Nhập viện trong tình trạng nặng vì nhầm sốt xuất huyết thành COVID-19

Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nghĩ mình bị COVID-19, tới khi nhập viện thì đã chuyển biến nặng.

VOV dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thu Hường – Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện. Mặc dù số lượng bệnh nhân chưa tăng cao đột biến nhưng phần lớn đều vào viện trong tình trạng nặng.

Sở dĩ các bệnh nhân sốt xuất huyết tới Bệnh viện Thanh Nhàn đều đã chuyển biến nặng là vì họ nghĩ mình mắc COVID-19 và đã tiêm 3 mũi vaccine nên chủ quan. Khi sốt cao đến ngày thứ 3, người bệnh mới nhập viện. Thời điểm này, tiểu cầu đã giảm sâu.

Đang điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Thanh Nhàn, anh N.T.L ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) kể anh nhập viện sau 2 ngày sốt cao, tay chân có dấu hiệu mệt mỏi rã rời. Bệnh nhân khá bất ngờ khi biết mình mắc sốt xuất huyết, đây cũng là lần đầu tiên anh bị bệnh này.

nhap vien trong tinh trang nang vi nham sot xuat huyet thanh covid 19

Sức khỏe anh L. hiện đã  bình thường, ăn uống được và chân tay không còn mỏi mệt như khi mới nhập viện. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

"Tôi đã vào viện được hơn 1 tuần. Sau 2 ngày sốt cao tôi mới nhập viện. Trước đó, khi có triệu chứng ban đầu, tôi nghĩ mình mắc COVID-19 nên có ra y tế phường làm xét nghiệm. Khi có kết quả âm tính, tôi nghĩ mới đến khả năng bị sốt xuất huyết”, anh L. chia sẻ.

Người đàn ông cho biết thêm: “Tôi không rõ mình bị lây bệnh từ đâu vì quanh khu vực nhà tôi chưa có trường hợp nào bị sốt xuất huyết. Trong khi đó, gia đình tôi vẫn ngủ màn và không hề có các chum chứa nước quanh nhà. Hiện tại, sức khoẻ tôi đã bình thường, ăn uống được và chân tay không còn mỏi mệt như khi mới nhập viện".

Chia sẻ với báo Pháp Luật Việt Nam, bác sĩ Hường cho hay một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là tiểu cầu giảm, dẫn đến tình trạng rối loạn đông máu, có thể gây chảy máu ở nhiều nơi, trong đó có xuất huyết não, xuất huyết hệ thống đường tiêu hóa, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Nguy hiểm nhất là xuất huyết nộ tạng, tiên lượng nặng, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Theo bác sĩ Hường, bệnh nhân có tâm lý ngại đến viện, nghĩ mắc COVID-19 và cho rằng đã tiêm 4 mũi vaccine nên có nhiễm SARS-CoV-2 cũng nhẹ hơn. Khi bệnh nhân đến viện, thường dấu hiệu đã trở nặng ở trong đầu giai đoạn 2. Dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành cùng với sự xuất hiện của sốt xuất huyết khiến rất nhiều người nhầm lẫn.

Trước tình trạng đó, bác sĩ khuyến cáo khi có biểu hiện sốt bất thường, mọi người nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời và đúng cách. Ngoài test nhanh để phát hiện COVID-19, các bệnh khác buộc phải lấy máu, làm xét nghiệm mới ó thể chẩn đoán chính xác.

Được biết, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt rất cao khoảng 39 - 40 độ C, ngoài ra còn có thêm triệu chứng đau đầu, đau mỏi người. Trong khi đó, bệnh nhân nếu đã tiêm vaccine thường sốt không cao, khoảng 38 – 38,5 độ C.

“Sốt xuất huyết triệu chứng đau đầu rõ ràng, bệnh nhân rất mệt mỏi. Nhưng COVID-19 thì ở thời điểm này, các triệu chứng rất nhẹ nhàng. Cá biệt có trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 bị tổn thương nặng hoặc bội nhiễm thì cũng có thể sốt rất cao. Vì vậy, ở thời điểm này, có nguy cơ dịch chồng dịch, có rất nhiều dịch bệnh khác ngoài sốt xuất huyết, COVID-19… Người dân nên đi khám sớm để kịp thời được điều trị đúng cách”, bác sĩ Hường nhấn mạnh.

Ngoài ra, bác sĩ Hường cũng khuyến cáo theo chu kỳ dịch bệnh thì cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017. Năm 2022, theo dự báo có thể sẽ xuất hiện đỉnh dịch. Số người mắc sốt xuất huyết ở miền Nam hiện tăng khá cao, đã có những ca mắc nặng.

Ở miền Bắc, dù đã là tháng 5 nhưng thời tiết vẫn đang còn lạnh nên bệnh sốt xuất huyết sẽ đến chậm hơn các năm. Khả năng dịch tại miền Bắc sẽ rơi vào khoảng tháng 7-8/2022.

Đinh Kim (T/h)