Nhật Thảo: Giọng ca ngủ quên và cuộc lãng du lạ lùng trên con đường nghệ thuật

Giới nghe nhạc Audiophile khi cầm trên tay CD nhạc xưa “Những ngày thơ mộng” của Nhật Thảo đã đánh giá đây là album lạ nhất trong năm về giọng hát sầu đẹp, cách chọn bài, phối khí đậm chất hoài niệm.

Nhật Thảo không phải một gương mặt quen của giới giải trí, dù không còn trẻ. Về độ nổi tiếng có thể nói cô là một con số 0 nhưng lại không phải tay ngang trong nghề. 6 tuổi đã lên sân khấu, cả quãng đời niên thiếu tham gia vào đội văn nghệ thành phố, tuy nhiên  chưa bao giờ cô gái xứ Thanh có suy nghĩ mình sẽ theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp . Có lẽ, vì tuổi thơ nhiều sóng gió nên Nhật Thảo chỉ mong bình yên, sợ đi con đường gập ghềnh, sợ những trái ngang mà đời nghệ sĩ có thể đem đến.  

ca-si-nhat-thao-3-1671703078.jpg

Ca sĩ Nhật Thảo.

 

Tuy không đi theo con đường chuyên nghiệp nhưng với Nhật Thảo âm nhạc vẫn là một tình yêu, đam mê ở trong huyết quản, và hơn thế nó còn cho cô rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Với gia cảnh không mấy dư dả, ngay từ khi quyết định ôn thi Nhạc viện, mẹ cô đã tất tả đi vay mượn, chắt chiu  để cô có tiền ôn luyện.  

Không phụ lòng mẹ, với sự chăm chỉ ngay từ năm đầu Nhạc viện, Nhật Thảo đã đi hát ở các tụ điểm ca nhạc  từ 30-40 nghìn cho một buổi hát tại các nhà hàng hay 80 nghìn ở quán café ca nhạc…số tiền đó đã giúp cô trang trải cuộc sống cũng như giúp đỡ, hỗ trợ được  phần nào kinh tế cho gia đình.  

Ngay từ những ngày còn học trung cấp tại Nhạc viện, Nhật Thảo đã mong muốn thực hiện một album cho riêng mình. Cần mẫn đi học rồi đi làm kiếm tiền, dư được đồng nào, cô gom góp làm album đầu tay mang tên “Khoảng lặng” ra mắt năm 2008. 

Ngày đó, với cuộc sống sinh viên không dư dả gì, các bạn học hay xin beat của nhau về thu âm chơi nhưng Nhật Thảo lại khác. Cô muốn mọi thứ chỉn chu và là của mình. Không chịu giống bạn bè, cô đi thuê phối khí 3 triệu/bài, có bài phối đi phối lại ba lần, tổng tiền lên tới là 9 triệu. Dù chỉ in 200 bản để tặng mọi người làm kỷ niệm nhưng Nhật Thảo đã rất nghiêm túc với cuộc chơi của mình. Nhật Thảo thật sự đã rất “lạ lùng” từ những ngày ban đầu như thế.

Năm 2011 ra trường, Nhật Thảo về Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh VOV TV. Lúc đó mọi người đề nghị cô vào nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam làm ca sĩ, nhưng cô khăng khăng chỉ thích làm phóng viên. Sau đó Nhật Thảo thi đậu biên chế, tập trung làm báo, chuyển sang Truyền hình Quốc hội và từ đó, các tụ điểm ca nhạc không còn thấy cô xuất hiện. 

Âm nhạc luôn ở trong máu, là đam mê cả một đời, nuôi dưỡng trái tim, tâm hồn Nhật Thảo. Nhật Thảo chưa bao giờ xa nó mà chỉ là chọn cách yêu nó rất khác. Cách yêu của một kẻ lãng du, rong chơi, làm âm nhạc vì thích, vì mê, làm những gì mình thích chứ không sống chết với nó, bó buộc vào nó bởi sự nghiệp. 

