Trong cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hồi đầu tuần trước, 16 ngân hàng đã cam kết cùng tham gia giảm lãi suất cho vay đồng loạt để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong dịch COVID-19.
Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm phù hợp.
Sau một tuần đồng thuận giảm lãi suất tiền vay, một số đơn vị ngân hàng đã công bố con số giảm (lãi suất) cụ thể.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ ngày 15/7 đến hết 31/12.
Khách hàng doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được giảm 1% lãi vay và giảm tối đa 1% đối với nhóm ngành còn lại. Khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh được giảm 1% và giảm tối đa 0,5% với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm lãi suất cho vay bình quân 1 điểm phần trăm đối với dư nợ hiện hữu; giảm tối đa đến 2%/năm với một số nhóm khách hàng khó khăn thuộc lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải hoặc khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng có dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn...
Ngoài ra, các ngân hàng MB, Sacombank, Agribank, ACB, HDBank... cũng đã công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.
MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (DN trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương)…
Sacombank cũng thông báo sẽ giảm lãi suất 1%/năm với các khoản vay doanh nghiệp, cá nhân thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, giáo dục, y tế...
Không chỉ kỳ vọng sớm được giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu, nhiều doanh nghiệp còn bày tỏ mong mỏi phía ngân hàng có điều kiện giảm trên diện rộng và mở rộng các đối tượng được tiếp cận để sớm có tiềm lực khôi phục lại kinh doanh, phát triển kinh tế.
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật