Chiều ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức cuộc họp với tất cả các hãng hàng không, đại diện các tổ chức tín dụng có dư nợ ở ngành này, bàn về việc mở "Gói tín dụng cho hàng không". Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuộc họp.
Đề xuất vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) có thể thấy các hãng bay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính vì tình hình dịch bệnh kéo dài.
Theo đó, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký VABA cho biết, doanh thu ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay giảm từ 80 - 90%. Hiện các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều bị dừng. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay.
Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines- VNA) là 20.000 tỷ đồng.
Trước những khó khăn ngành hàng không đang phải đối mặt, Hiệp hội hàng không đề xuất gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để cứu các hãng bay đang thua lỗ nặng nề, đối mặt nguy cơ phá sản. Theo đó, đại diện VAVA cũng kiến nghị ngành ngân hàng sớm có hai gói vay cụ thể.
Gói thứ nhất, đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.
Gói thứ hai, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn: 3 - 4 năm.
Sẽ sớm đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất lên Chính phủ
Chia sẻ về những khó khăn của ngành hàng không, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết chưa khi nào ngành hàng không lại khó khăn trăm bề như hiện nay.
Trước tình hình đó, Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí,... Cụ thể, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines (VNA).
Thống kê của NHNN thì dư nợ tín dụng hiện nay đối với các hãng bay khoảng 24.000 tỷ đồng. Số này chiếm tỉ lệ nhỏ so với dư nợ 9,8 triệu tỷ đồng của toàn nền kinh tế, và so với khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng dư nợ các DN đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chia sẻ, ngành ngân hàng cũng là một ngành kinh tế, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Và ngành ngân hàng cũng đang rất khó khăn.
Đặc biệt, việc lạm dụng quá chính sách tiền tệ quốc gia, theo ông Tú, sẽ phải trả giá đắt nếu lạm phát không kiểm soát được. Tiền cứ bơm ra thì không ai dám chắc lạm phát có tăng cao trong vài năm tới hay không. Đặc biệt chính sách tiền tệ luôn có độ trễ.
Đưa ra giải pháp để hỗ trợ ngành hàng không, vị lãnh đạo này đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các hãng hàng không vay. Vì đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và khả năng dịch được khống chế, hoạt động bay trở lại được thì sẽ hồi phục nhanh.
Cùng với việc ưu tiên vốn cho các hãng bay, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay đối với các hãng hàng không, trong đó chủ động mạnh dạn cho vay tín chấp.
Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 mà tình hình diễn biến còn khó khăn thì NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01, 03 và 14 để hỗ trợ.
"Nhu cầu vay vốn hàng không khá lớn để họ hồi phục, nếu cần tăng hạn mức tín dụng, NHNN sẽ nới bổ sung. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đề xuất, cộng với 24.000 tỷ đồng dư nợ hiện tại, cũng không phải là quá lớn," Phó Thống đốc chia sẻ.
Đặc biệt, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ.
Phương Ly - Người Đưa Tin