Album “Những ngày thơ mộng” được ra mắt cuối năm 2022 của Nhật Thảo, ngoài Kiếp nào có yêu nhau (nhạc Phạm Duy, thơ Minh Đức Hoài Trinh), còn có 10 tác phẩm không nhiều người biết hay quen tai: Phố chiều (Hoàng Thi Thơ), Thung lũng hồng (Phạm Mạnh Cương), Trong miệt mài em quên (Trường Sa), Bão tình (nhạc Hoàng Trọng, lời Duy Viêm), Mộng sầu (Trầm Tử Thiêng), Bước chân dĩ vãng (tác giả Nguyễn Hiền – Lam Đài, ca sĩ Tuấn Anh), Một ngày không có em (nhạc Y Vân, lời Nguyễn Long, song ca với Tuấn Anh), Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Những ngày thơ mộng (Hoàng Thi Thơ), Chờ (Lam Phương).

ca-si-nhat-thao-18-1671703078.jpg
 

Album là sự hỗ trợ của nhiều người, để giọng hát đẹp Nhật Thảo được tái sinh, để những ca khúc bất hủ được khán giả tiếp tục yêu mến. Cho đến tận khi ra mắt album này, Nhật Thảo mới chỉ phải bỏ ra duy nhất tài nguyên sẵn có của mình là giọng hát, 1 phần được Audiospace- nhà phát hành ứng trước chi phí cũng như 1 phần sự động viên của ekip với câu nói “Em chỉ việc chuyên tâm vào thu, mọi thứ để sau hãy nghĩ tới”. Với giá bán cho một album không quá cao,  nếu bán hết số lượng CD phát hành  may ra mới hoà vốn nhưng Nhật Thảo không nhiều lo lắng vì với cô “âm nhạc không phải để đong đếm, thiệt hơn. Đây là một nhân duyên, và đến lúc cần trả lại sự biết ơn cho nhân duyên đó bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc chuyên nghiệp nhất”. Tuy nhiên, cô có may mắn khi hiệu ứng từ đĩa “Kỳ diệu” quá tốt nên dân chơi Audiophile đều đang rất chờ đón sản phẩm của cô, có người nói chỉ cần Nhật Thảo ra đĩa là đặt mua, không cần biết list bài như thế nào. 

Từng ở trong vỏ ốc nhưng Nhật Thảo đã được ca sĩ Tuấn Anh lôi ra ánh sáng. Từ ngày đi hát lại, những người xung quanh thấy Nhật Thảo với một tâm thế khác, vui tươi hơn, bớt khó tính, tự cởi trói cho bản thân để được rộng mở tâm hồn với cuộc đời. Album “Những ngày thơ mộng” đã tái sinh Nhật Thảo về tất cả, từ giọng hát đến cuộc sống. Tuy nhiên khi được hỏi có ân hận vì quãng thời gian hơn mười năm vì lựa chọn báo chí mà để con đường nghệ thuật dang dở, Nhật Thảo bảo, cô không nuối tiếc vì vẫn được sống với âm nhạc theo cách riêng của chính mình- một kẻ lãng du, rong chơi bằng cảm xúc.

“Tôi chưa từng rời bỏ âm nhạc. Âm nhạc là máu thịt của tôi nhưng cho chính cuộc đời tôi thôi, không nhất thiết phải được ai nhìn nhận ca tụng. Với tôi, báo chí và âm nhạc không thể tách rời, sự cộng hưởng của công việc báo chí cho tôi nhiều vốn sống để nhập tâm hơn vào bài hát. Ngược lại tâm hồn nghệ sĩ giúp tôi viết báo tình hơn, mềm mại hơn” – cô gái xinh đẹp trải lòng.

ca-si-nhat-thao-20-1671703079.jpg

Nhật Thảo và cô giáo Anh Thơ của mình.

 

Album “Những ngày thơ mộng” được ra đời dịp cuối năm, cũng là sự tri ân của Nhật Thảo đến với những người mà cô rất biết ơn trong đời mình.