án quốc gia”.

Đã kết luận sai phạm…

Ghi nhận của PV Người Đưa Tin vào ngày 19/8 cho thấy, Nhà máy Bê tông Hùng Vương - Long Thành (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hùng Vương) tọa lạc tại tổ 1, ấp 1B, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vẫn đang hoạt động bình thường: số công nhân vẫn đang làm việc, xe chở bê tông trộn ra vào nườm nượp, máy quay đều đều… Con đường phía trước, dẫn ra Quốc lộ 1A nhầy nhụa, sình lầy do xe trộn ra vào cày xéo, kèm theo bùn đất.

Môi trường - Nhà máy Bê tông Hùng Vương–Long Thành được 'ưu ái' hoạt động trái phép

Nhà máy Bê tông Hùng Vương - Long Thành (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hùng Vương) tọa lạc tại tổ 1, ấp 1B, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Tình trạng này cũng đã được PV Người Đưa Tin ghi nhận, phản ánh cách đây 1 tháng trước, cho đến hôm nay mọi thứ vẫn như cũ. Nghiêm trọng hơn, nhà máy vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài, chảy vào con rạch Quán Chơm, tiếp giáp khu đất xây dựng nhà máy (khoảng gần 4ha). Nước thải chủ yếu là do sục rửa xe chở bê tông và từ đất, cát, đá… của nhà máy này nhưng không hề qua bất cứ hoạt động xử lý nào.

Nhà máy Bê tông Hùng Vương - Long Thành hoạt động từ năm 2020 cho đến nay nhưng vẫn chưa được cấp phép đầy đủ. Trong quá trình hoạt động “chui”, nhà máy đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt 65 triệu đồng (vào ngày 29/12/2022) về hoạt động chưa đủ giấy phép, đặc biệt là về tác động môi trường. Đồng thời, kèm theo hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động.

Về các lỗi sai phạm của nhà máy này, vào thời điểm kiểm tra cho thấy: Nước thải sản xuất phát sinh với lưu lượng khoảng 2,2m3 từ hoạt động rửa thiết bị và phương tiện vận chuyển được thu gom qua 3 bể lắng, sau đó chảy ra rạch Quán Chơm. Bụi, khí thải và tiếng ồn phát sinh từ các phương tiện giao thông và quá trình sản xuất (hiện Nhà máy có 2 dây chuyền sản xuất). Về công tác quản lý tài nguyên nước hiện nhà máy đang sử dụng 1 giếng khoan (chưa lập thủ tục nước dưới đất).

Vì vậy khi kết luận, UBND huyện Long Thành cũng yêu cầu nhà máy phải thực hiện các nội dung sau: Lập thủ tục môi trường, lập thủ tục khai thác khoáng sản nước dưới đất theo đúng quy định. Mặt khác, có biện pháp thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

… Nhưng vẫn “tạo điều kiện” cho hoạt động?

Qua làm việc, đại diện nhà máy cho biết về công suất xin phép (nhưng chưa được cấp) là 200m3/ngày (tổng diện tích khoảng 1300m2, với công suất 120m3/giờ theo báo cáo của nhà máy với cơ quan chức năng) với 45 công nhân đang làm việc. Như vậy, mỗi ngày đang có hàng loạt mét khối bê tông được trộn từ nhà máy hoạt động chưa đầy đủ giấy phép. Đáng nói hơn, dù thừa nhận hoạt động chưa đầy đủ giấy phép theo quy định của pháp luật nhưng đại diện nhà máy cho biết, được lãnh đạo huyện “tạo điều kiện để hoạt động”.

Môi trường - Nhà máy Bê tông Hùng Vương–Long Thành được 'ưu ái' hoạt động trái phép (Hình 2).

Khu vực cổng vào Nhà máy Bê tông Hùng Vương - Long Thành.

“Chúng tôi có xin lãnh đạo huyện, đặc biệt là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tạm thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, vì đang cung cấp bê tông cho dự án quốc gia là Cao tốc Bến Lức – Long Thành và sân bay Long Thành”, đại diện nhà máy này cho biết.

Dù lãnh đạo nhà máy khẳng định như vậy nhưng ông Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành cho biết: “Đối với nhà máy này, phòng đã kiểm tra và tạm đình chỉ và báo cáo cáo huyện rồi. Để tôi kiểm tra lại một lần nữa, xem kết quả thực hiện của họ như thế nào, sau đó báo cáo lãnh đạo, rồi thông tin lại cho PV. Còn ai tạo điều kiện thì họ phải nói rõ ràng, chứ không nói kiểu đó được”.

Sau đó nhiều lần, PV đã liên lạc với ông Thành nhưng đều được thông báo “đã báo cáo lãnh đạo huyện rồi”. Trong khi đó, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay: “Đã có báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường”. Nhưng sau đó, PV liên lạc lại không được, dù ông này đã hẹn sẽ trao đổi về vấn đề này với PV.

Nhà máy máy Bê tông Hùng Vương - Long Thành có công suất lớn, diện tích lên tới gần 4ha hoạt động ngày đêm nhưng chính quyền địa phương, các ngành chức năng ở đâu khi họ chưa đủ giấy phép, đặc biệt là liên quan đến ô nhiễm môi trường?. Hơn nữa, sau khi Người Đưa Tin phản ánh, cũng như trước đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu ngưng hoạt động thì nhà máy vẫn ngang nhiên hoạt động. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang coi thường pháp luật và hủy hoại môi trường.

Môi trường - Nhà máy Bê tông Hùng Vương–Long Thành được 'ưu ái' hoạt động trái phép (Hình 3).

Nhà máy máy Bê tông Hùng Vương - Long Thành có công suất lớn, diện tích lên tới gần 4ha hoạt động ngày đêm nhưng chính quyền địa phương, các ngành chức năng ở đâu khi họ chưa đủ giấy phép, đặc biệt là liên quan đến ô nhiễm môi trường?.

Nhà máy bê tông Hùng Vương - Long Thành thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hùng Vương đăng ký hoạt động ngày 23/12/2019, có người đại diện pháp luật là ông Đinh Nguyên Thử.

Theo giới thiệu, đây là nhà máy thứ 5 của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hùng Vương thành lập, chuyên sản xuất cung ứng và thi công bê tông tươi, các loại sản phẩm cống thoát nước và đã chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 với việc vận hành hệ thống điều khiển trạm trộn hiện đại, tự động hoàn toàn, công suất 120m3/trạm.

NHÓM PV